
Những ngày giáp tết, khi các nghệ sĩ trẻ tất bật chạy sô không ngơi nghỉ, thì với những nghệ sĩ tuổi đã về chiều, tết, chính là khoảng thời gian mà nỗi nhớ nghề hơn bao giờ hết… Tuy nhiên, năm nay những nghệ sĩ già yếu, neo đơn ở Viện Dưỡng lão nghệ sĩ (đường Âu Dương Lân, Q8, TPHCM), mùa xuân đang đến trong nghĩa tình nồng ấm…

Họa sĩ Hoài Nam đang thiết kế, dán những hình ảnh mới của các mạnh thường quân đến thăm Viện dưỡng lão nghệ sĩ.
Nếu có dịp đến Viện Dưỡng lão nghệ sĩ vào một ngày gần tết, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, chăm sóc chân tình của các nghệ sĩ với nhau. Đặc biệt, không khí đón tết ở đây khá ấm cúng.
Khi chúng tôi đến đây, các nghệ sĩ vừa cùng nhau dọn dẹp vườn cỏ phía trước viện khá sạch sẽ. Ở bên phải, từ cổng đi vào, có bóng dáng của một người đàn ông râu tóc bạc phơ đang cặm cụi cắt dán từng con chữ: Chúc mừng năm mới Xuân Mậu Tý 2008… và nắn nót gắn từng bông hoa mai bằng giấy. Đó là soạn giả Hoàng Nô – người đã góp phần đưa nhiều giọng ca cải lương trở thành “ngôi sao” của sân khấu một thời. Thấy chúng tôi đến gần, ông lão cười khì khì và nói to: “Sáng giờ, tôi cắt dán mấy chữ chúc mừng năm mới, đón Tết Mậu Tý cũng gần xong rồi, chú em thấy được không?”. Giọng nói của ông có vẻ hơi khó khăn, vì ông bảo, mấy ngày nay trời lành lạnh, dễ ho, mệt quá… Khi trò chuyện với ông, có lẽ khó ai biết được ông chính là người soạn giả tài hoa đã phát hiện ra giọng ca chói sáng của sân khấu cải lương- NSƯT Minh Phụng! Trông ông rất đỗi giản dị.
Mặc dù tuổi cao, sức khỏe có giới hạn, nhưng công việc nào ở viện không quá sức của mình, ông đều sẵn sàng làm việc miệt mài. Mấy năm trước đây, ở viện nuôi một ao cá, ông là người chuyên đạp xe cọc cạch đi vớt bèo ở nhiều nơi, chở về cho cá ăn hàng ngày. Thấy ông hiền lành, làm việc không ngại nắng, mưa, bà con ở khu vực này thương mua tặng cho ông chiếc áo sơ mi… Ông chỉ tay vào chiếc áo đang mặt trong người, khoe: “Áo này do bà ao bèo cho đó, ở đây anh em sống bằng “đồ cho” không hà, đâu có ai mua thứ chi!”.
Đâu chỉ riêng gì một soạn giả Hoàng Nô đang cặm cụi trang hoàng, lo tết cho anh em nghệ sĩ ở đây. Ngay gian phòng tiếp khách của viện, có một lão nghệ sĩ tuổi đã gần 80 cũng đang ngồi nhìn ngắm, chỉnh sửa, lau chùi, dán từng tấm hình một cách tỉ mỉ. Ông là họa sĩ Hoài Nam – người có thâm niên 47 năm chuyên đi theo các đoàn hát để vẽ, thiết kế sân khấu. Có lẽ, với ông, sân khấu vừa là người bạn, vừa là “người vợ” thân tình. Cả đời ông đã dành trọn cho sân khấu. Ngay bây giờ cũng thế! Ông tâm sự: “Tôi đang ắp ủ một ước mơ sẽ nắn tượng chân dung các nghệ sĩ mà mình quen biết…”.
Sao ông không vẽ chân dung các nghệ sĩ cho nhanh? Tay vuốt chòm râu điểm bạc, nét mặt trầm tư, ông bảo: “Tui cũng muốn lắm chứ, nhưng bây giờ tiền bạc đâu mà mua màu… Thôi thì tìm cách nắn tượng bằng đất sét cho đỡ tốn kém hơn…”. Vừa nói xong, ông vội vã chỉnh sửa, dán lại mấy tấm hình lúc nãy đang làm dở dang… Anh Tần Nguyên, Phó ban Quản lý của Viện Dưỡng lão nghệ sĩ cho biết: “Năm nay, các nghệ sĩ ở viện được nhiều anh em nghệ sĩ, đang hoạt động vào thăm, tặng quà tết khá nhiều… Có thể nói, năm nay các nghệ sĩ lớn tuổi được chăm lo tết rất tốt.
Đến nay, mỗi anh chị nghệ sĩ lớn tuổi ở viện được các nghệ sĩ, mạnh thường quân, tổ chức xã hội, cơ quan ban ngành, đoàn thể đến thăm, lì xì mỗi người cũng được trên 3 triệu đồng…”. Ước mong sao, từ nay đến tết sẽ còn nhiều, rất nhiều tấm lòng đến với nơi đây để các nghệ sĩ có được một cái tết tươm tất hơn, đầy đủ hơn, bù đắp lại sự thiếu thốn của những ngày thường khi mỗi người chỉ được vỏn vẹn 10 ngàn đồng/ngày cho mọi chi phí ăn uống…
ĐỖ HẠNH