
Khi đoàn đại biểu TPHCM đến với Trường Sa trong chuyến thăm vào đầu tháng 4-2010, Sinh Tồn là hòn đảo đầu tiên chúng tôi nghe các em bé cười giòn như rang cốm. Sau những ngày lênh đênh giữa biển cả mênh mông, sau những lần ghé qua đảo chìm, gặp những sĩ quan hải quân trong các căn nhà lục giác và tiếng cười rộn rã khiến hòn đảo giữa biển Đông này rạng rỡ hẳn lên. Đó là ánh sáng của sự sinh tồn.
Trùng khơi lập nghiệp
Bùi Đình Khải ngồi trên lan can căn nhà ở cuối sân khấu, xem đêm diễn xung kích của các ca sĩ, nghệ sĩ trong đoàn đại biểu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đi thăm quần đảo Trường Sa. Áo sơ mi trắng, người gầy, tóc chẻ ngôi giữa rũ che tai, trông Khải như một thư sinh, dù cho da có ngăm đen.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín ẵm bé Bùi Hoàng Nhã Kỳ, công dân trẻ nhất trên huyện đảo Trường Sa. Ảnh: X.ĐẶNG
Sinh năm 1983, Khải là chủ hộ trẻ nhất trên hòn đảo này. “Gia đình tôi gồm 2 vợ chồng, 2 đứa con sống trong căn nhà rộng hơn 90m², có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, bếp và nhà vệ sinh tự hoại. Nhà có mảnh vườn gần 30m², có chuồng gà. Dưới sàn nhà là hầm chứa nước. Mưa thì nước tự động chảy xuống hầm, chúng tôi bơm lên thùng đặt trên nóc nhà để sử dụng”, Khải giới thiệu khái quát về điều kiện sống hiện nay của mình.
Quê ở phường Xương Huân, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Khải lấy vợ năm 2006, khi 23 tuổi. Một năm sau, Bùi Hoàng Minh Quân, cậu con trai đầu lòng ra đời. “Ở Nha Trang hai vợ chồng thuê nhà ở riêng. Tôi công tác ở phường đội, lương chỉ khoảng hơn 500.000 đồng/tháng. Vợ làm nghề tự do. Tiền thuê nhà mỗi tháng tốn hết hơn 200.000 đồng. Hai vợ chồng làm thêm đầu này đắp đầu kia, cuộc sống khó khăn lắm”, Khải kể. Chàng trai trẻ ấy muốn tìm cho mình một cơ hội mới. Rồi cơ hội đến, anh nằm trong số 21 hộ dân đầu tiên được chọn đi lập nghiệp ở Trường Sa. Trong đó, gia đình Khải đến đảo Sinh Tồn.
Khải, vợ và bé Quân, lúc ấy còn ẵm ngửa, đặt chân lên đảo Sinh Tồn vào ngày 9-4-2008. Ngoài TP Nha Trang, đây là vùng đất đầu tiên mà gia đình trẻ này chọn để lập nghiệp.
Bản năng sinh tồn
Khi ra đảo Sinh Tồn, Khải mới 25 tuổi. Kinh nghiệm trồng rau, đi biển gần như không biết gì. Học hỏi kinh nghiệm từ những người lính đảo, Khải bắt đầu cuộc sống ở miền đất mới bằng việc cuốc đất trồng rau. Không như đảo Song Tử Tây và đảo Trường Sa lớn, đảo Sinh Tồn không có giếng nước ngọt (giếng nước ngọt trên các đảo ở Trường Sa, nếu có, hiện cũng chỉ dùng được để tắm giặt, tưới cây – PV) nên việc trồng rau gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, bên cạnh việc trồng những loại rau “truyền thống” của đảo, Khải và các hộ dân khác trên đảo cố gắng trồng thêm để đảm bảo hơn dưỡng chất cho trẻ nhỏ. “Hiện tôi trồng được khoảng 10 loại rau, trong đó có một số loại đã tưởng như khó sống nổi trên đảo như dưa leo, bí xanh, bí đỏ”, Khải phấn khởi khoe.
Theo Khải, trong các loại rau anh trồng được, khó nhất mà cũng cần thiết nhất là bí đỏ. Cây này trồng được thì ăn được hết: hoa, ngọn, trái lớn, trái nhỏ... Đặc biệt, bí đỏ có nhiều dưỡng chất, là loại trái mà theo Khải rất cần thiết. “Đảo thì nắng gió, nước tưới không đủ. Nhiều chiến sĩ sống lâu năm ở đây bảo trồng nó không hiệu quả đâu, nhưng mình thấy phải thử. Rồi trồng được”, Khải nhớ lại, mắt sáng lên trong đêm. “Bản năng sinh tồn đã giúp chúng tôi thích nghi. Không chỉ trồng rau, tôi còn theo các anh chị trong xã ra dải san hô đánh bắt hải sản. Không có nhiều dụng cụ, chỉ là thuyền thúng, câu và lưới để đánh cá ven bờ. Lúc đầu ra biển, nhìn con nước lên xuống bất ngờ, tôi sợ lắm. Giờ thì đã quen nết nhau rồi, đã nhìn nước biết dòng lên hay xuống” - Khải nói.
Tiềm năng nghề cá
Đảo Sinh Tồn cũng như phần lớn các đảo khác tại quần đảo Trường Sa là vùng biển giàu tiềm năng hải sản. Rạn san hô quanh đảo là vùng trú ngụ ưa thích của nhiều hải sản quý như bào ngư, hải sâm, cầu gai, ốc… Anh Hồ Văn Hiền, ngư dân sành sỏi nhất của đảo Sinh Tồn cho biết: “Đảo có mực, cá, ốc, cua… Nếu có công cụ chuyên nghiệp nhất định sẽ khá lắm. Nhiều lần tôi bơi thúng ra khỏi rạn san hô ven đảo gặp từng đàn cá to... hơn cả cái đảo này kéo nhau đi mà thèm…”.
Với tiềm năng của biển, hầu như các hộ dân ra Trường Sa sống đều trở thành ngư dân. Dù than là không có dụng cụ chuyên nghiệp, nhưng với những chiếc cần câu cắm ven đảo, ngày nào anh Hiền cũng câu được cá lớn. Cứ cắm sớm thì trưa ra thăm, cắm trưa thì chiều ra thăm, chất tươi của biển đối với các hộ dân ở đảo Sinh Tồn là không thiếu. Từ một người chưa từng đi biển, sau 2 năm ở đảo, anh Hiền đã từng câu được con cá nặng đến hơn 50kg.
Theo Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, việc phát huy tiềm năng nghề cá đang là một trong các bước phát triển được quan tâm nhất của Trường Sa. Dự án nuôi cá bè đang được triển khai tại đảo Đá Tây, những con cá chim trắng nặng 2 - 3kg/con đã đến ngày thu hoạch. Các âu tàu, cảng cá cũng đang được xúc tiến xây dựng trên quần đảo.
“Trường Sa đang phát triển theo hướng kinh tế, dân sinh. Du lịch và nghề cá có thể là hai ngành mũi nhọn, trong đó dự án dịch vụ hậu cần nghề cá đang được triển khai nghiên cứu. Hiện nay, quan trọng nhất là việc triển khai cho được hệ thống điện công nghiệp. Về dự án này, hải quân đã đặt hàng Sở Khoa học Công nghệ TPHCM nghiên cứu”, Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo tiết lộ.
Trong những câu nói ngắn gọn của ông Lê Văn Đạo có một bức tranh hiện dần lên. Bức tranh mà những người lạc quan có thể gọi là khởi đầu của một vùng kinh tế mới. Khởi đầu ở hòn đảo ngày xưa chỉ mong mỏi sinh tồn.
MINH TÚ
Bài 2: Trường Sa lớn