Ngày mới trên đại ngàn

Tháng 3 ở Gia Lai, thời tiết càng hanh khô, khắc nghiệt. Trong cái nắng như đổ lửa, chúng tôi đến xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông), nơi đang xây dựng một công trình thủy lợi lớn ở Tây Nguyên để giải quyết tình trạng khô hạn của hàng ngàn hécta cây trồng vùng biên giáp ranh giữa các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai và Rattanakiri (Campuchia) khi mùa khô đến.
Ngày mới trên đại ngàn

Tháng 3 ở Gia Lai, thời tiết càng hanh khô, khắc nghiệt. Trong cái nắng như đổ lửa, chúng tôi đến xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông), nơi đang xây dựng một công trình thủy lợi lớn ở Tây Nguyên để giải quyết tình trạng khô hạn của hàng ngàn hécta cây trồng vùng biên giáp ranh giữa các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai và Rattanakiri (Campuchia) khi mùa khô đến.

  • Ngày mới ở làng tái định cư

Đường đến Ia Mơr đầy nắng, gió và bụi bặm. Dọc hai bên đường là những rừng khộp lá vàng cháy, những bụi cỏ chết khô, những dòng suối cạn kiệt nước như càng khắc họa rõ nét bức tranh khốc liệt về cơn đại hạn. Rồi Ia Mơr hiện ra, vẫn những hàng cây cháy lá, ruộng đồng chết khô, đất đai nứt nẻ. Nhưng trên gương mặt những người dân ở đây toát lên những nét tươi vui, lạc quan, hồ hởi.

Anh Rơ Chăm Hio, một người dân làng H’Nap, xã Ia Mơr cho biết: “Nơi biên giới xa tít này đang xây dựng công trình thủy lợi, những vụ mùa tới dân mình không sợ hạn hán, không sợ thiếu nước nữa. Bà con mình vui lắm nên sẵn sàng nhường nhà cửa, đất đai để Nhà nước xây dựng công trình thủy lợi. Rồi như để chứng minh, anh Rơ Chăm Hio dẫn chúng tôi vào khu tái định cư làng H’Nap và làng Khôih. Thấp thoáng đường vào làng là những hàng cột điện thẳng tắp, những con đường quy hoạch như ô bàn cờ được san ủi bằng phẳng, những khu nhà đang được xây dựng với kiểu dáng rất đẹp.

Làng H’Nap, những ngày này trông như một đại công trường. Mặc dù mặt trời đang đứng bóng, cái nắng như thấm vào da thịt nhưng mọi người vẫn hăng say làm việc. Quanh những ngôi nhà đang xây dở, những người đàn ông lực lưỡng với tấm lưng trần, đen nhẫy đang hì hụi tô điểm, hoàn thiện. Còn bên những vòi nước công cộng, từng đám phụ nữ, trẻ con vừa tắm giặt vừa chuyện trò rôm rả. Đang rửa rau chuẩn bị cho bữa cơm trưa, chị Rơ Lan Siu chợt ngừng tay, hồ hởi khoe: “Làng mới của bà con mình đấy, đẹp không?”.

Chị kể, vợ chồng chị lấy nhau được cha mẹ cho 7 sào đất trồng mì, trồng bắp và một căn nhà tranh. Nhưng mùa màng hay bị thất bát do sâu bệnh và hạn hán. Hai đứa con lần lượt chào đời, cuộc sống gia đình càng thêm túng quẫn. Khi nghe tin khu đất gia đình đang ở sẽ được xây dựng công trình thủy lợi, vợ chồng chị lo lắm, không biết rồi gia đình sẽ ở đâu, lấy gì để canh tác, trồng trọt... “Sau khi di dời, mình được hỗ trợ 50 triệu đồng, 1 căn nhà kiên cố rộng 40m2, 1.000m2 đất vườn và đất ở, 1 hécta đất sản xuất gần công trình thủy lợi và 3 năm lương thực. Vợ chồng mình vui lắm, không còn lo lắng gì nữa”, chị Rơ Lan Siu chia sẻ.

Không những gia đình chị Rơ Lan Siu, mà rất nhiều hộ gia đình khác đều hài lòng trước cuộc sống mới ở khu tái định cư. Bởi lẽ, họ được sự quan tâm chu đáo của chính quyền địa phương, chủ đầu tư dự án công trình thủy lợi Ia Mơr. Tất cả các hộ đều được cấp nhà mới kiên cố, được cấp đất sản xuất, được hỗ trợ tiền đền bù, lương thực... Ông Rơ Chăm Klel, Trưởng thôn H’Nap cho biết: “Làng mới đầy đủ lắm, điện, nước về tận nhà. Đường sá bằng phẳng, rộng rãi, trường tiểu học, mầm non... đều có cả. Bà con mình vui vẻ lắm”.

Khẩn trương thi công trên công trường thủy lợi Ia Mơr.

Khẩn trương thi công trên công trường thủy lợi Ia Mơr.

  • Sức sống từ công trình

Ông Trần Viết, Phó giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT), đại diện chủ đầu tư công trình thủy lợi Ia Mơr cho biết, công trình này có năng lực tưới xấp xỉ công trình đại thủy nông Ayun Hạ, giải quyết tình trạng khô khát triền miên cho những cánh đồng lúa nước tại các xã biên giới của huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) và huyện Ea Súp (tỉnh Đắc Lắc).

Để xây dựng công trình này, 142 hộ đồng bào Jrai ở làng H’Nap và làng Khôih phải di dời khỏi làng cũ. Thời gian đầu, người dân chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa lớn lao của công trình nên các cấp chính quyền địa phương và các ban, ngành của huyện Chư Prông phải đi đến tận nhà để vận động, thuyết phục “lọt tai” bà con. Mưa dầm, thấm lâu, với cách vận động quần chúng thấu tình, đạt lý, cùng với sự hỗ trợ xứng đáng nên hầu hết người dân ở hai làng H’Nap và Khôih đều tình nguyện di dời nhà cửa, vườn tược để nhường đất cho công trình thủy lợi.

Ông Rơ Mah Phúc, người dân của làng Khôih tâm sự: “Ban đầu, nghe cán bộ bảo gia đình mình dời nhà để lấy đất làm thủy lợi, mình không đồng ý. Giờ ngẫm lại, thấy mình không đúng, thủy lợi để phục vụ cuộc sống của bà con mình mà. Có thủy lợi, bà con mình sẽ có nước sinh hoạt, không còn phải lo cây trồng khô khát nữa”.

Tạm biệt khu tái định cư làng H’Nap và làng Khôih, chúng tôi đến với công trường thủy lợi Ia Mơr. Trong ánh nắng chói chang, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những chiếc máy xúc đang vươn những cánh tay sắt nạo vét chân đập. Kỹ sư Phan Văn Trung, Chỉ huy trưởng công trường, cho biết: “Mùa mưa Tây Nguyên đang đến gần, để công trình đảm bảo đúng tiến độ, vào những ngày nắng ráo như thế này, công trường hoạt động suốt 3 ca”. Kỹ sư Trung cho biết thêm, mặc dù phải làm đêm, làm ngày nhưng anh em vẫn rất vui, vì khi hoàn thành, công trình sẽ phục vụ cho đời sống người dân vùng sâu, vùng xa các tỉnh Tây Nguyên.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, do đặc thù địa lý, vào mùa khô, các xã biên giới trên địa bàn huyện luôn tiềm ẩn nguy cơ thiếu nước. Từ ngày dự án thủy lợi Ia Mơr triển khai thi công trên địa bàn huyện, chính quyền và người dân rất vui vì nguồn nước từ công trình sẽ tưới tắm cho hàng ngàn hécta cây trồng trên địa bàn huyện. Từ công trình thủy lợi này, ruộng vườn ở làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ia Mơr sát đấy (Dự án của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cũng không còn lo thiếu nước tưới nữa.

Rời Ia Mơr, chúng tôi tin một ngày không xa, những vườn cây cháy héo, cánh đồng nứt nẻ, những ruộng lúa chết khô vùng biên giới khô cằn sẽ không còn nữa. Mà thay vào đó là những ruộng lúa vàng, những vườn cây xanh mướt trĩu quả. Công trình thủy lợi Ia Mơr đang thắp sáng đại ngàn Tây Nguyên.

ĐỨC TRUNG – GIA ĐỊNH 

Tin cùng chuyên mục