Ngày mưa dầm, nhưng dự báo “đêm không mưa, ngày nắng”

Ngày mưa dầm, nhưng dự báo “đêm không mưa, ngày nắng”

Chiều tối 26-9-2016, tại TPHCM đã có một trận mưa tầm tã kéo dài, gây ngập 59 tuyến đường nội thành. Hàng vạn người dân đã phải khốn khổ dắt xe dưới mưa, lội trong nước ngập nhiều giờ liền vì kẹt xe trầm trọng. Đến hôm sau, ngày 27-9-2016, lãnh đạo Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: “Cơn mưa chiều tối 26-9-2016 là cơn mưa lớn nhất tại TPHCM tính từ năm 1975 đến nay. Do Nam bộ đang ở cao điểm mùa mưa, lại xuất hiện rãnh thấp đi qua sát khu vực, kết hợp với gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh, nên gây mưa lớn trên toàn khu vực”.

Ngập nặng ở đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3 trog cơn mưa chiều tối ngày 26-9-2016. Ảnh: T.L

Thế nhưng, trước đó, trong bản tin dự báo thời tiết TPHCM đêm 25 và ngày 26-9-2016, cơ quan dự báo khí tượng - thủy văn lại không hề dự báo được sẽ có cơn mưa dữ dội như vậy, mà chỉ là thông tin dự báo thời tiết ngày 26-9-2016 rất bình thường - như những ngày bình thường khác vào mùa mưa: “Đêm không mưa, ngày nắng, chiều tối có mưa rào và dông”. Thật oái oăm khi thực tế ngày 26-9, bầu trời TPHCM rất ảm đạm và rồi đổ cơn mưa dữ dội kéo dài tứ chiều đến tối. Điều đó cho thấy chất lượng dự báo khí tượng - thủy văn ở nước ta còn quá yếu kém. Ngay tại TPHCM, nơi có mạng lưới quan trắc khá dày mà còn dự báo chung chung như vậy, thì ở vùng sâu vùng xa thưa thớt các trạm quan trắc sẽ càng không thể tin cậy vào năng lực dự báo mưa và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

Giữa năm 2015, khi trả lời phỏng vấn Báo SGGP về giải pháp hạn chế thiệt hại do thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết: “Việc phòng chống thiên tai đã nhận thức, tiếp nhận kinh nghiệm của thế giới, có đề án quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho nhân dân, đồng thời nâng cao năng lực cảnh báo sớm. Thí dụ, trước đây chúng ta rất bị động trong việc phòng tránh bão, nay khi có bão xuất hiện trên Thái Bình Dương là chúng ta đã quan sát, thông tin kịp thời cho ngư dân trên biển và nhân dân vùng dự báo bão đổ bộ để trú an toàn, chằng chống nhà cửa. Công tác dự báo bão và các trang thiết bị để liên lạc, cảnh báo, cung cấp thông tin cho ngư dân về thời tiết trên biển đã khá ổn, song năng lực dự báo mưa còn bị động”. Như vậy, từ lâu, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã nhìn nhận năng lực dự báo mưa còn bị động, vậy mà từ đó đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém này.

Cơ quan khí tượng thừa nhận khả năng dự báo hiện tại chưa cho phép việc dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm đến cấp địa phương, mà chỉ dừng lại ở cấp khu vực. Một trong những hạn chế ảnh hưởng đến khả năng dự báo mưa chính là hệ thống mạng lưới quan trắc ở nước ta quá thưa thớt. Lại thêm sự hạn chế về trình độ của đội ngũ dự báo viên nên khả năng dự báo chưa được nâng cao.

Nếu tổ chức sản xuất, buôn bán, xây dựng công trình, trồng trọt, đi đường thủy và đường không... có phụ thuộc yếu tố thời tiết, mà căn cứ vào thông tin dự báo thời tiết trật lất như vậy sẽ phải chịu thiệt hại rất nặng nề, thậm chí mất mạng. Trước đây đã có những trận mưa đá rất lớn trút xuống các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, nhưng do năng lực dự báo mưa kém nên đã xảy ra rất nhiều thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống. Rất mong Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai khẩn trương chỉ đạo và tạo điều kiện cải tiến chất lượng, nâng cao năng lực dự báo khí tượng - thủy văn, bằng việc đào tạo cán bộ, đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới quan trắc, nghiêm túc xem xét trách nhiệm cán bộ khi để xảy ra yếu kém, sai sót về phân tích tình hình khí tượng thủy văn gây thiệt hại nghiêm trọng.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục