Ngày 22-2, tức rằm tháng Giêng, hàng ngàn người yêu thơ ở Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh thành đã có các hoạt động thể hiện tình yêu với thi ca tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14.
Hà Nội: Rộn ràng, bay bổng
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 tại Hà Nội được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đã thành thông lệ, ngày thơ được mở đầu với màn trống hội ra quân hào hùng. Sân khấu chính được tập trung cho các tiết mục trình diễn thơ với chủ đề “Đất nước - Cánh buồm xuân”. Cánh buồm là một hình tượng văn học thể hiện cho sự tiến lên, vươn mình lớn mạnh giữa biển lớn của đất nước Việt Nam, cũng chính là hướng về biển đảo quê hương của người dân Việt Nam.
Đặc biệt, ngày thơ năm nay, lần đầu tiên ra mắt liên khúc thơ Biển đảo, biên cương do các nhà thơ: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý trình bày cùng một số ca khúc về Trường Sa do các ca sĩ nổi tiếng trình diễn. Nếu không khí của sân thơ truyền thống vừa trang nghiêm, sâu sắc, giàu ý nghĩa thì sự xuất hiện của các em thiếu nhi trong ngày thơ đã đem đến những màu sắc mới. Chỉ vẻn vẹn 30 phút nhưng liên khúc thơ của các em đã gieo vào lòng người xem những âm điệu tươi mới, trong trẻo, hồn nhiên.
Sau liên khúc Reo vang bình minh (bài hát của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) do các em thiếu nhi thể hiện là phần trình diễn bốn bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng: Bài ca trồng cây (Bế Kiến Quốc) thể hiện qua song ngữ Việt - Anh, Con vện (Nguyễn Hoàng Sơn), Mẹ và cô (Trần Quốc Toàn), Đồng hồ báo thức (Hoài Khánh) và hai bài thơ cùng có tên Quê ngoại của hai tác giả đoạt giải Cây bút Tuổi hồng (do Báo Thiếu niên Tiền phong và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức) là Ý Nhi và Bảo Trâm. Trên sân khấu, bước chân của các em còn ngượng ngập, giọng đọc thơ còn run run nhưng vượt lên tất thảy mọi người đều cảm nhận được một tình yêu mãnh liệt với thơ ca đang tuôn chảy ở nơi này. Dịch giả, nhà thơ Thụy Anh, một trong những nhân tố tích cực của sân thơ thiếu nhi năm nay, chia sẻ: “Câu chuyện thơ của các bạn nhỏ từ không gian thường nhật đầy áp lực học hành vươn ra khoảng trời mơ ước, bay bổng. Chỉ có thơ ca mới biến nó như một giấc mơ trở thành sự thật đối với các em”.
Không khí của Ngày thơ rộn ràng hơn với sự tham dự của 26 CLB thơ và đại diện của cộng đồng châu Âu, các trường đại học ở Hà Nội, các Hội VHNT đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước… Đặc biệt, triển lãm văn học theo chủ đề kỷ niệm 70 năm văn học kháng chiến, gợi lại ký ức của thời kỳ cả dân tộc cùng đứng lên giành độc lập trong cuộc kháng chiến chống Pháp cũng thu hút sự tham dự của đông đảo người yêu thơ.
Ngày thơ chủ đề “Đất nước - Cánh buồm xuân” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: MAI AN
TPHCM: Nhiều hội, ít lễ
Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM năm nay được tổ chức trong ba ngày từ 20 đến 22 - 2 (13 đến 15 tháng Giêng). Các hoạt động cũng khá đa dạng trong đó mỗi ngày đều có một sự kiện chính làm điểm nhấn. Đầu tiên là vào sáng 20-2, tại trụ sở Hội Nhà văn TP đã diễn ra buổi tọa đàm Sức sống thi ca TPHCM từ năm 2010 đến 2015 thu hút gần 40 nhà thơ, nhà lý luận phê bình… Điểm đáng chú ý của buổi tọa đàm không phải chỉ ở hơn 20 tham luận gửi về mà là tính chất thực tế của ý kiến đóng góp. Không ít đại biểu tham dự tập trung vào thực trạng đời sống thơ hiện nay. Nhà thơ Lê Minh Quốc nêu một thực tế là tham dự tọa đàm thơ mà chỉ có nhà thơ, không có một bạn đọc thơ nào đến, thậm chí không biết có buổi tọa đàm. Các nhà thơ, nhà lý luận phê bình Nguyễn Vũ Tiềm, Văn Lê, Quang Chuyền, Ánh Huỳnh, Hữu Dũng, Đoàn Lê Giang… cũng đóng góp nhiều ý kiến về sự cần thiết của việc hỗ trợ các dòng thơ khác nhau nhằm tạo sự đa dạng hóa trong sáng tác thơ ở TP HCM.
Ngày 21-2 được xem là ngày chính của hoạt động Ngày thơ TPHCM. Bắt đầu từ 12 giờ trưa, các gian thơ của các CLB thơ quận huyện, Trường ĐH KHXH-NV bắt đầu được dựng lên. Năm nay số gian thơ chỉ bằng một nửa so với năm ngoái và khâu đầu tư cũng có vẻ ít hơn, trừ gian thơ của sinh viên. Tuy nhiên, hoạt động giao lưu vẫn duy trì khi những người yêu thơ tự tổ chức trao đổi thơ, cùng ngâm thơ giữa các gian với nhau.
Sự kiện quan trọng nhất của Ngày thơ TPHCM diễn ra vào tối 21-2 với phần đánh trống khai hội. Năm nay, phần lễ được đánh giá là khá gọn, thậm chí nhiều nhà thơ còn cho rằng quá ngắn. Còn phần hội lại được coi là chất lượng với mở đầu là chương trình “Mời thơ” khi các nhà thơ trẻ lên sân khấu giới thiệu thơ mình rồi chủ động mời một nhà thơ nổi tiếng cùng lên giao lưu, đọc thơ. Đây được coi là một nét mới của ngày thơ năm nay và thể hiện được sự giao lưu, kế thừa giữa các thế hệ nhà thơ.
Đã trở thành một đặc trưng, tiết mục chủ đạo của ngày thơ TP luôn là một vở kịch thơ do Ban Thơ trẻ của Hội Nhà văn TP tổ chức. Năm nay, tiết mục lấy nhan đề một bài thơ của nhà thơ trẻ Minh Đan Con chỉ cười khi Tổ quốc an nhiên làm chủ đề chính. Vở kịch thơ xây dựng bối cảnh người lính trẻ từ giã gia đình lên đường làm nhiệm vụ tại biển đảo của đất nước với các bài thơ về tình yêu gia đình, người thân, tình yêu nam nữ và trên tất cả là trách nhiệm của người trẻ ở mọi cương vị với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Hoạt động cuối cùng của ngày thơ là cuộc giao lưu giữa các nhà thơ tiêu biểu của TPHCM với giảng viên, sinh viên yêu thơ Khoa Văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM.
MAI AN - TƯỜNG VY