* Hà Nội: Vi phạm pháp luật về đất đai “núp” bóng quy hoạch
(SGGPO).- Sáng 5-12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, ngày thứ 2 kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa VIII tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. Nâng cao đề án hoạt động của Hội đồng Nhân dân TPHCM; ứng dụng khoa học công nghệ để tạo hàm lượng giá trị gia tăng cao; tình trạng trộm cướp… là những vấn đề được các đại biểu mổ xẻ.
Nhắc lại những kiến nghị của cử tri liên quan đến việc thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận - huyện, phường khi tiếp xúc cử tri, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nói: Cử tri cho rằng việc thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận - huyện, phường tinh giản được bộ máy, tiết kiệm ngân sách. Nhưng làm như vậy có vô tình “cắt xén” quyền làm chủ của nhân dân hay không? Có cử tri đặt vấn đề: Việc thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận - huyện, phường đã bộc lộ một số mặt mà nhân dân lo lắng là hiện tượng tiêu cực ngày càng tăng; vai trò của Mặt trận Tổ Quốc đối với việc phối hợp giải quyết kiến nghị của cử tri kết quả chưa được như mong đợi.
Theo đại biểu này, từ năm 2009 đến nay, việc thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận – huyện, phường có nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn nên cần phải nêu bật được đầy đủ với sự tham gia của chuyên gia; trong đó nói rõ chính quyền địa phương đã làm gì, chưa làm được gì? bộ máy tinh giảm bao nhiêu người? Công việc trước đó của Hội đồng Nhân dân cấp quận – huyện, phường nay ai làm? có bao quát được không?. “Tất nhiên qua thực tiễn thực hiện đề án nếu hiệu quả thì cũng sẽ góp phần vào việc sửa Hiến pháp năm 1992”.
Góp ý cho đề án, đại biểu Nguyễn Quý Hòa yêu cầu nên bổ sung thêm tính chất, yêu cầu của Hội đồng Nhân dân thành phố. Đồng tình trong việc cần nâng cao chất lượng hiệu quả của tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Quý Hòa yêu cầu nên bổ sung, đưa vào hoạt động tiếp xúc cử tri nội dung hướng dẫn, phổ biến những quy định, nghị định, những pháp luật mới cho người dân.
Ngay trong phiên thảo luận tổ trước đó, góp ý đề án nâng hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân thành phố, đại biểu Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng: Có 3 vấn đề chính đề án cần tập trung đó là tiếp xúc cử tri, giải quyết kiến nghị cử tri và hoạt động giám sát. Có một thực tế trong tiếp xúc cử tri là tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”, cũng như ngoài những câu hỏi liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân thì hầu như các kiến nghị đều không mới. Tiếp xúc cử tri là phải thực chất nhưng hoạt động này hiện nay chưa thực chất. Đồng thời, cần có quy trình giải quyết kiến nghị cử tri.
Để kiến nghị của cử tri được giải quyết hiệu quả, nên ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật ý kiến cử tri, đồng thời đây cũng là kênh để cử tri theo dõi, cơ quan có thẩm quyền giám sát được kết giải quyết cũng như “địa chỉ” trách nhiệm. Nếu không còn tổ chức Hội đồng nhân dân quận - huyện, phường thì chức năng giám sát các nơi này không được thực hiện đầy đủ.
|
* Tại phiên chất vấn sáng nay, 5-12 trong khuôn khổ kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, nhiều đại biểu đã yêu cầu UBND thành phố giải trình về những sai phạm trong quản lý đất đai có dấu hiệu tiếp tay của chính quyền.
Đáng lưu ý, một số đại biểu chỉ ra tình trạng doanh nghiệp “ôm” đất rồi bỏ hoang không sử dụng trên dưới 10 năm nay, gây lãng phí lớn, bức xúc trong xã hội. Đơn cử, dự án nhà máy xử lý rác thải Thanh Trì được giao đất cho Công ty TNHH MTV Cơ điện công trình từ năm 2001, song đến nay chưa thực hiện; dự án của Công ty Phát hành sách Hà Nội tại trung tâm huyện Thanh Trì đã để hoang hóa từ năm 2009 đến nay mà chậm xem xét xử lý.
Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân Nguyễn Hoài Nam nhận xét, công tác quản lý đất đai tại nhiều nơi chưa chấp hành đúng quy định, các dự án nhà ở đa số được chỉ định thầu, tùy tiện thay đổi mục đích sử dụng: đất nhà xã hội, hạ tầng xã hội đều biến thành nhà thương mại. “Việc thu hồi đất của doanh nghiệp rất phức tạp và khó khăn, song khi thu hồi đất của hộ dân thì làm cương quyết, thậm chí vội vàng cưỡng chế”, ông Nam nói.
Trả lời các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, khi giao việc cho sở ngành, văn bản của thành phố đều có nêu thời gian phải hoàn thành. Tuy nhiên, trên thực tế đúng là có những dự án chậm triển khai, thành phố sẽ rút kinh nghiệm. Với các trường hợp vi phạm đến mức phải thu hồi theo Luật, Hà Nội sẽ làm quyết liệt.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam, không thể chỉ xử lý các chủ sử dụng đất có sai phạm. Ông Nam dẫn chứng, năm 2003, Hà Nội đã có quy hoạch các điểm giao thông tĩnh song qua 10 năm quy hoạch này bị vỡ hoàn toàn, các điểm quy hoạch đều biến thành nhà ở, trung tâm thương mại...
"Trách nhiệm của sở Quy hoạch Kiến trúc như thế nào? Xây dựng quy hoạch mất nhiều công sức song lại không theo dõi, giám sát việc thực hiện quy hoạch”, đại biểu Nam bày tỏ quan điểm.
Ông Vũ Hồng Khanh khẳng định: "Các dự án vi phạm đều phải xử lý, không trừ ai. Một số cán bộ vi phạm đã bị xử lý từ khiển trách cảnh cáo tới hình sự. Không có quan điểm là thu hồi đất của người dân thì làm nặng mà với doanh nghiệp thì làm nhẹ. Chúng tôi xin hứa, cơ quan nhà nước nào bao che các sai phạm đều bị xử lý theo quy định. Chủ đầu tư thay đổi mục đích sử dụng đất là vi phạm pháp luật, phải xử lý. Ở đâu đó đang tồn tại thì chúng ta sẽ kiểm tra rà soát, có địa chỉ mong các đồng chí cung cấp".
Được mời làm rõ thêm vấn đề, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Văn Hải cho biết, Luật Quy hoạch đô thị cho phép sau 3 năm có thể điều chỉnh quy hoạch theo điều kiện kinh tế. Sau khi có quy hoạch chung thủ đô, mạng lưới quy hoạch giao thông trên toàn bộ mạng có điều chỉnh nên nhiều điểm đỗ xe cũng được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Theo ông Lê Văn Hoạt, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, tình trạng lãng phí trong sử dụng đất đai và tài sản công là có thật, qua các cuộc tiếp xúc, cử tri đều bày tỏ quan tâm sâu sắc. Ông Hoạt cũng chỉ ra rằng, nhiều dự án chậm trễ không phải do vướng quy hoạch mà “các chủ đầu tư đang ẩn bóng vướng quy hoạch”, cụ thể như dự án nhà máy xử lý rác ở Thanh Trì chiếm tới 10ha đất song để hoang hóa 10 năm nay...
Chiều nay, kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục nội dung chất vấn.
| |
Vân Anh - Hồng Hiệp - Anh Phương
>> Khai mạc kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM khóa VIII - Cần “cú hích” mới cho tăng trưởng kinh tế
>> Hà Nội phấn đấu tăng trưởng 8 – 8,5% năm 2013