Nghề làm bánh tổ ở miền núi Quảng Ngãi

Ở miền núi huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi dịp tết đến, bà Đỗ Thị Chính (61 tuổi, thị trấn Trà Xuân) lại tất bật làm bánh tổ để làm lễ vật thắp hương lên ông bà tổ tiên.

Nghề làm bánh tổ ở Trà Bồng có từ lâu đời, đó là thứ bánh để nhắc nhau về cội nguồn, thường dùng trong các dịp Tết Nguyên đán, cúng ông Táo…

Bà Đỗ Thị Chính đã làm bánh tổ từ khi còn rất nhỏ. Hồi ấy, vẫn còn theo cha mẹ, ông bà học làm bánh, đến nay đã qua nhiều đời, bà Chính vẫn giữ nghề truyền thống.

banh-to-9-1-of-1-6381.jpg
Bà Đỗ Thị Chính đang đổ hỗn hợp bột nếp vào khuôn để làm bánh tổ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bà Chính cho biết, nguyên liệu chủ yếu của bánh tổ là nếp và đường, kèm theo mè và gừng. Đơn giản vậy, nhưng chiếc bánh tổ rất ngon, thơm, bánh không khô mà rất mềm, dẻo dai và ngọt. Nếp được ngâm từ 2-3 tiếng, sau đó cho vào bao để ép ra hết nước, làm thành bột khô.

“Nhiều người thường hỏi rằng tại sao không trực tiếp xay thành bột khô mà phải ép hết nước, bởi nếu bột khô khi chiên bánh ra rất cứng, người già rất khó khăn, trong khi đó dùng bột nước sẽ mềm hơn”, bà Chính nói.

banh-to-10-1-of-1-5477.jpg
Bột nếp, đường, gia vị gừng tạo nên hương vị bánh tổ truyền thống. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-to-7-1-of-1-1532-1566.jpg
Bột nếp có màu trắng ngà và dậy hương thơm của gừng. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Để bánh tổ có vị ngọt và thơm cần thêm đường, trung bình cứ 1kg nếp cần 1kg đường, 0,5kg gừng, sau đó cho vào máy để xay nhuyễn hỗn hợp này.

Bà Chính kể, ngày xưa, không có máy xay, người làm bánh phải nhanh tay dùng đôi đũa lớn quậy nhuyễn, tiếp tục ngâm từ 2-3 tiếng, rồi múc ra khuôn.

Nếu như người xưa dùng khuôn lá chuối, bên trong là bột nếp, đường, gia vị, cả bánh tổ được bỏ vào trong rế đan bằng tre để hấp chín thì nay, bà Chính dùng rổ nhựa hình vuông làm khuôn đổ hỗn hợp vào. Tiếp đến, bà Chính hấp bánh tổ trong nồi lớn bằng than củi, đun liên tiếp trong 3 tiếng. Khi bánh vừa chín, rắc mè lên và chờ đến khi bánh cô đặc hoàn toàn, cuối cùng đem phơi nắng cho bánh cứng.

banh-to-6-1-of-1-645.jpg
Xếp bánh vào trong nồi để hấp. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-to-1-1-of-1-5084.jpg
Bánh tổ được hấp liên tục 3 tiếng để đảm bảo bánh chín đều. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Theo bà Chính, bánh tổ có thể để được lâu, ăn dần cả tháng, khi ăn có thể hấp lại bánh hoặc chiên, lúc chiên nên cắt ra và chiên từng lát bánh để không dính vào nhau. Bánh dẻo, mềm, lại mang hương vị của gừng, ăn kèm bánh tráng rất ngon.

Những ngày gần tết, mỗi ngày, bà Chính làm khoảng 3 nồi bánh, trung bình 1 nồi hấp 28 cái bánh tổ. Trước kia, nhiều người ở Trà Bồng sắp đi xa quê lại đặt bánh tổ để mang theo. Những năm đấy, cả nhà bà Chính phải thức trắng đêm để kịp gửi hàng cho khách.

banh-to-3-1-of-1-9112.jpg
Bánh tổ được phơi nắng để bánh cứng lại. Ảnh: NGUYỄN TRANG
banh-to-11-1-of-1-8971-8555.jpg
Những chiếc bánh tổ sau khi phơi nắng sẽ có độ dẻo và thơm. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Giá bánh tổ thường không đổi chỉ dao động 20.000-25.000 đồng/bánh, nghề làm bánh truyền thống rất vất vả, thu nhập không cao nhưng gia đình bà Chính chủ yếu làm giữ nghề và truyền tình yêu cho con cháu. Bà Chính cho biết: “Có thể thấy rằng, từ xa xưa, ông bà ta đã làm nhiều loại bánh từ hạt gạo, hạt nếp sau vụ thu hoạch trên đồng ruộng và bánh tổ cũng vậy”.

banh-to-12-1-of-1-951.jpg
Ngày nay có nhiều sự lựa chọn hơn nhưng người dân xứ Quảng vẫn giữ gìn truyền thống cúng bánh tổ ngày tết. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bà Lê Thị Tựu (thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng) năm nào cũng mua bánh tổ về cúng ông bà. Bà Tựu nói: “Tục lệ cúng bánh tổ ở huyện Trà Bồng có từ lâu đời, chủ yếu là người Kinh ở huyện Trà Bồng cúng bánh tổ trên bàn thờ để nhắc nhở con cháu làm tròn bổn phận, còn một số người Cor cũng mua bánh tổ về để ăn ngày tết”.

Tin cùng chuyên mục