Năm nào cũng vậy, khi mùa xuân báo hiệu trên cành mai trước ngõ là già Vỗ Lang bắt đầu bận rộn với những chiếc khèn bè. Xuân năm nay cũng vậy, cái thì làm mới, cái sửa chữa hư hỏng... giúp bà con kịp vui tết đón xuân. Trên khuôn mặt của già luôn nở nụ cười rạng rỡ.
Căn nhà sàn nhỏ của già làng Vỗ Lang (thôn 6, xã Hồng Kim huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nằm nép mình trên ngọn đồi cạnh dòng thác A Nô hùng vĩ của dãy Trường Sơn. Cứ mỗi chiều, sau giờ vui vầy cùng lớp con cháu, cụ lại mang khèn bè ra thổi. Bên tách trà nóng, già Vỗ Lang tâm sự: “Thuở nhỏ, mỗi khi có lễ hội, mình không đi đâu xa, chỉ quanh quẩn bên mấy nhạc cụ với đủ các loại khèn bè, chiêng trống, đàn a reng, tê rê. Đam mê đó đã theo mình cho đến nay”.
Lên tuổi 15, ông đã tham gia tiếp tế lương thực cho bộ đội. Chẳng bao lâu sau, ông tham gia vào du kích. Những ngày băng rừng lội suối giữa đại ngàn Trường Sơn, tiếng khèn bè đã trở thành người bạn tâm tình nơi rừng sâu, nuôi ý chí chống lại kẻ thù. Ông nhớ lại: “Hồi ấy, giặc về tàn phá bản làng, mấy anh em du kích rút vào rừng, chiến đấu gan dạ lắm. Những lúc gian nguy như thế, tiếng khèn bè đã trở thành niềm động viên tinh thần đồng đội”.
Sau ngày hòa bình lập lại, trở về sống bên dòng thác A Nô, thú đam mê làm nhạc cụ vẫn cháy mãi trong ông. Vật liệu chính của khèn bè là ống a la (một loài cây thuộc họ trúc). Hàng ngày già Vỗ Lang phải dày công đi cả chục cây số vào tận các cánh rừng sâu để chặt, mang về phơi khô, chọn lại những ống a la không bị biến dạng. Già Vỗ Lang cho hay: “Làm được khèn bè ngoài vật liệu chính bằng ống a la, còn phải chú ý đến thanh lai (lưỡi gà). Thanh lai là những miếng đồng dát mỏng, được mài trên đá, sau đó mài lên vỏ ốc trắng đến độ mỏng, sáng bóng sao cho phù hợp. Thanh lai quyết định tiếng khèn hay hay dở, trong hay đục bởi nó phụ thuộc vào nước đồng, nếu pha thêm chút vàng âm sẽ thanh và vang xa hơn.
Trước đây, thanh lai thường được làm bằng lá cây mía, không bền, dễ hỏng, chỉ phục vụ một đôi lần trong các lễ hội mà thôi. Ngày nay đa số đều sử dụng bằng đồng”. Bên cạnh nhạc cụ khèn bè, nghệ nhân Vỗ Lang còn chế tác các loại tù và, đàn a reng phục vụ các lễ hội trong bản làng. Già làng Vỗ Lang tâm sự: “Với người Tà Ôi, tiếng khèn bè, đàn a reng, tê rê, tù và… là những nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội mừng lúa mới, cúng Giàng hay cải táng... Nghệ nhân khi chế tác nhạc cụ phải thổi hồn vào đó, làm khèn phải có cái tâm, yêu tiếng khèn như chính đứa con đẻ của mình mới có được một nhạc cụ để đời”.
Hiện tại, nghệ nhân Vỗ Lang là người duy nhất có thể chế tác và hòa tấu thuần thục các loại nhạc cụ truyền thống của 5 dân tộc anh em sống dọc dãy Trường Sơn. Cụ Vỗ Lang cho biết: “Khèn bè và thanh la là những nhạc cụ thể hiện sức mạnh của người Tà Ôi, thường do tổ tiên để lại, xem như một báu vật trong nhà. Khi những nhạc cụ này biến âm, phải chỉnh sửa lại ngay. Mình vừa chế tác, vừa sửa chữa nhạc cụ cho bà con cũng đã được hơn 20 năm rồi”.
Đã ngoài 90 tuổi, già Vỗ Lang vẫn mày mò ghi lại các làn điệu hay, những bài hát cổ thường dùng trong lễ hội xưa để truyền lại cho con cháu. Già cho hay, không những bà con ở huyện A Lưới, mà ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), có khi tận Quảng Trị... cũng tìm về đây mua lại những nhạc cụ truyền thống do cụ làm ra. Nhiều người mang khèn, chiêng, thanh la đến nhờ ông chỉnh âm... Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng già vẫn vui vẻ nhận lời vì nét đẹp văn hóa truyền thống của bà con vùng cao mình vẫn còn được nhiều người quan tâm, đặc biệt trong mỗi dịp tết đến xuân về.
Phan Lê