Đến đầu tháng 8, TPHCM xuất khẩu hơn 5,5 triệu con cá cảnh các loại, dự kiến cả năm 2011 sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu con (đạt doanh thu trên 10 triệu USD). Hiện nay, cá cảnh tại TPHCM và các tỉnh đã được xuất khẩu sang 32 nước, tập trung vào 3 thị trường chính là châu Âu (66,7%), Bắc Mỹ (17,7%) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (15,5%).
- Thấp và chậm
Với tốc độ phát triển bình quân 20%/năm từ 2006 đến nay (thế giới là 14%/năm), nuôi cá cảnh có bước phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực nuôi trồng ở TPHCM. Nhưng do cá cảnh của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung còn ở xuất phát điểm rất thấp nên tốc độ này cũng chưa nói lên hết tiềm năng của con cá cảnh.
Ông Võ Văn Cương, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM, dẫn chứng, 5 năm trước Singapore đã xuất khẩu cá cảnh khoảng 300 triệu USD/năm. Đất nước này có nhiều đại gia đúng nghĩa về kinh doanh cá cảnh, họ xuất khẩu tính bằng tấn và với những con cá cảnh lớn, trị giá rất cao, không như Việt Nam vẫn tính bằng đầu con.
Nhưng nếu nhìn qua Thái Lan, đất nước phát triển cá cảnh sau Singapore, 5 năm qua cũng đã tăng mức xuất khẩu lên 50 triệu USD/năm 2010. Ở Việt Nam vẫn chưa có con số xuất khẩu chính thức về cá cảnh, việc nuôi và phát triển cá cảnh chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TPHCM. Kim ngạch xuất khẩu của TPHCM năm nay hy vọng đạt trên 10 triệu USD. Tất nhiên, trên thực tế, con số kim ngạch xuất khẩu cao hơn, vì đơn giá khai báo mà doanh nghiệp xuất khẩu thường thấp hơn con số thực. Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP chỉ thống kê từ con số đã được kiểm dịch, do đó vẫn còn rất thấp so với kỳ vọng xuất khẩu 50 triệu USD.
Ông Võ Văn Cương cho rằng, nếu cứ để phát triển như cách hiện nay, 5-10 năm nữa chúng ta cũng chưa thể đuổi kịp Thái Lan, nói gì đến Singapore. Đó là do việc nuôi và kinh doanh cá cảnh hiện nay đều nhỏ, lẻ, manh mún. Nhiều nơi vẫn xem nuôi cá cảnh để xóa đói giảm nghèo, thay vì xác định để có chủ trương, biện pháp tạo điều kiện cho nghề cá cảnh thật sự phát triển.
Ở TPHCM hiện nay có rất ít cơ sở nuôi quy mô lớn như kiểu của Saigon Aquarium tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi (khoảng 10ha). Tại đây, doanh số mang lại từ 1ha cá cảnh có thể lên đến cả tỷ đồng/năm. Rất tiếc, dự án về làng cá cảnh TPHCM tại Củ Chi đã được bàn đến cách đây nhiều năm, nhưng sau nhiều lần thay đổi chủ trương, đến nay dự án trở thành làng nghề sinh vật cảnh và vẫn ở giai đoạn triển khai để tìm ra mô hình cho cả khu vực quy hoạch 500ha của Củ Chi dọc sông Sài Gòn. Mơ ước về một nơi chuyên nuôi tập trung cá cảnh vẫn chưa thể thành hiện thực.
- Liên kết người nuôi cá cảnh
Có ý kiến cho rằng, Sở NN-PTNT TPHCM cần có nhiều giải pháp đột phá để cá cảnh có thể phát triển mạnh. Mặc dù được xem là vật nuôi của nền nông nghiệp đô thị, phù hợp với diện tích nhỏ, lại tạo ra giá trị lớn, nhưng cho đến nay, giá trị của cá cảnh tạo ra trong toàn bộ giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp TP còn chiếm tỷ lệ quá nhỏ bé.
Theo ông Võ Văn Cương, nên quy hoạch 2 vùng nuôi tập trung là huyện Củ Chi và Bình Chánh để có điều kiện phát triển. Ngành nông nghiệp cùng với 2 địa phương này quy hoạch thành vùng chiến lược và xác định phát triển lâu dài cho cá cảnh trong 20-30 năm tới. Kèm theo đó là quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng (điện, nước, giao thông…) cho việc sản xuất và kinh doanh cá cảnh. Điều này nhà nước phải làm, nhờ đó mới hy vọng tạo ra sản lượng lớn và có điều kiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. TPHCM có Khu Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) chuyên về trồng trọt (tại Củ Chi), tại sao không có thêm khu NNCNC cho cá cảnh, khi mà ở TPHCM tập trung nhiều nhà nuôi cá chuyên nghiệp. TPHCM cần đầu tư làm 100ha tập trung như là khu NNCNC, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP, vấn đề khu cá cảnh tập trung đã được tính đến từ mấy năm nay ở Củ Chi, nhưng chưa tìm ra khu đất đủ rộng. TP đang quy hoạch tổng thể ngành thủy sản, trong đó có con cá cảnh và việc hình thành khu NNCNC chuyên về cá cảnh.
Ông Võ Văn Sanh (Ba Sanh), người có 3 đời nuôi cá cảnh tại quận 8, cho rằng, nên tập trung lại trong khu sản xuất. Hiện nay TP chưa tập hợp và thống nhất được tư tưởng các nhà chuyên môn. Cần xác định lại để tổ chức sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường chính xác. Những điều này, ngành nông nghiệp cần mạnh dạn ra tay, định hướng, quy hoạch và tháo gỡ trước tình trạng phân tán, nhỏ lẻ hiện nay. Trong xuất khẩu cá cảnh, mối quan hệ tốt và dài lâu với nhà nhập khẩu, các tổ chức cá cảnh nước ngoài có vai trò rất lớn trong việc kinh doanh và tìm thị trường.
Ông Nguyễn Phước Trung cho rằng, để khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, người nuôi cần liên kết lại trong tổ hợp tác. TP sẽ sử dụng kinh phí xúc tiến thương mại để tham dự và tìm hiểu từ các kỳ hội chợ cá cảnh nước ngoài. TP cũng sẽ cấp kinh phí cho việc nghiên cứu các dự án.
CÔNG PHIÊN