Cây sáo trúc trông có vẻ đơn sơ, khiêm nhường, không cầu kỳ, bề thế như những nhạc cụ khác. Nhưng với Nguyễn Phi Hải, sáo trúc lại là cả một sự diệu kỳ sâu thẳm, chất chứa biết bao âm thanh dặt dìu trầm lắng, mà suốt 32 năm anh đã miệt mài đeo đuổi, tâm hồn như bay bổng cùng những âm thanh réo rắt đầy quyến rũ của tiếng sáo.
32 năm, thời gian của nửa cuộc đời người nghệ sĩ, bằng tất cả say mê, yêu nghề, tiếng sáo đã trở thành tiếng lòng thổn thức chất chứa, mà những lần biểu diễn trước công chúng, là dịp để Nguyễn Phi Hải bộc lộ với người nghe, dù rằng anh rất thấm thía về “chỗ đứng” của tiếng sáo trong tình cảm của quần chúng.
Theo xu hướng thưởng thức âm nhạc hiện nay, mọi người như… quên những âm thanh chân chất của cánh diều thuở ấu thơ, bảng lảng lúc trời chiều, muộn màng khi hoàng hôn xuống, mang đầy tình quê hương dân tộc. Ai mà chẳng một lần gợi nhớ gợi thương trong những đêm thanh vắng, tiếng sáo vẳng xa theo mênh mông sóng nước vọng về.
Xuất phát từ những nghĩ suy đầy ấp lãng mạn ấy, Nguyễn Phi Hải càng gắn bó với tiếng sáo hơn bao giờ hết, thầm lặng trau dồi, tiếng sáo ngày càng dặt dìu hơn, réo rắt hơn, có sức lan tỏa nhẹ nhàng mà thấm sâu vào lòng người nghe. Để tiếng sáo mình căn cơ hơn, bài bản hơn, đủ sức hấp dẫn chinh phục người nghe, Nguyễn Phi Hải thi vào Nhạc viện TPHCM, và năm 1989 anh tốt nghiệp nhạc viện cũng với chuyên ngành sáo trúc.
Từ đó, tiếng sáo Nguyễn Phi Hải thường xuyên góp mặt với các chương trình: Điểm hẹn quê hương. Giai điệu quê hương, Thơ ca giao hòa, Các chương trình thơ. Hiện anh là Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh, TPHCM.
Ngoài ra, Nguyễn Phi Hải còn sáng tác nhạc hòa tấu, nhạc thiếu nhi. Các nhạc phẩm của anh mang đậm âm hưởng dân ca, tình tự quê hương. Anh sử dụng thành thạo ghi ta, đàn nhị, organ… Nhằm quảng bá tiếng sáo đến với mọi người, anh mở lớp sáo trúc cho người yêu thích.
Trong giảng dạy, anh luôn tận tụy với nghề nghiệp, tìm tòi những phương pháp dạy thổi sáo dễ hiểu, dễ thực hành nhất. Nhờ vậy học viên đến với sáo trúc ngày càng nhiều và trong số ấy có nhiều người trẻ, đối tượng mà Nguyễn Phi Hải cho rằng quan trọng nhất, lực lượng kế thừa. Chính họ sẽ là những người làm cho âm ba tiếng sáo ngày thêm réo rắt, mượt mà sâu thẳm trong lòng quần chúng.
Đến hôm nay, thì cây sáo trúc của Nguyễn Phi Hải không còn thuần túy là cây sáo trúc bình thường nữa. Chính năng lực và bản lĩnh của anh, một nghệ sĩ sáo trúc tài hoa, đã biến cây sáo trúc mộc mạc, đơn sơ trở thành cây sáo “vàng” trong làng sáo trúc Việt Nam.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC