Nghệ thuật đường phố - Giới trẻ mất sân chơi

Thú chơi lành mạnh
Nghệ thuật đường phố - Giới trẻ mất sân chơi

Du nhập vào nước ta vài năm nay, khái niệm “nghệ thuật đường phố” đã trở nên quen thuộc trong giới trẻ. Cứ mỗi buổi chiều, tại các công viên chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều nhóm bạn trẻ nhảy hip hop, break dance, trượt patin, tâng bóng nghệ thuật… Không chỉ là chơi theo phong trào, những môn chơi thuộc loại nghệ thuật đường phố giúp giới trẻ khỏe hơn, khéo léo hơn, thể hiện cá tính và nhất là xả stress sau những giờ lao động, học tập.

Biểu diễn Flamenco tại Công viên Gia Định.

Biểu diễn Flamenco tại Công viên Gia Định.

Thú chơi lành mạnh

Khi nhìn hình ảnh “bụi bặm” của giới trẻ với quả cầu thủy tinh trên tay hay những bộ quần áo thùng thình không giống ai của những người yêu hip hop, trong con mắt của không ít người, nghệ thuật đường phố là sự nổi loạn nhất thời của tuổi trẻ, là sự “Tây hóa”. Vì thế, các bạn thanh thiếu niên đam mê những bộ môn nghệ thuật đường phố thường bị coi là vô công rỗi nghề. Tuy nhiên, có quan sát và hòa nhập cùng niềm đam mê của các bạn trẻ mới thấy được nghệ thuật đường phố không như suy nghĩ của nhiều người. Chỉ với những sân chơi hạn hẹp, nhưng niềm khát khao cháy bỏng lại gắn kết bạn trẻ lại với nhau, chẳng kể giàu nghèo.

Mở màn cho phong trào nghệ thuật đường phố là hip hop, người chơi dùng cả cơ thể di chuyển với động tác mạo hiểm như trồng cây chuối, xoay đầu, xoay người… Còn với beat - box người chơi chỉ dùng miệng và cổ họng là chính để phát ra âm thanh giống như tiếng chim hót, tiếng trống, tiếng gió, tiếng bass, tiếng đàn… Người chơi freestyle football (tâng bóng nghệ thuật) kết hợp mọi động tác cơ thể nhanh nhẹn để “múa” cho trái bóng lúc nào cũng lơ lửng. Ngoài ra, rất nhiều bộ môn nghệ thuật đường phố khác như freeline skates (trượt ván đa năng), Parkour (vượt chướng ngại vật), inline skate (trượt patin nghệ thuật), vẽ graffiti, Flamenco (chơi đàn ghita theo kiểu Tây Ban Nha)… được nhiều người biết đến, yêu thích.

Có một điểm chung là giới trẻ đam mê nghệ thuật đường phố đều có tính kiên trì, khéo léo. Họ sẵn sàng tập đi tập lại hàng chục lần hoặc nhiều hơn những động tác khó để thành thục một điệu nhảy, một đoạn nhạc. Đâu chỉ là một trò chơi theo phong trào, các môn chơi này giúp giới trẻ khỏe hơn, kỹ năng khéo léo và xả stress sau những giờ lao động, học tập căng thẳng.

Cần được quan tâm

Cách đây hơn 1 năm tại các công viên Lê Thị Riêng, Chi Lăng, Hoàng Văn Thụ… chúng ta có thể bắt gặp các bạn trẻ chơi những môn nghệ thuật đường phố. Nhưng nay, những hình ảnh đó đã mất hút. Những trò chơi ván trượt đa năng, xe đạp BMX (trò mạo hiểm với xe đạp địa hình), hay parkour (vượt chướng ngại vật)… đẹp mắt nhưng làm không ít người thót tim. Để có những màn trình diễn những động tác khó đó, các bạn trẻ đã trải qua quá trình luyện tập nghiêm túc. Nếu không có đam mê này, liệu họ có sa vào những việc không hay (game online, đua xe…) khi thời gian trống chẳng biết làm gì?

Nguyễn Công Hiếu nhảy hip hop (nhóm Big South) chia sẻ: “Lúc đầu, chúng tôi tập trung rất nhiều người cùng sở thích, lập thành nhóm tập luyện và được nhiều người đến xem thường xuyên; sau khi có quyết định cấm chơi nơi công cộng chúng tôi đành phải cùng nhau góp tiền mướn bãi đất trống để tập. Điều tôi thắc mắc là tại sao ở Hà Nội các môn nghệ thuật đường phố được chơi tại công viên, còn ở TPHCM thì không?”.

Tại các công viên đều có khu vui chơi cho thiếu nhi, khu dành cho người dân tập thể dục, thậm chí còn có chỗ cho những quán nước nhưng lại không có sân chơi cho bạn trẻ thích những môn nghệ thuật đường phố lành mạnh. Thiết nghĩ các ban, ngành TPHCM cần quan tâm tạo một sân chơi dành riêng cho môn nghệ thuật đường phố, để các bạn trẻ có chỗ đến với những bộ môn giải trí lành mạnh, vừa chơi vừa tập luyện thể lực, kỹ năng.

Thanh Hải (Sinh viên ĐH Hồng Bàng)

Tin cùng chuyên mục