Người ta thường nói kiếm ra tiền mới khó chứ ‘xài” nó thì dễ ợt. Nhưng sự thật không hề đơn giản bởi đơn giản là cuộc sống đòi hỏi cách thức “xài” tiền cũng phải có nghệ thuật, “xài” phải đúng lúc, đúng chỗ, “xài” ra “xài”, “xài” làm sao cho có hiệu quả nhất, tránh lãng phí cho cá nhân và xã hội. Hôm rồi - cũng nhân chuyện “xài” tiền này, - một người bạn nhăn nhó kể chuyện cái trường THCS ấy đã vung vít số tiền cả tỷ đồng đóng góp của phụ huynh để làm mỗi chuyện là xây cái toi-lét cho học sinh. “Lãng phí quá, nó có cả bộ phận cảm biến cho cái nhu cầu hèn mọn ấy. Thật là…” - anh bạn phẫn nộ nói.
Dĩ nhiên, mỗi người mỗi ý về cái toi-lét đạt chuẩn 5 sao tương tự mấy cái của Sacombank đầu tư ở các khu công cộng trên địa bàn TPHCM. Nhưng trong thâm tâm, tôi lại không đồng tình với cách đặt vấn đề của người bạn. Bởi lẽ, cái toi-lét là cái cạc-vi-dít của bất kỳ một cơ sở nào, nhất là trong môi trường giáo dục. Có thể coi là lãng phí với dạy thêm - học thêm, với máy tính bảng, bảng tương tác… nhưng cái toi-lét cho ra toi-lét trong trường học thì không. Dù có tốn kém mấy chúng ta cũng phải làm và đó là điều kiện tiên quyết nhất khi chúng ta xây mới hoặc cơi nới các tòa nhà ở trong mọi lãnh vực cuộc sống. Đó không thể gọi là sự lãng phí như cách nói của nhiều người.
Không nói đâu xa, tại hội nghị về xúc tiến du lịch Việt Nam mới tổ chức ở Tokyo, đại diện các hãng du lịch Nhật đã phàn nàn rằng khó thúc đẩy lượng du khách Nhật tới Việt Nam nếu chất lượng của… nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam không được cải thiện đáng kể. Và như vậy, chúng ta có thể phần nào minh oan cho sự đầu tư vào “văn hóa toi-lét” như một bước đi trong tiến trình hội nhập sâu rộng với thế giới. Song trừ cái toi-lét, rất tiếc nhiều nội dung khác của đời sống văn hóa thời gian qua đã bị chỉ trích gay gắt vì nghệ thuật “xài” tiền ở một nghĩa không mấy tích cực: Cái toi-lét đầu tư 1 có thể cho 10, còn nhiều thứ đầu tư 10 nhưng lại không cho 1, thậm chí không cho gì cả...
Trong lãnh vực phim điện ảnh, sau những thông tin về các buổi chiếu thương mại không bán được vé của bộ phim “Sống cùng lịch sử”, dư luận đã mổ xẻ khá nhiều về thất bại của dòng phim được nhà nước đặt hàng cho các dịp lễ lạt.Có thể nói các phim này được đầu tư tiền tấn, ít thì vài tỷ đồng nhiều thì vài chục tỷ đồng như “Sống cùng lịch sử” là 21 tỷ đồng, “Nhà tiên tri” - 16 tỷ đồng, “Mỹ nhân” khoảng 16 tỷ đồng, “Những đứa con của làng” khoảng 6,2 tỷ đồng… song tiền thu được ở phòng vé thật sự thê thảm không thể trả lương đủ cho nhân viên bán vé. Đại diện cơ quan chủ quản là Bộ VH-TT-DL cho rằng phim lịch sử phục vụ mục đích chính trị nên “không thể hấp dẫn để bán được nhiều vé như phim thị trường”, song có gì đó cứ nhói trong tim: Phải chăng khán giả thờ ơ với lịch sử hay các nhà làm phim lịch sử của chúng ta chưa đủ tầm và tài từ khâu kịch bản đến đạo diễn để cuốn hút người xem và phải chăng…? Trong muôn vàn câu hỏi tại sao rất khó trả lời, có thể nói chính những người làm phim dù có biện bạch phim của họ là “đỉnh” của nghệ thuật song họ vẫn có phần trách nhiệm về sự bết bát của dòng phim nhà nước. Đành rằng phim nghệ thuật nó “kén” khán giả và khán giả không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá chất lượng phim vì “thiếu gì phim đoạt giải Oscar mà có mấy ai coi” thì cũng phải tự nhìn lại mình có gì mới hay vẫn xưa cũ trong cách thể hiện. Bộ phim Nga “Trận chiến Stalingrad” được nhà nước đầu tư khủng nhưng vẫn thực hiện tốt “2 trong 1” cả về trách nhiệm chính trị khi khơi gợi thành công lòng yêu nước và doanh thu đạt gấp đôi chi phí bỏ ra hoặc mới nhất là bộ phim Hàn Quốc “Đại thủy chiến” đã xô đổ kỷ lục bán vé. Rõ ràng, còn nhiều bất cập trong lãnh vực phim đặt hàng nhà nước. Ngoài cơ chế đấu thầu còn gây tranh cãi, chúng ta vẫn cứ quan niệm phim là hàng hóa thông thường dẫn đến xem nhẹ vai trò sáng tạo của những người thực hiện phim. Đấu thầu thì gần như… là chỉ định thầu chỉ có mấy hãng phim nhà nước tham gia, còn yếu tố sáng tạo là đạo diễn và ê-kíp làm trực tiếp lại xếp sau ông “chủ tài khoản” là giám đốc hãng phim. Ở nước khác, người ta rót tiền và chỉ đích danh đạo diễn sẽ thực hiện phim đặt hàng như ông đạo diễn cực kỳ tài năng của Nga là S.Bondarchuc với phim “Trận chiến Stalingrad”, nhưng ta là ta và ở ta, ai nắm đồng tiền thì người đó mới thực sự là “người sáng tạo”. Thực tế làm phim nhà nước còn nhiều gian truân không kể xiết trong các khâu duyệt kịch bản, thống nhất kinh phí rồi quyết toán giữa đại diện Bộ VH-TT-DL, Bộ Tài chính và giống như ở nhiều mảng khác - nói như đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh: “Nếu cứ để nhà nước đặt hàng làm phim như hiện nay thì có đổ thêm bao nhiêu tiền của cũng vô ích, chỉ làm béo bở thêm cho khâu trung gian”.
Thế mới thấy “xài” tiền phải có nghệ thuật, “xài” cho xứng “đồng tiền bát gạo” và không có nghệ thuật “xài” tiền thì không thể có tác phẩm xuất sắc. Chí ít, việc hoàn thiện, nâng cấp, xây mới cái toi-lét còn hữu ích hơn nhiều sự vô bổ, nhàm chán và lãng phí của nhiều hãng mục văn hóa thời nay.
BÍCH AN