Triển lãm đầu tay “Ngàn năm Thăng Long và sơn mài hiện đại” của anh họa sĩ mới ra trường Văn Thạnh khiến nhiều người ngỡ ngàng trước những bức tranh dát vàng, dày công và tốn kém. Thế nhưng ít ai biết để có được những kết quả như hiện nay anh đã làm đủ mọi nghề để kiếm sống, từ phụ hồ, thợ sắt, chép tranh thuê, vẽ tranh trên tường…
Thi 10 lần mới đậu đại học
Sinh ra trên mảnh đất Thạnh Trị (Sóc Trăng) nghèo khó, chàng thanh niên thuộc lứa 8X Văn Thạnh ngày đi học một buổi, thời gian còn lại anh làm bạn với ruộng đồng. Thế nhưng, cái nghèo khiến anh phải bỏ học năm lớp 9 giữa chừng. Quyết tâm thay đổi cuộc sống hiện tại, anh “trốn” nhà xuống thị xã làm thuê nuôi sống bản thân và thi đậu vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật của tỉnh. Vừa học vừa phụ hồ và học bổ túc văn hóa phổ thông để bổ sung bằng thi đại học.
Họa sĩ Văn Thạnh nhớ lại: “Ngày tốt nghiệp cao đẳng, cũng là lúc tôi hoàn thành chương trình học THPT. Lúc đó gia đình muốn tôi về quê dạy mỹ thuật ở trường tiểu học, ổn định cuộc sống nhưng tôi muốn tiếp tục ôn thi đại học và học vẽ tranh. Hiểu được hoài bão của tôi nên gia đình nén lòng đồng ý”.
Lên TPHCM, để có tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày, Thạnh hết xin làm phụ hồ, rồi đến chạy xe ôm, chép tranh thuê cho các cửa tiệm… Tối đến, trên căn gác trọ nhỏ, Thạnh lật từng trang sách ôn thi mong đậu vào Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Thế nhưng, 3 năm thi liên tiếp đến 6 lần, niềm mơ ước đó vẫn chưa trở thành hiện thực thì tai họa ập đến với Thạnh. “Cơn bạo bệnh khiến tôi liệt nửa người. Lúc đó, tôi thật sự tuyệt vọng, thấy cuộc đời không còn ý nghĩa. Ba tôi lại lọc cọc lên TP đón về quê chữa bệnh…”, Văn Thạnh nhớ lại.
Thế nhưng, bệnh tật không níu kéo được bước chân anh, vừa mới đỡ một chút, đi lại được, anh đón xe đò trốn lên TP và có lúc lưu lạc xuống tận TP Vũng Tàu làm thuê kiếm sống với quyết tâm bằng mọi giá phải đậu đại học.
“Trường ĐH Mỹ thuật TP mỗi năm tuyển sinh 2 đợt và tôi phải thi tới lần thứ 10 mới đậu. Chính những năm tháng gian khổ vừa kiếm sống, vừa ôn luyện đó, đã dạy tôi biết về giá trị cuộc sống và giúp ích tôi rất nhiều trong con đường hội họa của mình. Năm 30 tuổi, tôi mới ra trường. Cũng trong năm đó tôi có triển lãm đầu tay Ngàn năm Thăng Long và sơn mài hiện đại, Thạnh cho biết.
Vẽ tranh bằng nhiều thể loại
Sau triển lãm đầu tay, nhiều người nhìn anh ngỡ ngàng coi đây là cuộc triển lãm của một đại gia trong ngành vì những bức tranh dát vàng, dày công và tốn kém. “Ít ai biết được, bộ đồ tôi đang mặc, chiếc xe đạp tôi đi hay đôi dép dưới chân đều là đồ dư thừa của bạn bè mang cho. Mấy năm trời làm việc vất vả, ăn cơm bụi, ngủ nền đất, làm đủ việc để sống, để vẽ. Để đủ tiền mở triển lãm, gia đình tôi phải bán hết ruộng vườn và cầm cố nhà cửa…”, Văn Thạnh chia sẻ. Nhiều tác phẩm của anh tạo ra những đường nét gồ ghề, lồi lõm, rạn nứt như chính cuộc đời đầy thăng trầm của anh.
Ở Việt Nam, hiếm họa sĩ nào có thể một lúc vẽ được nhiều trường phái khác nhau và dám tìm tòi, thể hiện bản lĩnh trên tất cả các trường phái đó. Thông thường mỗi họa sĩ chỉ đi theo một thể loại, một trường phái nhất định. Còn Văn Thạnh, có những thời điểm, mỗi tháng anh vẽ 5-6 thể loại khác nhau và đều thể hiện được những nét chuyên biệt, độc đáo.
Mới 2 năm ra trường làm họa sĩ chuyên nghiệp nhưng người họa sĩ trẻ này có thể vẽ được nhiều thể loại tranh khác nhau như: Acrylic, tranh đương đại, sơn mài truyền thống, sơn mài hiện đại… trong đó có những tác phẩm được đánh giá cao như Mùa nước nổi, Cội nguồn sự sống, bộ tranh Lễ hội quê tôi, Vào xuân…
Nhà phê bình, lý luận Chương Phi Đức, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ Thuật TPHCM, từng đánh giá về Thạnh: “Với thể loại tranh sơn mài hiện đại, ở Việt Nam chỉ có 7-8 người làm được và Văn Thạnh là một trong số đó”.
| |
Sơn Trà