Nghị quyết 31 mang lại động lực mới cho TPHCM

LTS: Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu bật các vấn đề vừa khái quát vừa đủ rõ về những nhận định, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa XI, về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho thời kỳ mới, tạo tiền đề quan trọng cho TPHCM phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.

Báo SGGP trân trọng giới thiệu các ý kiến kỳ vọng về động lực mới cho TPHCM.

Niềm phấn khởi của các tầng lớp nhân dân

Nghị quyết 31-NQ/TW được lãnh đạo và người dân TPHCM, đặc biệt là doanh nghiệp, doanh nhân chờ đợi từ hơn 2 năm qua. Vì sao? Bởi vì, từ ngày thống nhất đất nước, cứ khoảng 10 năm, Bộ Chính trị lại có một nghị quyết riêng về TPHCM (1982, 2002, 2012). Nghị quyết số 16 được Bộ Chính trị ban hành từ ngày 10-8-2012 đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu chỉ đến năm 2020. Nhu cầu một nghị quyết mới cho TPHCM rõ ràng là đã chín muồi, xét trên tình hình biến chuyển của thế giới, của đất nước ta, trong đó có TPHCM. Căn cứ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Từ 5 năm qua, lãnh đạo TPHCM đã báo cáo với lãnh đạo Trung ương Đảng về việc kinh tế của TPHCM đang phát triển chậm lại, hạ tầng kỹ thuật đang tụt hậu, khiến cho vai trò đầu tàu và động lực của TPHCM có xu hướng suy giảm. Nói cách khác, TPHCM cần một hệ thống chính sách mới, mà ta hay gọi là cơ chế, mang tính chất đột phá mạnh mẽ, vượt trội và đồng bộ hơn, cùng với tỷ lệ điều tiết ngân sách cao hơn trước. Nghị quyết 31 đáp ứng nhu cầu này của TPHCM, cũng là nhu cầu của cả nước để TPHCM tiếp tục giữ vững vai trò như chính Nghị quyết đã nêu.

Công ty SHTP Laps thiết kế mạch bán dẫn tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Công ty SHTP Laps thiết kế mạch bán dẫn tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nghị quyết 31 đã đề ra cho TPHCM những nhiệm vụ và mục tiêu không dễ dàng. Nhưng điều làm cho nhân dân TPHCM tin tưởng và phấn khởi là Nghị quyết chỉ rõ, phát triển những nhiệm vụ và mục tiêu đó không chỉ là nhiệm vụ của lãnh đạo và nhân dân TPHCM, mà là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM với phương châm “TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM”.

Nghị quyết 31-NQ/TW yêu cầu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ tạo những điều kiện vượt trội cao nhất có thể để TPHCM hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình đối với đất nước. Người dân TPHCM đặc biệt quan tâm đến các giải pháp, trong đó Nghị quyết nhấn mạnh: “Tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của TPHCM bảo đảm tổng thể, đồng bộ và hiện đại; trong đó, chú trọng phân bổ hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kết hợp đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hình thức đối tác công - tư (PPP)”. Đáp ứng đề nghị hợp lý và trách nhiệm của lãnh đạo TPHCM, Nghị quyết cũng nêu rõ việc ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ TPHCM; thí điểm chính sách mang tính đột phá để TPHCM chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển. Đồng thời, giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách TPHCM theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo…

Tôi nhận thấy Nghị quyết 31-NQ/TW với những nội dung mới và đột phá như trên, bước đầu đã đem lại niềm phấn khởi và động lực mới trong các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức. Tất nhiên, Nghị quyết cũng đồng thời giao cho lãnh đạo TPHCM những trách nhiệm hết sức nặng nề, không chỉ về kinh tế, mà còn các lĩnh vực khác. Còn rất nhiều việc phải làm. Đảng bộ TPHCM phải cụ thể hóa các phương hướng và nội dung của Nghị quyết 31-NQ/TW thành những nghị quyết chuyên sâu cho từng giai đoạn, từng lĩnh vực, có phân công, phân nhiệm và giải pháp cụ thể. Đồng thời, lãnh đạo TPHCM phải gấp rút xây dựng nội hàm của nghị quyết mới của Quốc hội về các chính sách, cơ chế vượt trội, đặc thù cho TPHCM kịp trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5-2023 để thay thế Nghị quyết 54 đang được gia hạn. Toàn bộ công việc phải dựa trên sự lĩnh hội sâu sắc Nghị quyết 31, đồng thời phải nghiên cứu vận dụng, phối hợp với các nghị quyết khác của Bộ Chính trị, trước hết là Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Nghị quyết số 13 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long, nghị quyết cho các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước.

Có thể nói, đó là một khối lượng công việc lớn, đòi hỏi một đội ngũ chuyên gia giỏi, tâm huyết, tận tụy. Với nỗ lực của TPHCM và sự trợ giúp kịp thời của Quốc hội và Chính phủ vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, chắc chắn TPHCM sẽ hoàn thành tốt công việc này để kịp thời đáp ứng sự chờ đợi của Trung ương và đồng bào cả nước.

TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA - Đại biểu Quốc hội, Luật sư

TPHCM hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN

Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 31-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nêu rõ: “Ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Bảo đảm số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; tăng cường năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao; chủ động ứng phó hiệu quả các loại dịch bệnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Việc phát triển các kỹ thuật điều trị chuyên sâu riêng lẻ của từng bệnh viện vốn đã khó thì việc hình thành một trung tâm y tế chuyên sâu của thành phố lại càng khó hơn nhiều. Việc tách rời nhiệm vụ phát triển các kỹ thuật chuyên sâu khỏi các nhiệm vụ phòng chống dịch, y tế cộng đồng, cấp cứu ngoài bệnh viện tưởng chừng như hoàn toàn hợp lý nhưng thực ra tất cả các nhiệm vụ này đều có tác động qua lại và gắn bó mật thiết với nhau.

Trước tiên là nhiệm vụ nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh. Bởi, nếu không triển khai hiệu quả nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh thì ngành y tế khó có cơ hội về nguồn lực và thời gian để triển khai các nhiệm vụ khác, như chăm sóc và quản lý các bệnh không lây, phát triển kỹ thuật chuyên sâu. Nhiệm vụ thứ hai là củng cố y tế cơ sở và phát triển y tế cộng đồng, khi đã tạo dựng được niềm tin cho người dân đến với y tế cơ sở, các bệnh viện tuyến cuối sẽ được giảm tải đối với các bệnh lý nhẹ, tập trung nguồn lực để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu. Kế đến là nhiệm vụ cấp cứu ngoài bệnh viện, hoạt động này hiệu quả sẽ tác động tích cực đến kết quả của các can thiệp chuyên sâu, đến sự an tâm của người dân khi chọn y tế cơ sở là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu vì sẽ được cấp cứu và chuyển viện kịp thời khi quá khả năng của tuyến y tế cơ sở. Nhiệm vụ cuối cùng cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế thành phố là hình thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực phía Nam và của cả khu vực ASEAN. Trên cơ sở dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, y tế cơ sở được củng cố, nhiều hoạt động y tế cộng đồng được triển khai, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố cùng với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ đầu tư nguồn lực không ngừng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân mắc các bệnh nặng, phức tạp không phải ra nước ngoài điều trị, ngành y tế còn triển khai những hoạt động chăm sóc sức khỏe bằng công nghệ hiện đại và phương pháp y học cổ truyền theo từng chuyên khoa, trong đó có nghiên cứu triển khai đề án xây dựng Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao giúp phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm ở giai đoạn chưa có triệu chứng, từ đó can thiệp sớm mang lại hiệu quả điều trị cao. Các hoạt động này còn đóng góp phát triển loại hình du lịch mới tại TPHCM, đó là du lịch y tế.

Để có thể thực hiện đồng bộ cả 4 nhiệm vụ trên, ngành y tế thành phố đã xác định những giải pháp mang tính quyết định cho sự thành công khi được triển khai, đó là: phát triển nguồn nhân lực y tế phù hợp với từng nhiệm vụ; nâng cao năng lực quản lý tại các cơ sở y tế, khuyến khích đổi mới sáng tạo triển khai thí điểm những hoạt động mới, chính sách mới đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn; ưu tiên đầu tư phát triển các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng công nghệ thông tin, chú trọng triển khai các kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến cuối, quan tâm triển khai kỹ thuật học thích hợp cho tuyến y tế cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường triển khai các ứng dụng y tế thông minh.

PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG - Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Tin cùng chuyên mục