Nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020

Ngày 22-11-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020. Báo SGGP trân trọng giới thiệu toàn văn: I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN
Nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020

LTS: Ngày 22-11-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020. Báo SGGP trân trọng giới thiệu toàn văn:

I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

1- BHXH và BHYT là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, công tác BHXH và BHYT đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị - xã hội.

Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; số người tham gia BHXH, BHYT tăng qua các năm; thực hiện việc chi trả lương hưu và các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật; quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng. Quỹ BHXH được hình thành, có kết dư và bảo toàn, tăng trưởng, tham gia đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Quỹ BHYT bước đầu đã cân đối được thu chi và có kết dư.

Hệ thống tổ chức BHXH Việt Nam được hình thành và phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT.

2- Tuy nhiên, công tác BHXH, BHYT còn một số hạn chế, yếu kém. Diện bao phủ BHXH còn thấp, mới đạt khoảng 20% lực lượng lao động, số người tham gia BHYT mới đạt khoảng 65% dân số. Quản lý nhà nước về BHXH, BHYT chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT còn có thiếu sót.

Tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, BHYT còn nhiều. Quản lý và sử dụng Quỹ BHXH chưa chặt chẽ, có trường hợp cho vay chưa đúng đối tượng. Quỹ BHXH, nhất là Quỹ hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần; tình trạng người lao động lạm dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp xảy ra khá phổ biến.

Quỹ BHYT luôn tiềm ẩn nguy cơ thâm hụt; việc khám, chữa bệnh theo BHYT chưa đáp ứng nhu cầu. Thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh còn gây bức xúc cho người bệnh; năng lực và trách nhiệm của một số cán bộ giám định y tế còn yếu.

3- Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH ở địa phương trong việc thực hiện chế độ BHXH chưa chặt chẽ.

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT còn yếu kém. Hệ thống BHXH, BHYT chưa được hiện đại hóa và còn thiếu chuyên nghiệp, chưa chủ động tiếp cận với người lao động và người sử dụng lao động. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao.

II- QUAN ĐIỂM

1- BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

2- Mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT.

3- BHXH, BHYT phải theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống BHXH, BHYT.

4- Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.

III- MỤC TIÊU

Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT. Xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bệnh nhân diện bảo hiểm y tế khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi TPHCM.Ảnh: TR. NGỌC

Bệnh nhân diện bảo hiểm y tế khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi TPHCM.Ảnh: TR. NGỌC

IV- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT

Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT, để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, BHYT. Phát hiện và biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm vi phạm. Chính quyền, cơ quan BHXH và các tổ chức đoàn thể cần chú ý làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT.

2- Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT

Nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng quỹ. Rà soát, bổ sung quy định buộc người sử dụng lao động phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động. Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động bị thất nghiệp và tránh trục lợi bảo hiểm.

Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT; nghiên cứu sửa đổi chính sách điều tiết nguồn thu BHYT kết dư từ địa phương về Trung ương, trích lại tỷ lệ thích hợp cho địa phương để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHYT. Có chính sách khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia BHYT. Nâng cao hiệu quả sử dụng BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, các hộ nghèo.

Sớm ban hành Chiến lược phát triển BHXH, BHYT đến năm 2020. Từng bước thực hiện nguyên tắc “đóng - hưởng”, gắn với việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở một số lĩnh vực, ngành nghề nhất định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia các loại hình BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện cho nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức; BHYT cho các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi. Áp dụng thêm các loại BHXH mới phù hợp với nhu cầu nhân dân. Thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Đa dạng sản phẩm dịch vụ BHYT phù hợp với các tầng lớp trong xã hội, điều chỉnh các mức phí, mức hưởng đi đôi với phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao. Có chính sách khuyến khích người tham gia BHYT tự nguyện thường xuyên dài hạn, hạn chế tình trạng người bị ốm đau mới mua BHYT. Quy định mức thanh toán BHYT theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, vừa bảo đảm cân đối quỹ theo nguyên tắc “đóng - hưởng”.

3- Nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT

Đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm.

Thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động khám, chữa bệnh để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT, lạm dụng kỹ thuật cao, thuốc bệnh đắt tiền.

Kiện toàn tổ chức bộ máy BHXH các cấp để thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm phiền hà cho người tham gia BHXH, BHYT.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực BHXH, BHYT; mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH, BHYT.

4- Tăng cường quản lý nhà nước về BHXH, BHYT

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và BHXH ở các cấp trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Quản lý tốt đối tượng đóng và tham gia BHXH, BHYT từ cơ sở. Củng cố và tăng cường quản lý Quỹ BHXH, Quỹ BHYT bảo đảm thu chi, đầu tư tăng trưởng quỹ hiệu quả và an toàn theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ tiền BHXH, BHYT và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi BHXH, BHYT.

V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết.

2- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về BHXH, BHYT.

3- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, BHXH Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT.

4- Các cấp ủy Đảng địa phương lãnh đạo UBND phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH tổ chức thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT trên địa bàn. Hàng năm hoặc khi cần thiết, các cấp ủy Đảng làm việc với cơ quan BHXH về tình hình thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT.

5- Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với Ban cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và BHXH Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị.

Tin cùng chuyên mục