Nghĩ về tuổi trẻ hôm nay

Cách đây đã 85 năm, cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Procès de la Colonisation frâncaise) ra mắt (1925) gây một tiếng vang mạnh mẽ như một sự khởi đầu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc không chỉ của Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc là tác giả, ở độ tuổi 35 và là người trẻ nhất trong Nhóm những người Việt Nam yêu nước sống tại Pháp. Cuốn sách kết thúc bằng một lời kêu gọi khẩn thiết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”.
Nghĩ về tuổi trẻ hôm nay

Cách đây đã 85 năm, cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Procès de la Colonisation frâncaise) ra mắt (1925) gây một tiếng vang mạnh mẽ như một sự khởi đầu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc không chỉ của Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc là tác giả, ở độ tuổi 35 và là người trẻ nhất trong Nhóm những người Việt Nam yêu nước sống tại Pháp. Cuốn sách kết thúc bằng một lời kêu gọi khẩn thiết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”.

Đám thanh niên “già cỗi” mà nhà cách mạng Việt Nam nêu lên là thực trạng của đất nước ta khi đó: “Ở Đông Dương, chúng ta có đủ tất cả những cái mà một dân tộc có thể mong muốn như: hải cảng, hầm mỏ, đồng ruộng mênh mông, rừng núi bao la, chúng ta có những người lao động khéo léo và cần cù. Nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức! Bởi thế công nghiệp và thương nghiệp của chúng ta là một con số không. Thế thì thanh niên của chúng ta làm gì? Nói ra thì buồn, buồn lắm: họ không làm gì cả. Những thanh niên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà; những người có phương tiện thì lại chìm ngập trong sự biếng nhác; còn những kẻ đã xuất dương thì chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn tính tò mò của tuổi trẻ mà thôi !”...

85 năm, chưa đầy một thế kỷ đã trôi qua. Đọc lại những dòng viết trên, chúng ta hình dung được chặng đường đã qua của dân tộc. Chúng ta nhận thức được những thay đổi cực kỳ to lớn của đất nước và có quyền tự hào về các thế hệ thanh niên nối tiếp nhau trong cuộc chạy tiếp sức trong máu lửa cách mạng và chiến tranh cũng như trong thử thách vươn lên của công cuộc xây dựng và phát triển, Đổi mới và hội nhập trong một phần tư thế kỷ mới đây.

Hoạt động tình nguyện - một trong những nét đẹp của tuổi trẻ hôm nay. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hoạt động tình nguyện - một trong những nét đẹp của tuổi trẻ hôm nay. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chính vào cái năm cuốn sách của Bác viết được xuất bản, năm 1925, một tổ chức cách mạng hoàn toàn mới so với mọi phong trào yêu nước trước đó của dân tộc ta ra đời mang cái tên biểu trưng cho tuổi trẻ “Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí”, tờ báo khởi xướng cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam mang tên “Thanh Niên”; hạt nhân của tổ chức cách mạng yêu nước lại chính là “Thanh niên Cộng sản Đoàn”; và điểm mặt những chiến sĩ tiên phong thì hầu hết ở tuổi đôi mươi và những chiến sĩ sẵn sàng ra tù vào tội, hiến dâng cuộc sống của mình đều rất trẻ...

Trong mọi giai đoạn lịch sử, khi một lớp trẻ đã trưởng thành thì lại có những lớp trẻ khác kế tục, lần lượt làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, Điện Biên Phủ (1954) và “Điện Biên Phủ trên không” (1972)...

Trong lịch sử, các thế hệ thanh niên luôn được ghi nhận như đội ngũ xung kích của những con người “đào núi và lấp biển”, “đâu cần, đâu khó có thanh niên”... để được Bác Hồ biểu dương không phải bằng những tấm huy chương, những vinh danh được phong tặng mà bằng một nguyên lý khái quát của đời sống: “Một năm khởi đầu bằng Mùa Xuân, một đời khởi đầu bằng Tuổi trẻ. Tuổi trẻ là Mùa Xuân của Nhân loại”.

Giờ đây, thế hệ trẻ hôm nay đang được sống trong một thời đại - ở đó di sản mà chúng ta được kế thừa từ những thế hệ trẻ tiền bối, đã mở ra những điều kiện thuận lợi dường như chưa bao giờ có được trên tiến trình hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những lời cảnh báo của Bác Hồ cách đây 85 năm vẫn như một lời nhắc nhở, vì mọi sự “già cỗi” đều có thể bám rễ vào cuộc sống nếu con người mất đi ý chí và lý tưởng để sống cũng như buông xuôi, đánh mất sức sống của tuổi trẻ.

Cũng cần nhắc lại, cách mạng vừa thành công, nước nhà mới độc lập, cuốn sách trên lại được tái bản như một bằng chứng lịch sử. Và trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những nhiệm vụ cấp bách của đất nước.

Ngoài những nhiệm vụ mà chúng ta đinh ninh thực hiện như “chống giặc đói”, “chống giặc dốt”, “chống giặc ngoại xâm” và triệu tập Quốc hội cùng ban hành Hiến pháp, còn có một “nhiệm vụ cấp bách” mà ít ai nhắc đến. Đó là nhiệm vụ “phải giáo dục lại nhân dân”. Bởi lẽ, với một nhân dân dù có những truyền thống tốt đẹp ngàn đời thì vẫn là những thần dân của chế độ quân chủ cũng ngàn đời, biết tuân phục và phản loạn.

Và nhân dân ấy dù có tinh thần quật cường chống áp bức và ngoại xâm trong 80 năm là thuộc địa của đế quốc Pháp thì đó vẫn là những “thuộc dân” bị ngoại bang áp bức. Một cuộc cách mạng biến đổi một quốc gia từ phong kiến nửa thuộc địa trở thành một quốc gia hiện đại theo thể chế Dân chủ-Cộng hòa là một bước nhảy vọt, đòi hỏi sự hình thành tính cách công dân phải trải qua những thử thách đào luyện gian khổ và lâu dài.

Phải chăng đây chính là điều mà chúng ta chưa thực sự quan tâm nhất là trong hoàn cảnh, chỉ hơn một năm sau ngày Độc lập, chiến tranh đã bùng nổ trên cả nước và kéo dài hơn ba thập kỷ. Hơn bao giờ hết, với công cuộc phát triển và hội nhập hôm nay, xây dựng ý thức công dân của một quốc gia hiện đại đáng là điều mà thế hệ trẻ phải tiên phong dấn thân phấn đấu như thế hệ cha anh từng dấn thân vào máu lửa chiến tranh. Bởi lẽ để xây dựng ý thức công dân có đủ năng lực hội nhập và hiện đại hóa chắc chắn là vô cùng gian khổ. Chỉ có vậy, thế hệ thanh niên chúng ta mới thực sự là biểu trưng của “Mùa Xuân” chứ không trở thành đám thanh niên “già cỗi” như đã từng có trong lịch sử.

Dương Trung Quốc

Tin cùng chuyên mục