Hỏi: Tôi có thời gian công tác tại cơ quan nhà nước từ tháng 8-1962 đến năm 1993 thì làm đơn xin nghỉ việc do sức khỏe yếu (bị viêm gan siêu vi B). Công ty giải quyết cho tôi hưởng chế độ thôi việc. Trường hợp của tôi đã làm việc trong cơ quan nhà nước và tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 31 năm có được hưởng chế độ hưu trí hay không? (Hà Sĩ Am, TPHCM)
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM trả lời: Theo quy định hiện hành, tất cả những trường hợp người lao động từng làm việc trong cơ quan nhà nước nhưng đã nghỉ việc từ trước tháng 1-1995 đều không được hưởng chế độ hưu trí. Vì thế, trường hợp của ông dù có thâm niên làm việc 31 năm nhưng không được giải quyết chế độ hưu trí.
Hỏi: Khi người lao động bị tai nạn lao động (TNLĐ), thì trách nhiệm chi trả các chi phí tiền lương và chi phí thuốc men sẽ do ai chịu trách nhiệm? Có giới hạn về thời gian, ngân sách không? Người lao động có phải trả hết toàn bộ số tiền đã điều trị hay không và phải trả trong bao lâu (trường hợp người lao động điều trị đến suốt đời thì sao)?
Trả lời: Người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán tiền lương, chi phí điều trị y tế cho người lao động từ khi sơ cấp cứu đến khi thương tật được ổn định. Sau khi ổn định thương tật, người sử dụng lao động giới thiệu người bị tai nạn lao động ra hội đồng giám định y khoa để xác định tỷ lệ thương tật. Căn cứ theo tỷ lệ thương tật đã được Hội đồng Giám định y khoa TP xác định, người lao động được hưởng trợ cấp TNLĐ do quỹ BHXH thanh toán một lần (nếu tỷ lệ 5% - 30%) hoặc hàng tháng (nếu từ 31% trở lên).
BAN BẠN ĐỌC