Từ biến cố gia đình
Về phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, hỏi thăm vợ chồng chú Bùi Ngọc Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghĩa tình nông dân của phường, hầu như ai cũng biết, vì gia đình chú rất năng nổ trong hoạt động từ thiện - xã hội.
Ông Trương Phi Đức, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật, cư ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, cho hay: “Chú Minh rất sốt sắng chăm lo đời sống cho bà con nghèo. Thời điểm giãn cách xã hội căng thẳng, lương thực, thực phẩm thiếu thốn lắm, vậy mà chú Minh liên hệ được rau tươi, mì gói, gạo, sữa… tặng cho bà con”.
Chuyện bắt đầu từ lúc gia đình chú có khoảng thời gian khá dài ở bệnh viện để chăm sóc người thân. Chú Minh kể lại: “Đó là thời điểm con trai lớn của tôi mắc bệnh nan y. Vợ chồng tôi đã chứng kiến quá nhiều khổ đau của người bệnh và thân nhân. Bỗng nhiên trong đầu tôi lóe lên việc phải làm gì đó để giúp đời, giúp người. Vợ chồng tôi phát tâm làm công tác thiện nguyện, dù sức khỏe của con tôi có như thế nào đi chăng nữa!”.
Nén nỗi đau khi người con trai lớn ra đi trong lúc tuổi xuân đang phơi phới, thu vén xong việc nhà, vợ chồng chú bắt đầu làm công tác xã hội. Vợ chú tham gia nhóm nấu cơm miễn phí phục vụ cho bệnh nhân các bệnh viện, còn chú xây dựng nhà tình thương cho người nghèo.
Chú Minh phấn khởi cho biết: “Mặc dù rất bận rộn, có lúc đi nấu cơm cho bệnh nhân đến tối mịt mới về đến nhà, nhưng không bao giờ tôi nghe vợ mình than mệt. Tự tâm làm từ thiện nên bà nhà khỏe ru hà”.
Gần chục năm qua, vợ chồng chú Minh đã hỗ trợ mái nhà tươm tất cho bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa các tỉnh miền Tây. Chú Minh trải lòng: “Anh em, bạn bè biết vợ chồng tôi xây dựng nhà tình thương và họ muốn hỗ trợ kinh phí, nhưng vợ chồng tôi đều từ chối. Trước nay vậy rồi. Lúc vui vẻ thì không sao, còn nếu sơ suất thì trước sau cũng có “lời ra, tiếng vào”, không vui. Ngày chính quyền địa phương mời đến dự bàn giao nhà, tôi rủ một số anh em cùng đi. Lúc đó, ai muốn tặng gì thêm cho người dân thì cứ tự nhiên”, ông Minh bày tỏ.
Nhà ở thành nhà kho
Làm từ thiện, chú Minh không bao giờ vận động hay nhận đóng góp của bạn bè, bà con dòng họ. Chú đi về vùng sâu, vùng xa rồi liên hệ chính quyền địa phương, đề xuất ý nguyện của mình. Chú tự thuê phương tiện để tiếp cận với các hộ khó khăn. Thậm chí ăn sáng hay bữa trưa, chú cũng không để địa phương phải nhọc lòng. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chú Minh ít khi có mặt ở nhà. Lúc thì đến khu Chợ Lớn tìm hàng hóa thiết yếu. Khi thì đi xuống tận nhà vườn ở Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp… thu mua rau củ quả của nông dân.
Đến thời điểm này, nhớ lại những tháng ngày bôn ba trong mùa dịch, chú Minh vẫn phấn khởi: “Chiếc ô tô của vợ chồng tôi trở thành xe vận chuyển hàng hóa. Thực phẩm, lương thực khan hiếm lắm. Vợ chồng tôi liên hệ với mấy tiệm tạp hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua. Mà họ cũng phải giữ hàng lại để bán cho lực lượng đi chợ giúp chớ đâu bán hết cho mình được. Chúng tôi phải gom chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Rau củ quả, thịt, cá thì phải mua tận gốc. Cũng may là mình làm nông nghiệp và có mối thân quen. Cứ đến ngày thu hoạch là họ liên hệ với mình. Hàng hóa có rồi thì chở về nhà chứa như kho hàng, sau đó nhờ bà con hàng xóm qua phụ chế biến, phân chia. “Của cho không bằng cách cho”, ông bà dạy rồi. Đồ cho cũng phải sạch, tươi ngon”.
Suốt đợt dịch vừa qua, vợ chồng chú Minh đã trao hơn 3.000 phần quà đến tay bà con gặp khó khăn ở địa phương và vùng phụ cận. Chú Minh tâm sự: “Có hàng hóa rồi, tôi nhờ lực lượng công an địa phương giúp chuyển quà. Trong số này, bà con đặc biệt có tình cảm với Thiếu tá Lê Mai Thanh Phong, cảnh sát khu vực Khu phố 6, vì tuy quản lý địa bàn rộng lớn và có nhiều hộ mắc Covid-19, nhưng Thiếu tá Phong lại rất nhiệt tình hỗ trợ mang quà đến tận nhà và động viên người bệnh mau hồi phục sức khỏe”. Bà con ở phường Hiệp Bình Chánh luôn cảm thấy yên tâm và ấm lòng vì trong phường mình có những người luôn sống vì người khác.