Nghĩa tình quân dân sâu nặng

Nghĩa tình quân dân sâu nặng

Bằng nhiều việc làm thiết thực, sáng tạo trong công tác dân vận và hoạt động kết nghĩa, những năm qua, Học viện Lục quân (Bộ Quốc phòng) đã tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn đóng quân.

Trong chuyến công tác vào xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi bắt gặp nhiều công trình in đậm nghĩa tình của những người lính Học viện Lục quân. Đó là những ngôi trường mầm non, giếng nước, đường giao thông, nhà tình nghĩa... đã được học viện trao tặng. Dẫn khách thăm ngôi nhà sắp khánh thành, bà K’Thu, xúc động: “Ngôi nhà này được xây với tổng chi phí khoảng 120 triệu đồng, trong đó Học viện Lục quân hỗ trợ 70 triệu đồng. Trước đây, bà ngoại và bố tôi cũng được học viện xây tặng nhà tình nghĩa. Bộ đội học viện chính là ân nhân lớn nhất của gia đình chúng tôi”. Theo các cán bộ công tác lâu năm tại địa phương, Đạ Chais bây giờ chưa hết khó khăn nhưng nếu so với cách đây 10 năm thì đã có những bước tiến dài ngoạn mục. “Cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, thì sự phát triển, đổi thay ngày hôm nay của địa phương còn có sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Học viện Lục quân”, Bí thư Đảng ủy xã Kơ Đơng Ha Quyên khẳng định.

Thiếu tướng Lê Anh Thơ, Chính ủy Học viện Lục quân trao quyết định tặng nhà tình nghĩa cho gia đình bà K’Thu ở xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng

Đạ Chais không là nơi duy nhất, mà nhiều vùng quê tại Lâm Đồng đã và đang khởi sắc nhờ sự chung sức, chung lòng của những người lính Học viện Lục quân. Theo thống kê, những năm qua, học viện đã xây tặng 45 “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, xây dựng 2 trường mầm non; tặng 93 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách; tổ chức hơn 20 đợt công tác dân vận; bệnh xá học viện đã điều trị, cấp cứu hơn 10.500 lượt người dân trên địa bàn đóng quân; giáo dục quốc phòng cho hơn 12.500 lượt sinh viên, tổ chức hơn 40 buổi tuyên truyền pháp luật, nói chuyện thời sự… Đại tá Nguyễn Công Sơn, Chủ nhiệm chính trị Học viện Lục quân, cho biết, đối với học viện, công tác dân vận không chỉ là nhiệm vụ mà còn là bài học thực tiễn sâu sắc cho học viên, những người được đào tạo để trở thành cán bộ chỉ huy, tham mưu cấp trung đoàn, sư đoàn và tương đương. Mặt khác, công tác dân vận còn được thôi thúc bởi tình cảm chân thành của những người lính đối vùng đất đã chở che, giúp đỡ họ suốt 40 năm qua, kể từ khi học viện chuyển vào Đà Lạt năm 1976. Đó chính là động lực để công tác dân vận, kết nghĩa của học viện đạt kết quả tốt.

Một trong những kinh nghiệm hay của Học viện Lục quân là luôn biết lựa chọn và phát huy những thế mạnh của đơn vị trong công tác dân vận. Cụ thể như giúp các đơn vị kết nghĩa đào tạo đội ngũ cán bộ; tập huấn, huấn luyện, hỗ trợ các đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu 5, Quân khu 7 tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập bảo vệ biên giới, bảo vệ cơ sở sản xuất; giúp các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn huấn luyện môn quốc phòng cho sinh viên... Các lĩnh vực trên vốn là thế mạnh của học viện, đồng thời rất thiết thực đối với đơn vị, địa phương.

Do tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ có sự thay đổi nên nội dung, hình thức công tác dân vận của học viện những năm gần đây cũng có nhiều đổi mới. “Để công tác dân vận ngày càng phát triển, đơn vị đã mở rộng đối tượng và địa bàn thông qua hình thức kết nghĩa. Nếu trước đây, nhiều đơn vị đầu mối như các phòng, khoa, hệ chỉ kết nghĩa với 1 đơn vị, địa phương thì từ năm 2013 đã kết nghĩa với 2 đơn vị. Nhằm huy động tối đa lực lượng tham gia công tác dân vận, tiết kiệm tối đa thời gian, kinh phí, học viện thường kết hợp huấn luyện dã ngoại, diễn tập chiến thuật với thực hiện công tác dân vận. Những cách làm sáng tạo đã góp phần đưa công tác dân vận ngày càng nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tô thắm truyền thống “Đoàn kết sắt son - Nghĩa tình trọn vẹn” giữa học viện với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương”, Đại tá Nguyễn Công Sơn khẳng định.

Đông Vũ - Nam Viên

Tin cùng chuyên mục