Nghịch lý của nghèo khổ và thất nghiệp

Nếu như năm 2011 được xem là một năm khó khăn đối với các nền kinh tế phát triển ở Mỹ và châu Âu (EU) thì sang đến năm 2012, di sản của một năm lận đận để lại là tình trạng nghèo đói và thất nghiệp gia tăng ở các nước phát triển.

Ngày 15-5, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra nghiên cứu năm 2012 về thị trường lao động, nhấn mạnh tình trạng nghèo khổ gia tăng không còn là vấn đề của riêng các nước đang phát triển mà đã trở thành vấn đề đáng lo ngại ở các nước phát triển.

Từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ, tỷ lệ nghèo đã giảm mạnh ở 75% các nước đang phát triển, nhưng lại đang tăng lên ở 25 nước trong 36 nước phát triển. Cụ thể trong 36 nước phát triển, tỷ lệ nghèo chỉ giảm ở 11 nước, tăng ở 17 nước và không thay đổi ở 8 nước.

Thực trạng trên được gắn với những diễn biến của thị trường lao động các nước phát triển. Theo báo cáo về việc làm trên thế giới năm 2012 được Tổ chức Lao động quốc tế của LHQ công bố tại Genève (Thụy Sĩ) mới đây cho thấy ở các nước phát triển, 40% số người thất nghiệp từ 25 đến 49 tuổi đã chờ việc tối thiểu một năm, thất nghiệp trong giới trẻ đạt mức kỷ lục (52% ở Tây Ban Nha).

Trên thế giới, nguy cơ thanh niên thất nghiệp ba lần cao hơn đối tượng lớn tuổi hơn. Ở Mỹ, tình hình việc làm có khá hơn nhưng thất nghiệp vẫn giữ 9,5% trong quý rồi. Ở châu Âu, người thất nghiệp tăng gần 1/3 từ năm 2010 và dự báo tình hình việc làm không thể khả quan trước năm 2016.

Song nếu đổ lỗi cho các biện pháp kinh tế thắt lưng buộc bụng đã tác động mạnh làm tăng tỷ lệ nghèo khổ ở các nước như Australia, Canada, Đức và Thụy Điển, thì chưa hẳn. Chính thái độ, quan niệm chọn việc làm của người dân các nước phát triển đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong khi một số ngành nghề lại đang thiếu hụt lao động trầm trọng.

Tại Mỹ, người dân nước này không còn muốn làm những công việc lao động chân tay như lắp ráp, hàn xi, thợ cơ khí… Các khoa đào tạo kỹ sư cơ khí tại các trường đại học Mỹ cũng lèo tèo, trong khi các khoa tài chính, quản trị, quảng cáo, truyền thông… lúc nào cũng đông nghịt học viên tham gia.

Có một nghịch lý là trong khi người lao động Mỹ xếp hàng chờ xin việc thì nhiều hãng sản xuất ô tô lớn của nước này cũng đang gặp khó khăn khi kiếm không ra kỹ sư làm việc tại các nhà máy lắp ráp. Ngoài cách tuyển lao động nước ngoài từ Trung Quốc, Ấn Độ…, họ rốt ráo mở các chương trình đào tạo trong công ty để huấn luyện kỹ năng chế tạo xe chạy điện khi các trường đại học cũng thờ ơ với chuyên ngành lấm lem dầu mỡ này.

Cũng giống như người Mỹ, người dân Anh cũng thà chịu cảnh thất nghiệp chứ không cam lòng làm những công việc phổ thông. Trầm trọng hơn, mặt trái của tình trạng thất nghiệp ở Anh hay ở Mỹ còn bắt nguồn từ chính sách an sinh xã hội của nước này mà bị các nước láng giềng cho là quá hào phóng và bao đồng.

Không có việc làm cũng đồng nghĩa với việc không đủ tài chính để trang trải cuộc sống và cũng vì thế, làm gia tăng số lượng người rơi vào cảnh đói nghèo. Trong khi đó, nhờ thực hiện chính sách xã hội thích hợp, tỷ lệ người nghèo khổ thoát nghèo đã tăng nhanh ở các nước đang phát triển. Đặc biệt, các nước đang phát triển ở châu Á và Mỹ Latinh thành công cả về giảm tỷ lệ đói nghèo và thúc đẩy chuyển đổi xã hội. 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục