Nghịch lý thiếu - thừa cụm công nghiệp

Trong khi nhiều quận huyện trên địa bàn TPHCM đồng loạt kiến nghị UBND TPHCM xoá quy hoạch các cụm công nghiệp, đề xuất chuyển đổi thành khu dân cư, thì đang có rất nhiều tổng công ty lại xin thành lập cụm công nghiệp. Vì sao?
Nghịch lý thiếu - thừa cụm công nghiệp

Trong khi nhiều quận huyện trên địa bàn TPHCM đồng loạt kiến nghị UBND TPHCM xoá quy hoạch các cụm công nghiệp, đề xuất chuyển đổi thành khu dân cư, thì đang có rất nhiều tổng công ty lại xin thành lập cụm công nghiệp. Vì sao?

Sản xuất thức ăn chăn nuôi trong Cụm công nghiệp Nhị Xuân. Ảnh: CAO THĂNG

Thừa cụm công nghiệp đa ngành

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, trên địa bàn thành phố có 30 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích là 1.900ha. Điều đáng nói là mỗi cụm công nghiệp còn tồn tại một số bất cập rất khó giải quyết, như có quá nhiều ngành nghề hỗn hợp, không được đầu tư hạ tầng thu gom và xử lý chất thải, là nơi tập hợp tự phát của những doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm khu vực nội thành. Đơn cử như cụm công nghiệp Phú Mỹ, hiện đang có 25 doanh nghiệp hoạt động với nhiều ngành nghề khác nhau như sản xuất các mặt hàng dầu ăn, thiết bị điện, nhựa, chiết nạp ga, dụng cụ y khoa, bê tông tươi…

Tương tự, tại cụm công nghiệp Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, hiện có 40 doanh nghiệp hoạt động với đủ các loại ngành nghề từ dệt may, chế biến thực phẩm bánh kẹo đến cơ khí… Đây là thực trạng chung tại hầu hết các cụm doanh nghiệp khác như Bình Đăng, Nhị Xuân, Lê Minh Xuân, Xuân Thới Sơn A, Hiệp Thành, Tân Quy B, Đông quốc lộ 1A, Tân Hiệp B, Long Thới, Tân Thới Nhất… Hầu hết các cụm công nghiệp này đều có diện tích dưới 100ha và có hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động với đủ loại ngành nghề khác nhau.

Gần đây nhất, các quận huyện đã đồng loạt làm công văn kiến nghị thành phố xóa bỏ quy hoạch các cụm công nghiệp. Nguyên nhân là do không thể kêu gọi các danh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng thu gom xử lý chất thải theo quy định của Luật bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, còn nguyên nhân khác đó là hiệu quả kinh tế từ các cụm công nghiệp không cao. Về phía doanh nghiệp đang sản xuất không có ý định mở rộng quy mô sản xuất, hoặc có muốn mở rộng cũng không được chấp thuận. Chủ đầu tư từ chối đầu tư hạ tầng vì không thể tái lập lại mặt bằng trống để thực hiện quy hoạch lại nhà xưởng sản xuất, cũng như hạ tầng kết nối thu gom xử lý chất thải. Quan trọng hơn, sự tồn tại quá nhiều ngành nghề sản xuất khác nhau khiến cho tính chất, thành phần nước thải khác nhau nên khó có công nghệ xử lý nước thải nào đáp ứng được yêu cầu. Cuối cùng là do thời gian quy hoạch cụm công nghiệp bị kéo dài nhưng thiếu đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, nên tình trạng nhà dân ở xen lẫn nhà máy ngày càng đông.

Đại diện UBND xã Trung An, huyện Củ Chi, cho biết, tại địa điểm được quy hoạch cụm công nghiệp Tân Quy A, khu vực dân cư xen cài khá đông đúc. Việc thu hồi, giải tỏa hiện hết sức khó khăn. Còn với cụm công nghiệp Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, suốt thời gian dài, các doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất vì yếu tố hạ tầng không đảm bảo, lại không ổn định về địa điểm để sản xuất kinh doanh nên một số công ty như Công ty cổ phần Kinh Đô, Công ty cổ phần SX thương mại xuất nhập khẩu Như Ngọc, Công ty Muối miền Nam, Công ty An Hòa… đã xin chuyển mục đích sử dụng đất từ công nghiệp sang đất xây dựng chung cư cao tầng…

Thành lập cụm công nghiệp chuyên ngành

Trong khi nhiều cụm công nghiệp đa ngành đồng loạt xin chuyển đổi công năng thành khu dân cư thì cũng có rất nhiều tổng công ty các ngành nghề đang xin thành lập các cụm công nghiệp chuyên ngành. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty sản xuất thương mại May Sài Gòn cho biết, cần thiết thành lập cụm công nghiệp chuyên ngành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành kết nối hoạt động sản xuất, thương mại, tăng lợi thế cạnh tranh nhờ tiết giảm chi phí hoạt động. Riêng trong ngành dệt may, thành lập cụm công nghiệp chuyên ngành còn giúp giải quyết được vấn đề xử lý nước thải vốn đang là nút thắt của ngành. Tương tự, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đề xuất xin hỗ trợ thành lập cụm công nghiệp chế biến tinh lương thực, Hiệp hội da giày thành phố xin thành lập cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu da giày…

Lý giải thực tế này, theo Bộ công thương, việc thành lập các cụm công nghiệp chuyên ngành hay hình thành và quy hoạch các khu, cụm công nghiệp chuyên môn hóa theo ngành, các doanh nghiệp trong cụm sẽ có mối liên kết cùng sản xuất nhưng cũng kết nối hợp tác để tăng khả năng cạnh tranh của chính mình. Không chỉ vậy, với quy mô sản xuất vừa và nhỏ của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thì việc hình thành cụm công nghiệp chuyên ngành sẽ phát huy được nội lực phát triển của các doanh nghiệp. Và đây cũng là lý do mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện Đề án “Xây dựng Chiến lược phát triển các cụm liên kết ngành ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, khuyến khích các địa phương quy hoạch và thành lập các cụm công nghiệp chuyên môn hóa theo ngành, gắn kết với vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng quản lý Công nghiệp TPHCM (Sở Công thương TPHCM)  cho rằng, việc thành lập các cụm công nghiệp chuyên ngành tạo lợi thế cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên với những cụm công nghiệp hiện hữu đang hoạt động trên địa bàn TP, thì rất khó để sắp xếp lại. Bởi phần lớn các cụm công nghiệp được hình thành do doanh nghiệp di dời tự phát ra khu vực ngoại thành. Sau đó, TP khoanh vùng quy hoạch thành cụm để đưa vào quản lý. Do vậy, có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động các ngành nghề khác nhau cùng tồn tại. Nếu sắp xếp lại thì không thể, vì đòi hỏi phải tốn khoản chi phí ngân sách rất lớn để di dời doanh nghiệp phù hợp với ngành nghề cần quy hoạch.  Do đó, cần có thời gian và lộ trình nhất định. Còn với những cụm công nghiệp mới sẽ hình thành trong thời gian tới, TP đã có kế hoạch quy hoạch phân khu chuyên ngành trong cụm công nghiệp đa ngành. Theo đó, doanh nghiệp hoạt động phù hợp với ngành nghề nào thì được chuyển vào phân khu đó. Tuy nhiên, cái khó là để làm được điều này, đòi hỏi phải thu hút được những nhà đầu tư có đủ tiềm lực kinh tế, mà việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này lại không được đánh giá là hấp dẫn.

Minh Xuân

Tin cùng chuyên mục