Theo đó, số lượng học sinh khuyết tật học hòa nhập và chuyên biệt ngày càng tăng cao, nhưng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, phương tiện sinh hoạt chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Ngoài ra, tại các trường đang tổ chức giáo dục khuyết tật, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành giáo dục đặc biệt còn ít. Đặc biệt trong những năm gần đây, đội ngũ giáo viên trong các trường chuyên biệt thường xuyên biến động với các lý do xin nghỉ việc, chuyển đổi công tác, làm xáo trộn hoạt động giảng dạy.
Theo Sở GD-ĐT, hiện nay toàn TPHCM có 21 trường chuyên biệt, 10 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Trong đó vẫn còn 7 quận, huyện chưa có cơ sở giáo dục đặc biệt công lập, gồm các quận 4, 7, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh, 2 huyện Nhà Bè và Hóc Môn.
Về tỷ lệ học sinh khuyết tật học hòa nhập, phân bổ của TP đang có hình kim tự tháp, tức càng lên cao càng ít về số lượng và đơn vị tổ chức hoạt động. Cụ thể, trong năm học 2016-2017, bậc tiểu học có 398 trường học tiếp nhận 3.152 học sinh khuyết tật học hòa nhập.
Nhưng lên THCS, số trường dạy hòa nhập chỉ còn 179 trường với 1.160 học sinh, bậc THPT còn 23 trường với 59 học sinh hòa nhập đang theo học. Yêu cầu giảm sĩ số học sinh/lớp tại các trường phổ thông công lập tiếp nhận học sinh khuyết tật học hòa nhập chưa thể thực hiện do áp lực cao về sĩ số, khiến giáo viên gặp nhiều khó khăn trong giảng dạy.
Trước thực tế đó, TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, giới thiệu các chương trình giáo dục nghề nghiệp cho đối tượng học sinh khuyết tật ở những dạng tật và mức độ khác nhau để tạo thêm cơ hội hòa nhập, giúp các em có khả năng tự nuôi sống bản thân.
Đồng thời, Sở GD-ĐT cũng kiến nghị cơ quan quản lý sớm ban hành chính sách phụ cấp ưu đãi cho nhân viên khối gián tiếp (như cấp dưỡng, bảo vệ, phục vụ, văn thư, thủ quỹ, kế toán, y tế…) trong trường chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (công lập), để đội ngũ này yên tâm công tác.