Nghiệp đoàn Nhiếp ảnh thị xã Châu Đốc, An Giang - Tận thu trên đầu thợ ảnh

Nghiệp đoàn Nhiếp ảnh thị xã Châu Đốc, An Giang - Tận thu trên đầu thợ ảnh

Từ năm 2009 đến nay, hơn 200 thợ chụp ảnh hoạt động ở Khu du lịch miếu bà Chúa Xứ núi Sam (thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) phải “bóp bụng” đóng nhiều khoản phí cho Nghiệp đoàn Nhiếp ảnh thị xã Châu Đốc với số tiền hàng trăm triệu đồng nhưng họ không được biết số tiền trên sử dụng như thế nào.

Thợ chụp ảnh ở Khu di tích miếu bà Chúa Xứ - núi Sam phải gồng mình đóng nhiều khoản phí.
Thợ chụp ảnh ở Khu di tích miếu bà Chúa Xứ - núi Sam phải gồng mình đóng nhiều khoản phí.

Nghiệp đoàn Nhiếp ảnh thị xã Châu Đốc (nghiệp đoàn) có 200 đoàn viên chia làm 12 tổ (mỗi tổ 18-20 người). Hoạt động của các tổ được phân theo ca, 6 ca ngày và 6 ca đêm. Các ca trực luân phiên xoay vòng ở các điểm du lịch theo sự điều phối của Ban Thường vụ nghiệp đoàn.

Tham gia nghiệp đoàn, ngoài tiền đoàn phí 120.000 đồng/thợ ảnh/năm, hàng ngày, đoàn viên còn phải đóng tiền đầu ca từ 20.000-100.000 đồng/ngày, tùy theo điểm trực. Cụ thể như điểm miếu bà Chúa Xứ phải nộp 100.000 đồng/ngày; đỉnh núi Sam nộp 50.000 đồng/ngày; các tổ trực ở chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, chùa Huỳnh Đạo… nộp 20.000 đồng/ngày. Mỗi một tấm ảnh chụp được, đoàn viên còn phải nộp cho nghiệp đoàn 200 đồng/tấm và mỗi ngày phải đóng 1.000 đồng/người vào quỹ khuyến học của nghiệp đoàn…

Tiền đóng góp thì nhiều, trong khi đời sống của đa số thợ ảnh đều rất khó khăn, ngoài nghề chụp ảnh, nhiều người phải làm thêm đủ thứ nghề cực nhọc như vác đá, cát lên núi, chạy xe ôm… để lo cho gia đình. Có trường hợp, đoàn viên nhiều ngày không chụp được kiểu ảnh nào phải mang cầm cố cả giấy CMND, bằng lái xe, vay tiền góp mua gạo và đóng phí.

Ông Huỳnh Chí Công, tổ viên tổ 2 nói: “Bây giờ gần như du khách nào cũng có máy ảnh cá nhân nên khó khăn lắm mới mời được họ chụp vài tấm hình. Đời sống anh em ai cũng khổ, nhiều người không có gạo ăn mà phải đóng đủ khoản phí nên càng bi đát hơn”.

Phải đóng đủ loại phí nhưng đoàn viên không biết tiền đóng góp của mình sử dụng vào việc gì, bởi các khoản chi đều không có hóa đơn, chứng từ. Anh Lý Trường An, Tổ phó tổ 2 bức xúc: “Quy chế nói rằng đóng tiền để hỗ trợ những anh em khó khăn, nhưng thực tế trong, tổ của tôi có người không lo nổi cơm bữa nhưng 3 năm nay chưa được hỗ trợ gì, trong khi lãnh đạo nghiệp đoàn chi nhiều khoản tiền lớn không rõ ràng. Chính vì vậy, anh em trong tổ đã thống nhất vẫn đóng tiền nhưng giữ lại để tự lo cho anh em thay vì nộp lại cho nghiệp đoàn”.

Báo cáo tài chính (viết tay) năm 2010 của nghiệp đoàn vẫn có những khoản chi như tổ chức đại hội: 10.951.000 đồng; quan hệ luật sư: 13.459.000 đồng; liên hoan: 16.857.000 đồng; phụ cấp BCH nghiệp đoàn: 9.298.000 đồng… Ông Huỳnh Khắc Tường, tổ viên tổ 10 cho biết: “Đa số thợ ảnh đều bất bình trước những khoản thu, chi của nghiệp đoàn nhưng những người có ý kiến, thắc mắc đều bị lãnh đạo nghiệp đoàn kỷ luật, cắt ca lao động, phạt tiền và cấm hành nghề”.

Trao đổi với chúng tôi về các khoản chi thu tài chính của nghiệp đoàn, bà Huỳnh Ngọc Ánh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Châu Đốc cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận đơn thư phản ánh của 28 tổ viên về cách thu chi tài chính của nghiệp đoàn. Việc nghiệp đoàn không lập các báo cáo tài chính, hóa đơn kèm theo là sai nguyên tắc tài chính. Chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra nhưng phải chờ vì hiện tại nhân viên kế toán của nghiệp đoàn đang bận đi học(?)”. Còn khi được hỏi về phương hướng để củng cố, ổn định lại hoạt động của nghiệp đoàn, cải thiện đời sống đoàn viên, bà Ánh chỉ ậm ừ: “Chưa có hướng gì”.

Ông Võ Tuấn Khanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang cũng cho biết sẽ khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Đặc biệt, sẽ kiểm tra hoạt động thu chi tài chính của nghiệp đoàn nhiếp ảnh gây bức xúc trong các tổ viên.


ĐÌNH TUYỂN

Tin cùng chuyên mục