“Đến nay, việc trục vớt các cổ vật bên trong tàu bị đắm đã hoàn tất. Hiện chúng tôi đang trục vớt các cổ vật rơi vãi bên ngoài, dự tính đến ngày 1-7 này sẽ kết thúc đợt 1. Sau đó triển khai trục vớt đợt 2, phạm vi được mở rộng từ 300m² như hiện tại lên 600m² (trong đó 300m² sẽ khai quật theo phương pháp lặn, bắt đầu từ ngày 30-6). Đã có 268 thùng cổ vật được trục vớt, trong đó hơn nửa cổ vật bị vỡ” - ông Đoàn Sung, cố vấn Công ty Đoàn Ánh Dương, đơn vị đang khai quật, trục vớt cổ vật cho biết.
Cổ vật niên đại gần 700 năm
Các cổ vật tìm được trên tàu có nhiều loại tiền đồng của nhiều quốc gia có niên đại tồn tại từ thế kỷ thứ 7 như tiền Khai nguyên phong bảo đời Đường… Trong đó, phát hiện một số hiện vật mới chưa bao giờ thấy trong những lần khảo sát trước đây tại khu vực này của các nhà nghiên cứu. Các loại lọ, chum còn nguyên mẫu có giá trị nghiên cứu khảo cổ. Đồng thời có những men gốm hoa văn chìm, tương tự với hoa văn gốm sứ thời Trần của nước ta. “Ban đầu, chúng tôi vẫn xác định con tàu và số cổ vật có niên đại cuối thế kỷ 13, cách nay gần 700 năm. Tuy nhiên, để đánh giá xác đáng nhất cần phải chờ đến khi công việc khai quật con tàu được hoàn thành. Bởi để xác định niên đại rõ ràng cần phải nghiên cứu kỹ các hiện vật chỉ định như tiền xu đã được tìm thấy. Căn cứ vào những vết cháy đen trên hiện vật gốm sứ, rõ ràng con tàu bị chìm do hỏa hoạn. Nguyên nhân cháy có thể do sự cố ngẫu nhiên hoặc gặp cướp biển và điều này cần tiếp tục nghiên cứu” - Tiến sĩ (TS) Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhận định.
Lý giải về tại sao con tàu lại bị chìm ở vị trí này, TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, cho rằng trong một hội nghị quốc tế về con đường thông thương trên biển tại Mỹ năm 2008 mà ông được mời tham dự có một nhà khoa học người Pháp đã vẽ lại con đường thương mại này, trong đó có một mũi tên chỉ vào vùng biển Quảng Ngãi. Điều đó chứng tỏ đây là một trong những trạm dừng chân tiếp nhiên liệu hoặc là cảng buôn bán, giao thương.
Cùng quan điểm trên, TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, cho rằng dọc duyên hải miền Trung cách nay hàng trăm năm hiện diện những thương cảng sầm uất, nhất là Hội An (Quảng Nam) và Thu Xà (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). “Trong những chuyến buôn bán dài ngày, vào mùa gió chướng, thương nhân người Minh Hương phải “lưu đông” lấy vợ Việt Nam. Thời điểm cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn thi hành chính sách mở cửa phát triển ngoại thương, đây là điều kiện thuận lợi cho những thương nhân người Minh Hương cư trú buôn bán lâu dài tụ cư và lập phố, sự ra đời của Hội An và Thu Xà trong thời điểm này. Vì vậy, không loại trừ vùng biển Châu Thuận Biển cũng là trạm dừng chân của các thương thuyền trong và ngoài nước và chiếc tàu bị đắm có thể đang trong quá trình thông thương bị tai nạn đã phải ghé vào đất liền cầu cứu”- TS Khôi lý giải thêm.
Tàu độc nhất vô nhị
Họa sĩ Nguyễn Sơn Ka, nguyên Trưởng phòng vẽ và phục chế Viện Khảo cổ học Việt Nam, người đang được giao trọng trách mô phỏng lại con tàu để phục dựng trong nay mai, cho biết: “Tàu bị đắm lộ diện là thuyền buồm, dạng tàu tầm trung, chiều dài 24m, rộng 5,6m, có 12 khoang, bị chìm theo phương thẳng đứng, vẫn còn nguyên vẹn hơn 1/3. Trong đó, đế và cụm bánh lái còn khoảng 90%, các vách ngăn khoang tàu bằng gỗ nguyên khối cũng còn khá chắc chắn…”. Còn theo TS Việt, dù đã nghiên cứu tàu thuyền đắm cũng 30 năm nhưng chưa khi nào ông được thấy trực tiếp và tận tay sờ vào con tàu như lần này. Lâu nay toàn nghiên cứu lý thuyết. Xác tàu có ý nghĩa to lớn với toàn bộ giới nghiên cứu tàu thuyền thương mại thế giới nói chung và cả lịch sử Việt Nam nói riêng.
“Tôi ngầm chắc một điều rằng, đây là dấu ấn của ngành khảo cổ tàu đắm của Việt Nam. Vì trong số 12 tàu được khai quật, trục vớt theo đăng ký của các tổ chức thế giới, các nhà khoa học chưa nhìn thấy bánh lái của tàu ra sao và cũng chưa thấy kiểu kết cấu vách ngăn giống con tàu này. Riêng kết cấu vách ngăn rất chắc chắn, chắc chắn hơn tất cả các tàu hiện nay chúng ta có” - ông Việt khẳng định.
Mặc dù 10 mẫu gỗ đã được gửi ra Hà Nội giám định theo phương pháp carbon phóng xạ nhưng qua nghiên cứu sơ bộ về gỗ, các nhà khoa học nhận định đây là con tàu có chất liệu gỗ tốt nhất trong số 12 tàu mà thế giới đã trục vớt được, cả về chất liệu và khối lượng. Và hiện trên thế giới chưa có con tàu nào trục vớt còn nguyên đế tàu và chưa có nhà khoa học nào tận mắt chứng kiến, tận tay sờ vào hiện vật như con tàu này ở Việt Nam. Có chăng là chỉ quan sát qua camera của thợ lặn mang theo, điều chỉnh các góc độ của tàu đắm vì tàu đắm ở mực nước quá sâu… “Đây là sự may mắn đầu tiên cho các nhà khoa học của nước ta”- ông Việt hồ hởi khoe.
Hiện công tác đo vẽ, dựng lại mô hình tàu đang được tiến hành và sẽ tính tới phương án phục dựng, còn xác tàu đắm sau khi trục vớt hết cổ vật sẽ được vùi cát lại để phục vụ du lịch. Ban đầu trong phương án khảo sát có cả trục vớt tàu, sao bây giờ không thực hiện được? Ông Đoàn Sung cho biết do hiện nay gỗ ngâm lâu đã bị mục. Mà theo các nhà khoa học thì nếu muốn trục vớt phải tháo ra sau đó lắp ghép lại. “Có khoảng 1.000 chi tiết nên rất khó khăn. Để lại là phương án tối ưu nhất. Để đánh giá về giá trị lịch sử cũng như văn hóa, sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị quốc tế tại Quảng Ngãi để giải mã nhiều bí ẩn về con tàu này. Hy vọng về một bảo tàng tàu biển thương mại quốc tế sẽ được xây dựng tại Quảng Nam và Quảng Ngãi, nơi có nhiều tiềm năng về tàu cổ bị đắm” - ông Việt cho biết.
HÀ MINH