Tồn tại chừng trên dưới 10 năm, các đạo luật liên quan đến pháp lý nhà đất bắt đầu thay thế bằng luật mới từ năm ngoái, như Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai… Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa ban hành kịp thời khiến các cơ quan chức năng lúng túng trong việc giải quyết các thủ tục nhà đất, gây bức xúc cho người dân.
Đối với TPHCM, vấn nạn hàng đầu khiến người dân ca thán là quy hoạch treo. Nhằm xử lý dung hòa giữa quy hoạch treo và quyền lợi người dân, năm 2014 UBND TP ban hành Quyết định 27, trong đó có quy định về cấp giấy phép có thời hạn đối với các trường hợp bị vướng quy hoạch. Căn cứ cơ bản của quyết định trên là Luật Xây dựng năm 2003 và nghị định hướng dẫn luật. Quyết định 27 ra đời trong bối cảnh nhà đất của người dân bị treo kéo dài hàng chục năm, khiến cả bộ máy công quyền phải giám sát và cuối cùng tìm được giải pháp tháo gỡ tạm thời. Nhưng từ khi Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực thì mọi việc trở nên ngưng trệ. Vì bị tắc nên đầu năm nay, UBND huyện Bình Chánh và UBND quận 12 có văn bản hỏi ý kiến, Sở Xây dựng trả lời về việc “cấp giấy phép xây dựng có thời hạn” rằng, thứ nhất, áp dụng đúng những quy định mới của Luật Xây dựng 2014 và nghị định hướng dẫn luật; thứ hai, sở đang soạn dự thảo thay thế quyết định cũ, nên các địa phương góp ý bằng văn bản gửi về sở, để tổng hợp báo cáo UBND TP.
Sự việc tiếp tục giậm chân tại chỗ khi ngày 29-9 vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND TPHCM, lãnh đạo UBND quận 7 cho biết, từ khi nhận được văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng, việc cấp phép xây dựng tạm đã ngưng lại toàn bộ!
Đó là cấp thành phố. Còn đối với Trung ương, Nghị định hướng dẫn xử lý nóng vấn đề xây dựng không phép đang tiếp tục chờ đợi. Đơn cử như tại huyện Bình Chánh, đây là địa bàn “nóng bỏng” vì có tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng nhà bị tháo dỡ, cán bộ bị kỷ luật liên quan xây dựng không phép thuộc hạng đứng đầu. Ông Lâm Tấn Trí, Trưởng phòng Tư pháp huyện, hết sức băn khoăn, theo khoản 4 Điều 154 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, khi một văn bản pháp luật hết hiệu lực thì các văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết liên quan cũng hết hiệu lực. Nói nôm na “luật mẹ” chết thì “luật con” chết theo, chết khỏi cần khai tử. Nghị định 180 xử lý nóng vấn đề xây dựng không phép hướng dẫn Luật Xây dựng 2003 rơi vào trường hợp này. “Theo tôi được biết, Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo Chính phủ xin áp dụng tiếp Nghị định 180 trong khi chưa ban hành nghị định mới, nhưng Chính phủ chưa có ý kiến. Sở Tư pháp cho biết sẽ báo cáo TP về việc có tiếp tục áp dụng hay không. Nếu không thì địa phương không xử lý được, vì đây là biện pháp xử lý nóng xây dựng trái phép. Bởi khi có xảy ra cưỡng chế, người dân đi kiện thì tòa án căn cứ luật chứ đâu phải theo quy định này nọ”, ông Trí nói.
Thực tế trong lĩnh vực nhà đất, có những đạo luật có hiệu lực đã lâu nhưng “sờ” đã thấy nhiều vướng mắc chứ không chỉ riêng ở ngay giai đoạn “giao mùa”! Vướng mắc không được tháo gỡ làm người dân bức xúc, dẫn tới sự ưu việt của đạo luật mới bị sút giảm ít nhiều. Rõ ràng, việc thường xuyên sửa đổi các đạo luật về đất đai, cùng với việc ban hành nhiều nghị định, “thêm” thông tư… khiến lĩnh vực này đội sổ về phức tạp. Do đó, cần phải có cách làm khoa học, suy tính dài hơi lúc bắt tay soạn thảo và nhấn nút thông qua; giảm thiểu các “văn bản con” dài tay. Đồng thời khi ban hành luật, trong trường hợp hết sức cần thiết phải có “luật con” thì ban hành đồng loạt, mang tính đồng bộ, chứ không dắt dây chờ nhau. “Sống và làm việc theo pháp luật” phải hướng đến sự tiến bộ thông qua các văn bản luật, phải giúp người dân có thể hiểu ngay, dứt khoát không nên “gây khó” và trở thành rào cản của sự phát triển xã hội.
LƯƠNG THIỆN