Ngôi nhà chung Tân Lập

Người dân đồng tình
Ngôi nhà chung Tân Lập

Về lại Tân Thông Hội, huyện Củ Chi những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận cuộc sống người dân nơi đây đang khởi sắc, đổi thay rõ rệt. Sức sống nông thôn mới đang chuyển mình mạnh mẽ. Đời sống văn hóa tinh thần người dân ngoại thành từng là vấn đề trăn trở nay đã dần hoàn thiện. Chị Phan Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội, không giấu niềm vui khi nói với chúng tôi, muốn hiểu hơn đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây, nhất định phải về Tân Lập.

Các em thiếu nhi đọc sách tại thư viện ấp Tân Lập.

Các em thiếu nhi đọc sách tại thư viện ấp Tân Lập.

Người dân đồng tình

Dù đã được giới thiệu nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi đến ấp văn hóa Tân Lập. Là một trong 4 ấp đô thị hóa của xã Tân Thông Hội, đời sống người dân chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, chăn nuôi, nghề tiểu thủ công, thợ hồ và công nhân, ít ai nghĩ rằng đời sống văn hóa của người dân Tân Lập giờ sung túc như thế. Còn nhớ năm 1999, Tân Lập được xã chọn làm ấp điểm (trong tổng số 10 ấp) và ra mắt ban vận động xây dựng đời sống văn hóa đầu tiên. Lúc này, văn phòng ấp chỉ vỏn vẹn 32m² vừa để tiếp dân vừa dùng làm nơi hội họp, xung quanh toàn là cỏ mọc.

Một năm sau, huyện cấp 49 triệu đồng để xây dựng văn phòng ấp. Để tiết kiệm, ấp tự thiết kế và thi công xây dựng diện tích 135m², gồm 1 phòng tiếp dân 60m², 1 phòng hội họp 75m² và nhà vòm 80m², các mạnh thường quân ở địa phương đã tình nguyện đóng góp thêm vì chi phí lúc này đã lên 65 triệu đồng.

Năm 2003-2004, để có mái che mưa nắng, chi ủy và ban nhân dân ấp đã vận động người dân đóng góp làm thêm nhà vòm thứ 2 rồi thứ 3, chi phí trên 14 triệu đồng. Để có thêm điểm sinh hoạt văn hóa văn nghệ, phục vụ vui chơi giải trí, thể dục thể thao, ấp lần lượt hình thành sân đa năng tráng xi măng rộng 400m², sân khấu mini 63m² và hàng rào quanh khuôn viên. Đến năm 2007, phòng truyền thống kết hợp thư viện và 1 phòng họp riêng rộng 100m² và các thiết bị sinh hoạt tiếp nối ra đời... Tất cả đều do người dân đồng tình đóng góp.

“Có được nơi hội họp thoáng mát, khang trang, bà con mát lòng lắm. Quan trọng hơn là bà con thấy việc này thiết thực nên rất đồng tình. Chủ trương của ấp là khi vận động, chi ủy và ban nhân dân đều phải đưa ra lấy ý kiến dân, dân đồng tình mới làm và khi đã làm thì phải công khai mọi chi phí cho dân biết”, chị Lê Thị Sáng, Phó Bí thư Chi bộ ấp Tân Lập, chia sẻ.

Gia đình khá góp một vài trăm ngàn đồng, người khó hơn thì vài chục ngàn đồng, người năm mười ngàn đồng cũng có đủ cả. “Có cả mấy cô, chú hoàn cảnh không dư dả gì, bản thân đi bán vé số vẫn ghé ngang văn phòng ấp tình nguyện đóng góp 10.000, 20.000 đồng trích từ tiền lời nhỏ nhoi. Có mẹ liệt sĩ, gia đình chính sách trích vài chục ngàn đồng tiền trợ cấp góp vào. Tất cả những tấm lòng đó, chúng tôi đều trân trọng”, chị Sáng kể.

Ngôi nhà chung mơ ước

Qua quá trình xây dựng, đến nay Tân Lập đã là ngôi nhà chung khiến nhiều nơi phải mơ ước với phòng họp dân, thư viện và góc truyền thống, phòng tiếp dân, 3 nhà vòm, sân khấu ngoài trời, tổng diện tích hơn 450m², còn lại 2.000m² đất dành phục vụ các hoạt động văn nghệ và thể dục thể thao (các môn cờ tướng, bóng chuyền, cầu lông, bóng rổ, đá cầu, bóng đá mi ni…). Thư viện ấp với hơn 2.000 đầu sách đủ các danh mục từ văn học, thiếu nhi, nhân vật, y học sức khỏe, pháp luật, nông nghiệp đến kinh doanh, khoa học, tin học, ngoại ngữ, ẩm thực, tâm lý... giờ trở thành điểm hẹn mỗi ngày của học sinh.

Hai em Trương Hoàng Nam, học sinh lớp 6 và Cao Văn Thiên, học sinh lớp 7 Trường THCS Tân Tiến, cho biết: “Em rất thích đến đây chơi vì ở đây rất vui và không phải tốn tiền. Ngày nào em cũng vào văn phòng ấp tìm đọc sách, đọc truyện. Buổi chiều, trời mát thì rủ thêm nhóm bạn chia phe chơi đá banh ở sân đất”. Ngay cạnh đó, nhóm học sinh Trường Tiểu học Tân Tiến gồm Hồ Duy Luật, Huỳnh Thiên Bảo, Lê Thanh Ngọc đang tranh luận sôi nổi ở góc truyện tranh.

Vừa tham gia với các kỳ thủ cờ tướng, anh Thái Văn Năng, Trưởng ấp Tân Lập cười, khoe: “Nói đến ấp văn hóa Tân Lập giờ nhiều người biết lắm. Chỉ trong 3 năm thí điểm xây dựng nông thôn mới ở TPHCM, từ 2009 đến 2011, Tân Lập đã đón hàng trăm đoàn khách khắp cả nước đến tham quan, tìm hiểu mô hình hoạt động. Cũng từ sự chung sức của dân mà ra…”.

Minh An

Tin cùng chuyên mục