Ngôi trường mới cho người Khmer

Ngay trong tháng 12-2010 trường tổ chức chiêu sinh. Suốt dải biên giới của vùng Bảy Núi kỳ bí, bà con dân tộc thiểu số, nhất là tầng lớp sư sãi người Khmer xôn xao, vui mừng.

Ngay trong tháng 12-2010 trường tổ chức chiêu sinh. Suốt dải biên giới của vùng Bảy Núi kỳ bí, bà con dân tộc thiểu số, nhất là tầng lớp sư sãi người Khmer xôn xao, vui mừng.

Cả khu đất rộng mênh mông. Ba khu nhà hai tầng khang trang, bề thế đã xây xong. Công nhân vẫn đang hối hả thi công những hạng mục phụ còn lại. “Ngay từ tháng 12-2010 trường sẽ tổ chức chiêu sinh 4 lớp (30 học viên/lớp) sơ cấp, ngắn hạn với các nghề điện dân dụng, lắp ráp sửa chữa máy tính, may công nghiệp. Đây là mô hình dạy nghề nội trú đầu tiên cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tại ĐBSCL…”, thạc sĩ Châu Sốc Sann, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh An Giang phấn khởi cho biết.

Nằm trên địa bàn xã Núi Tô huyện Tri Tôn, phía trước có con sông Tám Ngàn chảy qua, phía sau tựa núi Tà Pạ, trường được khởi công từ năm 2007 trên diện tích 36.000m2 từ nguồn kinh phí của Bộ LĐTBXH và phần đối ứng của tỉnh. Đến nay khu học lý thuyết 12 phòng đã đưa vào hoạt động; khu thực hành cuối tháng 12-2010 sẽ được bàn giao; ký túc xá 4 tầng cho 800 học sinh; nhà ăn, y tế, công vụ, khu rèn luyện thể chất… đang dần thành hình. Cuối năm 2011 toàn bộ cơ sở hạ tầng sẽ hoàn thiện.

Tri Tôn và huyện giáp ranh Tịnh Biên là hai huyện thuộc vùng Bảy Núi, nằm sát biên giới, nơi có đông bà con người Khmer nhất (gần 80.000 người) và cũng là hai địa bàn khó khăn nhất của An Giang. Phó Chánh văn phòng UBND huyện Tri Tôn, anh Đỗ Thanh Mỹ nói: “Trước đây muốn học nghề các em phải ra tận TP Long Xuyên, cách hơn 50km. Giải quyết việc làm cho vùng nông thôn luôn là vấn đề bức xúc nên có ngôi trường này bà con dân tộc rất vui mừng, nhất là tầng lớp sư sãi người Khmer”.

Mô hình này góp phần phân luồng học sinh, tạo ngành nghề phục vụ nông thôn và quan trọng hơn mở ra cơ hội sớm tiếp cận ngành nghề, giải quyết công ăn việc làm, nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc.

“Anh em mới tốt nghiệp đại học về đây  được hưởng 100% lương khởi điểm, thêm 70% phụ cấp ưu đãi theo lương và 70% lương thu hút…Tròm trèm cũng xấp xỉ 4 triệu đồng/tháng”, Hiệu trưởng Châu Sốc Sann nhẩm tính.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục