Hội thi Tiếng hát sinh viên toàn quốc 2014
Hội thi Tiếng hát sinh viên toàn quốc 2014 diễn ra từ ngày 27 đến 29-10, thực sự là sân một chơi giao lưu văn hóa nghệ thuật thú vị, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh, sinh viên. Mỗi buổi thi, hội trường Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM luôn quá tải. Không khí cổ vũ hào hứng, vô tư, nhiệt tình. Mỗi chương trình biểu diễn được 23 đơn vị đầu tư dàn dựng công phu, sinh động, đa sắc.. Tất cả đã làm nên nét đẹp đặc biệt, rất riêng, rất sinh viên của hội thi.
Tiết mục Đêm huyền diệu của Trường Đại học Tây Đô
Đây là một trong những hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức 2 năm một lần, tạo nên một sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực cho học sinh, sinh viên cả nước. Tuy nhiên, công tác tổ chức hội thi năm nay gặp phải không ít khó khăn. Vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nên vòng chung kết hội thi chỉ tổ chức tại TPHCM (thay vì sẽ tổ chức ở hai địa điểm TPHCM và Huế như kế hoạch). Về số lượng đơn vị tham gia cũng chỉ dừng lại ở con số 23 đơn vị trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp. Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên Bộ GD-ĐT, chia sẻ: “Ban tổ chức rất tiếc khi có nhiều trường không kịp tham gia hội thi năm nay. Nguyên nhân là do việc điều chỉnh thời gian thi cấp tập, các trường nhận thông tin hơi trễ. Hội thi lại diễn ra vào đúng thời điểm các em thi giữa kỳ nên nhiều trường không thể sắp xếp được thời gian tham gia”. Trước những khó khăn đó, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã nhiệt tình nhận làm đơn vị đăng cai tổ chức hội thi tại TPHCM, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT-DL, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Hơn 150 học sinh, sinh viên của 23 trường đã biểu diễn ấn tượng các tiết mục ca múa, cùng ôn lại lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc qua những sáng tác âm nhạc truyền thống cách mạng hào hùng, những bài ca điệu múa dân tộc độc đáo của các vùng miền, khúc ca thanh niên Việt Nam trẻ trung, sôi nổi, tươi vui: Ca ngợi Tổ quốc, Linh thiêng Việt Nam, Đêm huyền diệu, Hồn thiêng sông núi, Bước chân trên dãy Trường Sơn, Cô gái mở đường, Hát về quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nơi đảo xa, Phiên chợ ngày xuân, Xa khơi, Đất nước lời ru, Ngẫu hứng sông Hồng, Nắng gió phương Nam, Những thiếu nữ Lô Lô, Điện sáng trên buôn, Bài ca sinh viên… tạo nên những sắc thái, nét đẹp độc đáo rất riêng của từng chương trình. NSND Hà Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường Múa TPHCM, thành viên ban giám khảo hội thi nhận xét: “Năm nay, các đơn vị có sự đầu tư về chuyên môn, nên chất lượng tốt hơn hẳn. Nhiều đơn vị có giọng ca tốt, múa đẹp. Các chương trình, tiết mục thể hiện được vẻ đẹp đặc trưng của quê hương đất nước, các vùng miền…”.
THÚY BÌNH