Thời gian gần đây, một số ngư dân ở Cà Mau đóng thuyền mới, công suất lớn để vươn ra biển Đông đánh bắt cá nhằm tăng thêm thu nhập và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời được xem là một trong những cửa biển lớn nhất nhì ở ĐBSCL, với đội ghe tàu hùng hậu hàng ngàn chiếc. Trong khi nhiều nơi đau đầu vì bài toán lời lỗ, sau mỗi chuyến ra khơi, lão ngư Chín Bình (Huỳnh Thanh Bình), ngụ khóm 2, lại mạnh dạn đầu tư phương tiện vươn ra đánh bắt ở biển Đông. Lâu nay, ông Bình được xem là người tiên phong cho phong trào khai thác, đánh bắt ở Trường Sa của ngư dân Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Ông Chín Bình cho biết: “Đánh bắt ngoài ngư trường biển Đông khỏe re, không phải lo sợ gì hết, mà còn dễ trúng. Thời gian sắp tới sẽ có nhiều anh em ở thị trấn này theo tui ra biển Đông khai thác”. Chuyến biển gần đây, 3 chiếc tàu công suất lớn của ông trúng đậm, cho thu nhập gần 800 triệu đồng. “Sau khi trừ đi tất cả chi phí, gia đình tui còn lãi hơn 400 triệu đồng. Khoảng 40 anh em ngư phủ theo ghe, mỗi người được chia 5 - 8 triệu đồng” - ông Chín Bình nói.
Cùng chung niềm vui với anh ruột của mình vì thu lời hàng trăm triệu đồng trong chuyến biển vừa qua, ông Huỳnh Thanh Hưng cũng phấn khởi chuẩn bị cho chuyến vươn ra biển Đông sắp tới. “Đánh bắt ở ngư trường biển Tây không còn mang lại hiệu quả như trước. Hầu như anh em ngư dân ở đây ai cũng thua lỗ sau mỗi chuyến biển, nên khi nói đến việc vươn ra xa hơn, ai nấy cũng hăng hái hưởng ứng, dù chi phí cho mỗi chuyến ra khơi ở biển Đông tốn kém gấp đôi so với ở biển Tây” - ông Hưng tâm sự.
Theo ông Chín Bình, ban đầu chỉ nghĩ những chuyến vươn khơi ở biển Đông là đi khảo sát, nhưng không ngờ mang lại hiệu quả cao. Khi ghe cập bến mang về những con cá ngừ đại dương đầu tiên ở cửa biển Sông Đốc, được nhiều anh em đến hỏi thăm. Sau khi nghe ông kể lại việc đánh bắt ngoài đó vừa an toàn, vừa thu lãi cao ai cũng ham. Tuy nhiên, do ngư lưới cụ của mình chỉ phù hợp ở ngư trường biển Tây nên không thích hợp cho việc đánh bắt cá ngừ đại dương. Thời gian tới nếu được nhà nước hỗ trợ, chỉ tính riêng thị trấn Sông Đốc có khoảng 1.000 ghe tham gia đánh bắt ở biển Đông. Cái khó của ngư dân ở Sông Đốc khi tham gia khai thác ở ngư trường biển Đông là thiếu vốn.
Theo tính toán của ông Chín Bình, nếu muốn đánh bắt cá ngừ đại dương, mỗi ghe phải bỏ ra ít nhất hơn 1 tỷ đồng để mua sắm dàn lưới mới, đó là chưa tính các chi phí khác đều tăng. Ông Võ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết đã gửi hồ sơ của 29 ngư dân ở cửa biển Sông Đốc đến Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ việc đánh bắt xa bờ ở ngư trường biển Đông. Đây được xem là hướng đi mới của nghề khai thác biển của ngư dân Cà Mau.
PHÚC HƯNG