Kỳ Sơn - Mảnh đất tuyến đầu Tổ quốc nằm ở “chóp” Tây tỉnh Nghệ An, tựa lưng cùng nước bạn Lào. Gọi những cái tên Nậm Cắn, Mường Ải, Mường Típ, Na Ngoi... đã thấy “xa ngái” trong lòng. Nơi đây chỉ có mùa mưa và mùa khô. Nơi đây có gần 8 vạn anh em các dân tộc, trong đó 38% người Mông, 33% người Khơ Mú, 28% người Thái, ngoài ra là người Kinh và Hoa. Ông Mùa Nỏ Xừ, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, đây là huyện nghèo nhất Nghệ An và là một trong những huyện nghèo nhất nước. Hiện huyện này có trên 74% hộ nghèo.
Đường lên “cổng trời”
Đã không ít lần lên Kỳ Sơn, ngắc ngư với cung đường ngoằn ngoèo “nghiêng một bên là sông/nghiêng một bên là núi” nhưng tôi chưa bao giờ có được hình ảnh so sánh vừa thú vị vừa... sợ. Khi chúng tôi đang cùng xe máy “áp cua” thì trời bất ngờ tối sầm. Cùng đó là chớp giật liên hồi như muốn phóng thẳng vào mắt. Sét nổ như muốn xé toang đỉnh đầu, mấy lần nổ ngay sau xe gây cảm giác “banh” cả lốp. Buốt lạnh sống lưng. Tim đập loạn xạ. Tìm một chỗ trú chân không có. Vừa cắm đầu phóng xe vừa tự an ủi “sống chết có số” cho đến khi gặp một quán nước bên đường. Ngẩng đầu nhìn lên phía “cổng trời” Nậm Cắn thấy cung đường phía trước chẳng khác sợi chớp thừng đang giật giật. Và mỗi lần chớp lóe lên là thấy cả một vùng núi đồi trọc lốc.
Nghĩ cũng lạ với mảnh đất miền biên ải này. Mới vừa như sống trong hoảng loạn sáng tối nhưng khi tạnh mưa, lớp lớp núi rừng bất ngờ mở toang ra với bầu trời xanh cao ngút mắt. Ngó xuống phía dưới thấy những ngôi nhà sàn như những hộp diêm xếp cạnh nhau thành những bản nhỏ. Hóa ra mình đã ở độ cao 1.400m so với mực nước biển. Thấy những “túp nhà” nho nhỏ nằm chênh vênh bên sườn núi chúng tôi ghé vào. Thì ra là “lều trọ học” của học sinh Trường THCS dân tộc bán trú Nậm Cắn.
Thầy Nguyễn Đình Minh, Hiệu phó nhà trường cho biết, hiện trường có 402 học sinh, trong đó có 130 em là người dân tộc Thái và Khơ Mú còn lại là dân tộc Mông. Ở đây thường xuyên có đến 1/3 số em không có gạo để ăn. Ngoài sự giúp đỡ một phần nhỏ từ thầy cô, nhà trường đã đề nghị xã điều chỉnh gạo để cấp phát thêm cho các em. Thức ăn thì chủ yếu là rau và muối. Nhưng có điều đáng quý là các em rất ham học.
Chuyện lá ngón và đầu bò
Gặp ông Moong Thò Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn hỏi chuyện về đồng bào, vẻ mặt ông như rạng lên: “Ồ, chuyện về người anh em dân tộc trên mình kể 7 ngày 7 đêm vẫn còn để kể tiếp”. Trước hết, kể về chuyện buồn, nghĩa là chuyện... chết. Ngày xưa, người Mông, Khơ Mú... vùng rẻo cao này có những tục mà giờ đã vận động bỏ được gần hết, nổi bật nhất như tục chấm cơm vào miệng người chết rồi cùng ăn. Bây giờ tục này chỉ còn làm tượng trưng. Nhưng tục mổ bò tiễn người chết thì vẫn còn, đặc biệt là với người Mông. Nhà có người chết, gia chủ chờ anh em họ hàng bản xa bản gần về đông đủ rồi đưa người chết ra trước sân nhà “phơi nắng”.
Khi bắt đầu đưa người chết đi chôn thì một con bò được dắt đến làm lễ rồi hiến tế. Đầu bò đem theo đặt lên mộ người chết để người chết... làm vốn, đưa bò về trên trời nuôi, còn lại phần thịt nấu lên để sau đó mọi người đi chôn về uống rượu. Với đám vui, tức đám cưới thì người Mông làm đơn giản hơn người Khơ Mú. Với người Khơ Mú, khi tổ chức đám cưới nhà trai làm 3 ngày, nhà gái 2 ngày. Mỗi nhà phải mổ làm lễ 2 con heo, nhà khá giả thì mổ cả bò. Riêng nhà trai phải đặt lễ cho nhà gái 2 nén bạc, một số nhà thực hiện theo văn hóa mới thì đặt 3 triệu đồng tiền đặt.
Khi chúng tôi lên bản Pa Ca (xã Nậm Cắn) thì dân bản vừa chứng kiến một chuyện buồn. “Con” Ven Thị Khăm chết vì ăn lá ngón tự tử. Khăm và người yêu cũ ở cùng bản, cùng đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Sau đó Khăm về nhà trước và có tình cảm mới với người con trai khác là anh Moong Văn Sơn. Việc này gia đình Khăm cấm vì bố mẹ cô đã nhận một số tiền từ người yêu cũ của cô rồi. Buồn, Khăm và Sơn đưa nhau vào rừng nói lời yêu thương sau cùng rồi ăn lá ngón. Mọi người phát hiện kịp nhưng chỉ cứu được Sơn, còn Khăm thì “bỏ đi một mình”.
Ông Moong Thò Ngọc thở dài: “Không hiểu răng ở huyện Kỳ Sơn ni có nhiều người tự tử bằng lá ngón, mà xảy ra nhiều nhất là ở xã Keng Đu, Nậm Cắn, Na Loi. Chắc vì “hắn” gần nhà, ăn “hắn” chết nhanh, không gây đau lâu nên người ta thích cắn?”. Người tự tử bằng lá ngón thường là phụ nữ và trẻ em gái. Họ tự tử có khi chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ trong gia đình, cãi nhau với bạn bè hoặc bị một lời nói xấu của người trong bản... Người ở đây quan niệm rằng, tự tử chết là cách trừng phạt người sống, khiến người sống phải ân hận, phải nhớ thương mình, phải đi rẫy một mình, sống một mình...
“Kính thưa bà con dân bản!”
“Đây sườn núi lưng đèo người Mèo ca hát/Sao còn có trên trời ngàn đời ơn Đảng...”. Ngay sau bài hát Người Mèo ơn Đảng một giọng nữ cất lên: “Kính thưa bà con dân bản! Bản Huồi Pốc vừa xảy ra việc một đối tượng nam thanh niên ở tỉnh Lào Cai làm quen bạn gái trong bản, giả vờ yêu để lừa bán sang Trung Quốc... Trước tình hình trên chúng tôi mong bà con hãy nâng cao cảnh giác để không mắc mưu kẻ xấu...”. Đây chính là “Bản tin vùng biên” được Đồn biên phòng Nậm Cắn phối hợp với chính quyền xã và các đơn vị đóng trên địa bàn thực hiện. Ngoài nội dung dễ hiểu như nói về việc xóa bỏ cây thuốc phiện, các thông tin về y tế, giáo dục... bản tin còn đưa đến bà con những nội dung như các quy định về công tác quản lý, bảo vệ biên giới, luật về phòng cháy chữa cháy... Bản tin được phát bằng tiếng phổ thông và tiếng của đồng bào dân tộc, mỗi tuần 2 lần, mỗi lần 30 phút vào sáng sớm và chiều tối. Đây là đồn biên phòng đầu tiên của Nghệ An thực hiện bản tin vùng biên.
Xong việc định về nhưng Trung tá Nguyễn Thế Hùng - Chính trị viên Đồn biên phòng Nậm Cắn bảo: Lên đây thì cũng nên sang thăm các bạn Lào chút. Vậy là anh đích thân lái ô tô đưa chúng tôi sang thăm các bạn Lào. Cứ tưởng chỉ thăm chơi, ai ngờ Trung tá Tu Già - Trưởng Công an huyện Noọng Hét (tỉnh Xiêng Khoảng) và các bạn Lào quá nhiệt tình khiến chúng tôi quyến luyến mãi. Chúng tôi được thưởng thức bia Lào, mận Noọng Hét, nhận những ánh nhìn đằm thắm cùng lời chào đoàn kết và khi tình cảm đong đầy thì cùng vào nhịp lăm vông, ngân nga “Sải chay Lào - Việt Nam” (Tấm lòng Lào - Việt): (Ôi đẹp sao, tấm lòng Lào - Việt Nam. Như hoa Chăm pa và hoa sen bừng nở).
Duy Cường