Trong chiến tranh, có nhiều việc thầm lặng, ít ai biết đến, nhưng góp phần quan trọng vào chiến công chung. Những chiến sĩ làm nhiệm vụ quân báo là một trong những người như thế. Phải sau một thời gian, chiến công ấy mới được công khai, tôn vinh. Trường hợp của đại tá Trần Công Lập (Ba Lương) cũng vậy. Chiến tranh đã lùi xa 40 năm. Người lính báo vụ năm xưa đã bước vào tuổi bát tuần và chiến công của ông mới được mọi người biết đến.
Đại tá Trần Công Lập và vợ (ảnh chụp trước khi vào chiến trường năm 1963).
Công việc thầm lặng
Sinh ra trên đất Củ Chi giàu truyền thống cách mạng, năm 1946, khi vừa tròn 12 tuổi, Trần Công Lập (Ba Lương) theo cha đi làm cách mạng. Cha ông, lão thành du kích (vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1936) đã giao Ba Lương cho ông Tô Ký, một chỉ huy du kích lừng danh thời bấy giờ ở khu vực Hóc Môn - Bà Điểm.
Vào căn cứ An Nhơn Tây, Ba Lương được giao nhiệm vụ in ấn tài liệu. 14 tuổi, ông chuyển sang bộ đội, công tác ở Văn phòng Khu ủy Khu 7 rồi Phòng dân quân Khu 7. Để tạo nguồn cán bộ phục vụ lâu dài trong quân đội, năm 1950, Ba Lương được cử xuống U Minh học văn hóa. Nhưng khóa học không thành, ông được giữ lại công tác ở Phòng dân quân Khu 9. Tại đây, ông được sống gần những cán bộ tiền bối cách mạng. Sau này có nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và quân đội ta như các ông: Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh…
Năm 1951, Trần Công Lập được cử đi học tại Trường Quân chính Miền Tây (khóa đặc biệt). Thực chất đây là một nhánh của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn tại Tây Nam bộ. Lần đầu tiên ông được làm quen với những khái niệm hoàn toàn mới như: Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm lớn của Đảng về chiến tranh nhân dân, xây dựng Lực lượng vũ trang nhân dân…
Ra trường, Ba Lương được phân công làm trung đội trưởng trinh sát thuộc Phân liên khu Miền Tây rồi tham gia Liên hiệp đình chiến theo Hiệp định Genève về Việt Nam vừa được ký kết. Năm 1955, từ bến sông Ông Đốc, ông theo chuyến tàu cuối cùng của Ba Lan tập kết. Ra Bắc, Trần Công Lập được điều về Cục Nghiên cứu (tiền thân của Tổng cục II - tình báo quân đội hiện nay). Công việc đầu tiên của ông là vừa học, vừa làm kỹ thuật viên thu tín hiệu...
Vắn tắt “trích ngang lý lịch” ấy, đại tá Trần Công Lập đã kể cho tôi nghe trong căn nhà nhỏ của ông nằm bên sông Vàm Thuật, quận Gò Vấp, TPHCM. Điều tôi chú ý nhất trong chặng đường gần nửa thế kỷ làm cách mạng của ông là những câu chuyện ly kỳ, gắn liền với công việc thầm lặng của những người chiến sĩ quân báo.
Tôi đã được nghe những chiến sĩ quân báo phòng không kể về việc nắm bắt và giải mã hệ thống tín hiệu, giúp cấp trên chỉ huy đánh thắng. Họ là những kỹ sư vô tuyến điện được đào tạo căn cơ, bài bản. Nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ, từ một thanh niên chưa học hết lớp 3 trước khi đi làm cách mạng, Trần Công Lập cũng trở thành một chiến sĩ báo vụ giỏi, giải mã được các tín hiệu từ trên không trung, đưa ra những dự báo chuẩn xác.
“Ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời”, đồng đội đã tặng cho ông biệt danh ấy, chẳng ngoa. Như thể Trần Công Lập sinh ra để làm việc ấy. Trời phú cho ông sự cảm quan kỳ lạ, có thể phân tích và dự báo chính xác, tránh được sự tổn thất xương máu của đồng đội.
Chuyện “trên trời” đầu tiên của ông bắt đầu từ một buổi chiều giữa mùa mưa năm 1963 tại cơ quan tiền phương Trung ương Cục đóng ở Đồng Rùm. Ông kể: Qua máy kỹ thuật, tôi nghe địch “kháo” nhau, 10 giờ sáng mai sẽ ném bom căn cứ của ta. Tôi liền báo cho anh Ba Trần (Thiếu tướng Trần Văn Danh). Anh Ba báo cáo với ông Trần Đình Xu, phụ trách tiền phương Trung ương Cục. Các ông cân nhắc một hồi rồi ra lệnh cho toàn cơ quan khẩn trương di chuyển. Phải chuyển cứ, đào hầm vất vả, không phải ai cũng nghĩ dự báo của tôi chính xác. Tôi cũng hơi lo. Để theo dõi sát địch, tôi đề nghị cho tổ đài chốt tại cứ. Ông Ba Trần cùng ở lại với chúng tôi.
Sáng hôm sau, tôi hồi hộp theo dõi tình hình. Nếu không đúng như dự báo thì tôi chỉ có “ăn đòn”. 9 giờ rồi 10 giờ, bầu trời và mặt đất vẫn im phăng phắc. Giữa cánh rừng mênh mông nhưng tôi có cảm giác khó thở lạ kỳ. Anh Ba Trần bồn chồn đi đi, lại lại quanh tổ đài: Thế nào? Có tín hiệu gì chưa? Tôi chưa kịp trả lời thì từ xa có tiếng máy bay. Trong chớp mắt, 6 chiếc khu trục từ Sài Gòn lên, lượn một vòng xác định mục tiêu, rồi thay nhau thả bom xuống căn cứ. Cả cánh rừng chìm trong tro bụi, đất đá. Cũng may, do chuẩn bị từ trước, không ai xảy ra việc gì. Máy bay đi rồi, chúng tôi lao ra khỏi hầm, củng cố công sự để chuẩn bị đánh biệt kích.
Anh Ba Trần siết chặt tay tôi: Được. Được lắm.
Trận đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cấp trên tăng cường cho chúng tôi thêm người và trang thiết bị. Anh Ba Trần đích thân dẫn chúng tôi xuống phối hợp với Trung đoàn 2 đánh căn cứ Dầu Tiếng. Qua máy điện đàm của địch, tôi phát hiện ngày mai chúng sẽ cho Tiểu đoàn 32 biệt động quân lên giải vây. Tôi báo cáo cả giờ xuất phát và hướng di chuyển của địch. Phương án tác chiến được triển khai. Trận ấy, Trung đoàn 2 tiêu diệt gọn D32 biệt động quân của địch. Phía ta thương vong không đáng kể.
Đúng dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1964), ta mở chiến dịch Bình Giã. Bám sát địch, chúng tôi đã kịp thời cung cấp cho Bộ Chỉ huy chiến dịch những dự báo chính xác, tạo điều kiện cho quân ta phá hủy 14 xe thiết giáp, chở đầy lính ngụy và bắn cháy 26 máy bay trực thăng, tiêu diệt trên 300 tên địch.
Tiếp đó, ngày 28-12, qua đài địch, chúng tôi phát hiện sẽ có một máy bay trực thăng chở 12 sĩ quan đi khảo sát trận địa, trong đó có 6 tên Mỹ. Bộ Chỉ huy ra lệnh chiến đấu ngay. Kết quả ta bắn cháy chiếc trực thăng, toàn bộ địch bị tiêu diệt.
Cứ như thế, suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở chiến trường miền Đông Nam bộ, Ba Lương gắn với nghiệp vụ quân báo kỹ thuật. Đơn vị của ông đã tham gia 18 chiến dịch lớn, đánh 23 trận cấp sư đoàn và 148 trận cấp trung đoàn... Với chiến công thầm lặng ấy, đại tá Trần Công Lập được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND.
Mối tình vượt Trường Sơn
Trong lúc trò chuyện với tôi, người anh hùng “ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời” luôn hỏi vợ những chi tiết đã lùi sâu vào dĩ vãng, mà có thể ông nhớ không chính xác. Vợ ông, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, ngồi bên cạnh luôn theo sát câu chuyện của chúng tôi.
Đã qua tuổi lục tuần, nhưng dáng vóc và đặc biệt gương mặt của bà vẫn còn lưu giữ những nét đài các, thanh xuân một thời. Bác sĩ Mai dặn tôi, đừng viết gì về bà. Nhưng làm sao tôi không thể nói ra đây được. Danh ngôn có câu: “Đằng sau sự thành đạt của người đàn ông, có bóng dáng của người đàn bà”. Các cụ ta dạy: “Của chồng công vợ”. Những gì mà đại tá Trần Công Lập có hôm nay làm sao tách rời được người bạn đời trăm năm, người đồng đội của ông.
Chuyện tình của chàng sĩ quan quân báo và cô sinh viên y khoa xinh đẹp thật ly kỳ. Cũng như Trần Công Lập, Nguyễn Thị Huỳnh Mai sinh trưởng trong gia đình có truyền thống cách mạng trên quê hương Bến Tre đồng khởi. Ba má bà đều là liệt sĩ. Sau 1955 tập kết ra Bắc, họ đến với nhau. Tình yêu lứa đôi và tình yêu quê hương của họ là một. Năm 1962, đám cưới của hai người con miền Nam diễn ra trên đất Bắc thật giản dị và ấm cúng. 6 tháng sau ngày cưới, Trần Công Lập có lệnh đi B. Dạo ấy, đi B (chiến trường miền Nam) là nhiệm vụ đặc biệt, bí mật. Đêm chia tay, bác sĩ Mai thầm hứa với chồng, khi nào có điều kiện, bà sẽ đi tìm chồng, trở lại quê hương chiến đấu.
Bây giờ những chuyện đại loại như thế, kể ra nghe như chuyện cổ tích. Nhưng đó là sự thật. 7 năm sau, năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn khốc liệt, bác sĩ Mai đã khoác ba lô vượt Trường Sơn vào Nam, đúng như lời hẹn ước với chồng. Sau mấy tháng hành quân gian nan, ác liệt, bà cùng đồng đội vào tới chiến trường B2. Gặp lại chồng, tình yêu đã tiếp cho bà sức mạnh. Bà được phân công về Ban dân y Miền, sau đó công tác ở các quân y viện tiền phương: K24, K32… Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bà về làm Phó chủ nhiệm một khoa tại Viện Quân y 175, còn ông về làm phó rồi trưởng phòng quân lực Quân khu 7…
Ông bà đại tá - bác sĩ đưa cho tôi xem những kỷ vật mà họ còn lưu giữ sau những tháng ngày gian khổ. Tôi chú ý đến những bức ảnh đã bạc màu. Ngày ấy, họ thật trẻ trung tràn đầy nhựa sống. Đó là quy luật, mái tóc đã phôi pha theo thời gian, nhưng ánh mắt và nụ cười của ông bà thì vẫn còn trẻ mãi.
Bây giờ đã hoàn thành nhiệm vụ, về nghỉ hưu theo chế độ, nhưng dường như đại tá Trần Công Lập không có được một ngày ngơi nghỉ. Ông lại cùng đồng đội lặn lội đi làm chuyện nghĩa tình, thăm lại chiến trường xưa, góp sức chăm lo cho đồng đội và con cháu của họ đang gặp khó khăn... Công việc lặng thầm như một thời ông đã thực hiện những công việc thầm lặng.
Chia tay ông bà đại tá - bác sĩ ra về, tôi vẫn thấy cái dáng bình dị của ông bà, với chiếc khăn rằn Nam bộ vắt vai mà tôi đã gặp trên những nẻo đường đánh giặc.
TPHCM, tháng 4 năm 2015
TRẦN BẢO TRÂN