6 giờ 30 phút sáng 26-3-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng rộng 8m, dài 12m đã được kéo lên đỉnh kỳ đài Ngọ Môn - Huế, như hồi chuông ngân vang cùng với cả nước mở ra một trang mới, trang sử độc lập, tự do hòa bình và thống nhất đất nước.
35 năm sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi gặp lại những người được giao trọng trách vào giờ phút vinh quang ấy.
Riêng ông Trần Văn Hà, người trực tiếp mang cờ từ chiến khu về cắm trên kỳ đài Ngọ Môn (đang ở xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, Hà Nam), tuy sức khỏe còn yếu nhưng nghe điện thoại đồng đội cũ tìm gặp, giọng ông như phấn chấn hẳn, ông kể: “Sau bao lần cân nhắc, lựa chọn, tôi đã được đồng chí Nguyễn Minh Êm, Đại đội trưởng Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Phú Xuân) trực tiếp giao nhiệm vụ gói gém cẩn thận, xếp lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng nặng hơn 30kg (rộng 96m²) vào ba lô vận chuyển từ căn cứ Mỏ Tàu (huyện Phú Lộc) cùng trung đoàn hành quân 5 ngày đêm đường rừng về giải phóng TP Huế và kéo cờ giải phóng trên kỳ đài Ngọ Môn”.
Khi hỏi về cảm xúc của mình lúc đó, ông Hà nói: “Quả thật, lúc đó mình cảm thấy rất nặng, nhưng có lẽ không phải do trọng lượng của lá cờ mà là trọng trách vinh quang Tổ quốc đã giao, đặt lên vai. Vì vậy mình tâm niệm, dù có hy sinh cũng sẽ không để mất lá cờ mà xương máu của đồng đội, của anh em đã ngã xuống tô thắm nên. Cờ giải phóng đã về đến vị trí, làm sao để lá cờ làm tròn sứ mệnh lịch sử. Tôi và các đồng đội trăn trở tìm ra biện pháp kéo cờ và xác định thời gian “tác chiến” thích hợp nhất là gần sáng. Kỳ đài Huế có 3 tầng, cao 17,5m, cột cờ làm bằng bê tông cao 37m, nên phải dùng một sợi thừng to bằng cổ tay vừa dùng sức vừa bám men theo cột cờ lên tháp để cố định cờ...”.
6 giờ 30 phút ngày 26-3-1975, mặt trời vừa ló dạng, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng đã tung bay trên đỉnh Ngọ Môn, cả kinh thành Huế vui sướng vỡ òa trong niềm vui giải phóng.
HOÀNG OANH