Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, 1 tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú do các bệnh phổi mạn tính tăng mạnh, có thời điểm tăng đến 120-130% so với trước. Tại Khoa Bệnh phổi mạn tính, nếu bình thường chỉ khoảng 200 lượt bệnh nhân điều trị/tháng thì hiện con số này tăng lên rất cao. Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng Khoa Bệnh phổi mạn tính, cho biết, hiện 55 giường bệnh của khoa đều kín bệnh nhân với nhiều bệnh nhân nặng, trong đó không ít trường hợp phải thở oxy, thở máy, thậm chí có trường hợp rất nặng phải thở máy xâm nhập, đặt ống nội khí quản. Đặc biệt, với những người có bệnh nền phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiệt độ giảm đột ngột còn gây co thắt thanh quản, tạo ra các đợt cấp tính nguy hiểm.
Trong khi đó, tại Khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số người nhập viện do đột quỵ tăng tới 70-80%. Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu và đột quỵ, nhận định, thời tiết giá lạnh là mối nguy hiểm hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ rất cao nếu không xử trí kịp thời. Còn tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, số bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đến khám gia tăng. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 có nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh.
Để phòng bệnh cho người cao tuổi trong giai đoạn thời tiết giá rét, các bác sĩ khuyến cáo, điều quan trọng là cần giữ ấm cơ thể, không ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn; nên uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc ngủ dậy, cũng như có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Riêng với người bị tăng huyết áp cần kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, tim mạch. Khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu trong vòng ít nhất 4-5 giờ đầu để được cấp cứu kịp thời.