Sáng 22-7, Ủy ban Văn hoá và Xã hội của Quốc hội thực hiện buổi khảo sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống thuốc giả thực phẩm giả tại TPHCM. Đồng chí Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, làm Trưởng đoàn. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng.
Báo cáo tại buổi làm việc, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định, tình hình sản xuất và kinh doanh hàng giả hiện nay rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Các đối tượng sản xuất thuốc giả bố trí cùng lúc tại nhiều địa điểm, sử dụng mạng xã hội hoặc ứng dụng giao hàng tận nhà để mua/bán nhằm che giấu địa điểm. Điểm sản xuất thường đặt tại các khu vực nhà không số, hoặc núp bóng dưới hoạt động sản xuất của các công ty bình phong.
Về sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, các đối tượng thường tập trung vào những mặt hàng có giá trị cao, không sản xuất với số lượng lớn mà xé lẻ hoặc sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cho người đặt hàng đến nơi sản xuất để lấy hàng nhằm tránh bị phát hiện.
Ông Nam phân tích, trước đây, hàng giả lưu thông trên thị trường đa số là sản phẩm làm giả bao bì, tem nhãn mạo danh, tập trung vào những loại mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, các thương hiệu lớn trên thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở sản xuất hàng giả tự tạo mẫu sản phẩm không được cấp giấy đăng ký lưu hành, tự đặt tên cơ sở sản xuất, in số đăng ký hoặc số công bố sản phẩm giả, sử dụng mã vạch, mã QR giả, tem chứng nhận sản phẩm giả để đánh lừa cơ sở bán lẻ và người tiêu dùng.
Trong thời gian qua, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, ngăn chặn tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường.
Tổ chức nhiều đợt ra quân đấu tranh phòng chống tội phạm về sản xuất kinh doanh hàng gian, hàng giả trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thuốc, dược liệu, mỹ phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Công an TP phát hiện và xử lý 9 vụ vi phạm pháp luật về lĩnh vực y tế. Đáng chú ý, đã triệt phá đường dây “Sản xuất buôn bán thuốc chữa bệnh giả”, thu giữ 1.164 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu, gần 1.600 kg bột nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng trăm kg nguyên liệu bao bì, nhãn hiệu, vỏ hộp thuốc cùng toàn bộ dây chuyền, máy móc.
Thuốc giả được các đối tượng đem đi tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh ĐBSCL thông qua các chành xe vận chuyển hàng hóa.
Đối với thực phẩm giả, ngày 19-1-2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TPHCM phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Dương (cũ) tiến hành kiểm tra, trực tiếp bắt quả tang 1 cơ sở sản xuất sữa giả tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương (cũ). Tổng trị giá sản phẩm giả khoảng 14.500.000.000 đồng, các đối tượng đã tổ chức sản xuất và buôn bán sữa giả các nhãn hiệu của Công ty Abbott, gồm: Ensure, Ensure Gold, Glucerna….
Cứ khoảng 10 ngày, đối tượng lại thay đổi địa điểm sản xuất từ TPHCM đến tỉnh Bình Dương. Thủ đoạn bán hàng rất tinh vi, chỉ bán online qua các kênh thương mại điện tử Lazada, Shopee. Cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ.
TPHCM là một trong những đầu mối phân phối thuốc cho các khu vực trên cả nước với 42 nhà máy sản xuất thuốc; 1.531 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; 8.454 cơ sở bán lẻ thuốc; 647 cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu.
Trên lĩnh vực thực phẩm, TPHCM hiện có 2.832 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 13.747 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 132 bếp ăn tập thể; 66 cơ sở chế biến suất ăn sẵn; 55 cơ sở bếp ăn trường học; 14.640 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; 3 chợ đầu mối và 229 chợ dân sinh; 52 trung tâm thương mại, 271 siêu thị; 3.200 cửa hàng tiện lợi.