
Đôi mắt bị mù nhưng ông có thể làm mọi việc như người sáng mắt. Không những thế, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông còn cùng nhiều bà con Cơ Tu tải đạn phục vụ chiến trường, cõng gạo nuôi bộ đội đánh Mỹ. Ông là A Lăng Bhuốch (sinh năm 1931, ở thôn Aruung, xã Bhalêê, huyện Tây Giang, Quảng Nam), người con của núi rừng Trường Sơn. Mới đây, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông A Lăng Bhuốch.

A Lăng Bhuốch chơi đàn Abel bên người vợ của mình. Ảnh: TRUNG THÀNH
Từ Đà Nẵng, chúng tôi lên thị trấn P’rao (huyện Đông Giang), rồi từ P’rao ngược đường Trường Sơn thêm 30km để đến Trung tâm xã Bhalêê (huyện Tây Giang, Quảng Nam). Chúng tôi đến nhà khi ông đang ngồi vót tre. Sau lần bị tai biến mạch máu não cách đây hai năm, việc đi lại của ông trở nên khó khăn hơn, nhưng so với cái tuổi 80, ông còn khỏe và minh mẫn lắm. Nghe tiếng người lạ vào nhà, ông vẫn vừa luôn tay vót tre vừa bắt chuyện. Đôi tay gân guốc cầm chiếc rựa vót tre rất điêu luyện.
Nói về những ngày vượt Trường Sơn tải đạn đánh Mỹ, ông vẫn còn nhớ rõ lắm. Ngày ấy, cũng như bao gia đình Cơ Tu khác, gia đình A Lăng Bhuốch nghèo lắm, sống nhờ săn con thú con hoẵng trong rừng. Thế rồi chiến tranh bùng ra, cuộc sống đã khó lại càng thêm khó. Bố A Lăng Bhuốch mất sớm từ thuở ông lên ba nên A Lăng Bhuốch ban đêm phải vào rừng đi săn thú, ban ngày lên rẫy.
Năm lên 10 tuổi, sau cơn bạo bệnh, cậu bé A Lăng Bhuốch vĩnh viễn sống cuộc đời trong bóng đêm vì đôi mắt đã bị mù. Không còn được đi săn con thú con hoẵng, không được lên rẫy, nhớ lắm. Thế rồi, ngày ngày, A Lăng Bhuốch tập dùng gậy dò dẫm đường đi. Quen dần, ông theo dân làng lên rẫy, theo đi đặt bẫy… mãi rồi thành quen. Bản đồ những con đường giữa rừng Trường Sơn không biết tự bao giờ đã hằn sâu trong tâm trí A Lăng Bhuốch đến nỗi ông nhớ từng đặc điểm nhỏ. Chỉ cần nghe mùi hương của rừng là ông biết mình đang ở đâu. Đi mãi thành quen. Với ông, ngày cũng như đêm và đêm cũng như ngày, A Lăng Bhuốch có thể đi bẫy thú rừng, đi làm rẫy như những người sáng mắt trước sự ngỡ ngàng của dân làng. Mất đôi mắt nhưng chân A Lăng Bhuốch nhanh như sóc, mũi thính như sói, tai thính như con hươu con nai.
Thế rồi giặc Mỹ thả bom, rừng Trường Sơn bị đốt cháy. Nhà cháy, người chết khắp nơi, A Lăng Bhuốch cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh. Giận giặc đến tận xương tủy, nhưng không cầm được cái tên, cái nỏ, A Lăng Bhuốch đăng ký làm dân công tải đạn, gùi gạo gùi sắn nuôi bộ đội. Khi A Lăng Bhuốch đến ghi danh, ai cũng ái ngại. “Khi đó, cả bộ đội và người làng đều bảo Trường Sơn dốc cao, vực sâu, người sáng mắt còn chưa làm được huống gì người mù như tôi. Nhưng thấy tôi kiên quyết nên họ đồng ý”, A Lăng Bhuốch tâm sự.
Từ đó, với chiếc gậy tầm vông trên tay, dấu chân A Lăng Bhuốch có khắp nơi trên những con đường đèo dốc cao, vực sâu của rừng Trường Sơn. Từ A Vương đi A Nông, Bađun, C’ghiêr, Ca Nung và xã Ba, xã Tư... vượt những con dốc cao như Apác, đèo Coong Zờng, qua sông Lăng, dốc Ch’zách, Ch’rếch rồi lên tới dốc núi Tr’hy trên dãy Trường Sơn để vận chuyển lương thực, đạn dược từ kho A Zứt (xã A Vương) lên các xã vùng cao, thuộc các điểm như Aroch, A Bí (xã A Tiêng), Voòng, P’dâm (xã Tr’hy)... Mỗi gùi hàng nặng 50 - 60kg, nặng hơn trọng lượng cơ thể mình nhưng A Lăng Bhuốch đã miệt mài gùi từ năm này qua năm khác để chi viện cho bộ đội.
Năm 1967, A Lăng Bhuốch được bổ sung vào Đoàn Trung Sơn trực thuộc Tỉnh đội Quảng Đà, điểm trực là kho 31 tại hang Khỉ, chân dốc Alơơl - ranh giới giữa Hiên và A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Từ hang Khỉ chia thành nhiều hướng đường vận chuyển: Kho 31 đi đến trạm trực Arớt, từ Azớt đến Z’rượt và tiếp theo đến Crơreh; từ kho 31 (A Lưới) đến trạm Tarêêl, đến trạm trực Tacoo rồi đến Azơơl; từ kho 31 đến trạm trực Panonh vận chuyển đến trạm trực Tr’lêê và từ Tr’lêê đến trạm trực Crơreh. Đặc biệt, năm Mậu Thân 1968, giặc Mỹ dùng B52 thả bom Napan đốt dãy Trường Sơn, A Lăng Bhuốch gùi vũ khí liên tục cả ngày lẫn đêm trong 3 tháng. Có lúc, A Lăng Bhuốch gùi đến 2 đầu đạn A12 với trọng lượng hơn 100kg. Năm ấy, A Lăng Bhuốch được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc và được đi báo cáo điển hình tại các đơn vị quân đội.
Từ năm 1958 đến ngày giải phóng, nếu tính bình quân mỗi ngày cõng 50kg thì A Lăng Bhuốch đã gùi khoảng 182.000kg hàng các loại, trong đó vũ khí, súng đạn là 120.000kg, lương thực 62.000kg. A Lăng Bhuốch đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Sau ngày giải phóng, A Lăng Bhuốch về lại với bản làng, cũng làm rẫy, đi săn nuôi sống gia đình. Không những thế, A Lăng Bhuốch có thể tự làm nhà sàn, chơi đàn Abel, Tbre... Nói về A Lăng Bhuốch, ông Nguyễn Đình Sáu, một cán bộ xã Bhalêê tâm sự: “Ông ấy xứng đáng là anh hùng. Ông ấy làm những việc phi thường mà những người bình thường khác khó có thể làm được”.
Ông Bh’ríu Liếc, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cho biết: “Cụ A Lăng Bhuốch là một người quá tuyệt vời. Trong chiến tranh, cụ cõng đạn, gùi gạo cho bộ đội, giờ thời bình cụ làm ruộng bậc thang, làm rẫy. Ở miền núi, những người mắt sáng tai thính nhưng vẫn thiếu ăn, trong khi gia đình cụ chưa bao giờ thiếu ăn. Cụ là một tấm gương sáng cho đồng bào Cơ Tu nơi đây noi theo. Những năm qua, 3 lần chúng tôi đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho cụ nhưng chưa được. Vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt hồ sơ và gửi Nhà nước đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cụ. Hy vọng là chúng tôi sẽ có tin vui sớm”.
N.KHÔI – T.THÀNH