Người cựu binh già và bài học về lòng kiên nhẫn

Người cựu binh già và bài học về lòng kiên nhẫn

Ấn tượng đóng vào tâm trí tôi sau những lần gặp gỡ ông là lòng kiên nhẫn đến kỳ lạ. Câu chuyện về một ông già 78 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, không biết tí gì về Anh văn, vi tính, trình độ học vấn chỉ ở mức lớp 3 trường làng lại kiên trì theo đuổi cho bằng được ý định “làm sách” về các di sản văn hóa thế giới cứ như một giấc mơ. Nhưng rồi giấc mơ ấy cũng thành sự thật khi hiện tại bộ sách đã ra đời và tác giả của nó - ông Bùi Đẹp - được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam - Vietbooks đề xuất kỷ lục là người Việt Nam đầu tiên làm được chuyện đó.

  • Từ ẩn ức của chàng trai nghèo mới học hết lớp 3
Người cựu binh già và bài học về lòng kiên nhẫn ảnh 1
Hàng ngày, dù sức khỏe đã yếu, ông vẫn cặm cụi hoàn thành nốt bộ sách Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: M.HG.

Oâng Bùi Đẹp sinh năm 1928 tại xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Là con trai duy nhất trong một gia đình có 4 người con, ông Đẹp có cái may mắn không ngờ là được đi học. Nhưng đi học giữa lúc cha mẹ và các em phải chạy giặc, chạy ăn từng bữa là một điều xa xỉ. Cố lắm, cố mãi rồi thì sức lực của cái gia đình bần cố nông ấy cũng kiệt cùng, cha mẹ chỉ có thể cho ông học hết sơ học yếu lược - tương đương lớp 3 trường làng- đủ cho ông biết đọc, biết viết và biết làm vài con tính. Đảng ra đời, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng lên, 18 tuổi, ông Đẹp bỏ nhà theo kháng chiến. Ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tuổi mới ngoài hai mươi.

Năm 1955, ông tập kết ra Bắc. Sống những ngày hòa bình ở miền Bắc, mơ ước được học bấy lâu vẫn xếp gọn trong lòng nay trở lại đầy câu thúc. Ngày tay súng, tối tay viết, ông không bỏ sót buổi học nào của lớp bổ túc văn hóa. Nhưng miền Nam còn chưa yên tiếng súng, quê hương còn đầy bóng giặc thì mấy ai khư khư giữ cho mình một giấc mộng con con, mấy ai yên cái bụng mà học hành cho tới nơi tới chốn.

Chuyện học của ông cứ phập phà phập phù. Nguồn kiến thức duy nhất đến với ông là số sách báo ít ỏi mà hễ có được là ông đọc nghiến ngấu trong cái thời “đất nước mình còn nghèo lắm” ấy. Như người sống ở sa mạc luôn cất giấu trong lòng thứ ẩn ức tuyệt vời về những dòng nước ngọt, ông Đẹp cũng như nhiều thanh niên thời đó vẫn mơ mộng về một ngày đất nước giải phóng, ông sẽ được thả sức học tập, nghiên cứu và có thể viết sách. Chưa bao giờ ông tin tưởng nhiều đến thế.

  • Bài học sinh động về lòng kiên nhẫn

Chờ mong mãi cuối cùng ngày tự do cũng đến. Nhưng công việc ở Viện Khoa học hình sự cứ cuốn ông đi cho mãi đến năm 1986 được “rửa tay gác kiếm”, ông Đẹp mới bắt đầu thực hiện ý định viết lách của mình. Vốn mê du lịch, ông nhất định phải làm sách về danh lam thắng cảnh.

Bây giờ nghĩ lại, ông mới giật mình: Sao ngày đó ông liều đến thế. Ngoại ngữ không, vi tính không, chụp ảnh không, tiền bạc không, kiến thức thì gần như không, thế mà đòi làm sách về mấy trăm di sản văn hóa ở khắp năm châu bốn bể! Người ta làm sách thì học hàm học vị rần rần, kiến thức uyên thâm, cộng sự, phụ tá đắc lực kề bên. Còn ông chỉ có vốn liếng “năm không” cộng với lòng quyết tâm bước vào cuộc hành trình thăm thẳm gần hai chục năm trời như mò kim đáy biển để thu thập tư liệu thai nghén bộ sách.

Suốt từ năm 1986 cho tới năm 2003, ông kiên trì lục tìm tư liệu từ rất nhiều nguồn: sách, báo, tạp chí, tờ tin trong và ngoài nước, Internet, bảo tàng văn hóa, gửi thư đến các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam xin tài liệu… Mỗi bài báo, mỗi mẩu tin là một mảnh ghép mà ông là người đang chơi trò ghép hình dài ngày với khát vọng tạo nên bức tranh hoàn chỉnh hay ít ra cũng là bức phác họa chi tiết về những di sản văn hóa trên khắp thế giới.

Ông rủ rỉ nói: “Khó khăn nhất là cái khoản dịch thuật. Các đại sứ quán họ nhiệt tình lắm nhưng tài liệu gửi sang toàn là tiếng nước ngoài: nào tiếng Anh, tiếng Pháp, Đức, Ấn Độ, Malaysia, tiếng Lào… mình nghe họ nói cứ như vịt nghe sấm. Nhưng chả lẽ bó tay. Thế là phải nài nỉ mấy anh giáo viên ở Trường Nguyễn Thái Bình gần nhà dịch hộ. Nhưng chỉ dám đưa sang từng vài trang một thôi, lấy về trang này lại đưa tiếp trang khác, nơm nớp sợ họ “ngán”, họ “nản”, họ “bỏ cuộc”.

Xong được phần dịch, ông lại phải “đối phó” với rào cản vi tính và Internet. Thằng con trai, đứa con gái của ông sành sỏi lắm, lướt mạng cứ nhanh nhoay nhoáy, gõ vi tính nghe rào rào. Nhưng chúng nó còn mải học, mải chơi, chả đứa nào để ý đến công việc của bố. Vậy là ông mò mẫm học một mình. Thời gian đầu thấy ông cứ tồng tộc đạp xe đi rồi về, bà nghi lắm.

Có lần bà thấy ông tần ngần dựng xe trước hiệu Internet nữa chứ. Thôi chết, từng này tuổi rồi, hay là ông lại sinh tật hẹn hò chát chít như bọn trẻ bây giờ thì khốn! Nhưng rồi bà cũng yên tâm bởi lần nào từ trong “dịch vụ” ra ông đều kệ nệ mang theo bao nhiêu là giấy tờ chi chít, nhằng nhịt những chữ, tiếng Việt có, tiếng Tây có. Ông già gần 80 tuổi đã biết lên mạng, biết “online” rồi!

Lo được phần nội dung thì nào đã xong chuyện. Ông lại tính đến phần hình ảnh. Ông nghĩ đơn giản như vầy: “Mình dắt người ta đi khắp thế giới chỉ với cuốn sách trên tay bằng “tư duy trừu tượng” mà không có “trực quan sinh động” thì chán bỏ xừ. Phải tìm được một thợ chụp hình thật “máu me” du lịch cùng đồng hành mới được”.

Nhiếp ảnh gia Minh Đức, một ông già cũng vào hàng thất thập cổ lai hi được “huy động” vào dự án của ông. Đôi bạn già ấy đã đèo nhau rong ruổi khắp các bảo tàng, thư viện, đại sứ quán, hiệu sách cũ để chụp lại ảnh. Hàng trăm bức ảnh trong bộ sách đã được ra đời như thế. Để có tiền nuôi dưỡng kế hoạch dài ngày, ông cặm cụi viết hơn 300 bài cộng tác khắp báo lớn báo nhỏ từ trung ương đến địa phương, cần mẫn đến mức tờ tin quận 11 phải cấp cho ông cái giấy công nhận “Thành tích tích cực tham gia công tác tuyên truyền”.

Kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ, vừa tìm, vừa tổng hợp, vừa viết, cuối cùng bộ sách “Di sản văn hóa thế giới” gồm 10 tập về tất cả những di sản văn hóa ở châu Á, châu Aâu, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương, châu Nam Cực đã ra đời. Cái ngày ấy với ông trọng đại lắm. Ông tỉ mẩn tính luôn cả những lần tái bản thì đã có 13.910.000 trang sách ông viết đến tay người đọc. Hôm tôi vào “đại náo” kho tư liệu của ông thì phát hiện ra chồng bản thảo viết tay của ông đã cao hơn 1 mét.

Đã 19 năm, tính chi li ra là xấp xỉ 6.935 ngày nhà nước cho ông về nhà nghỉ dưỡng. Nói ra thì thật khó tin nhưng suốt gần 7.000 ngày đó, ông chỉ chịu nghỉ vẻn vẹn có 20 ngày vì cái “món” tai biến mà dường như tuổi già nào cũng phải nếm qua. Nằm được vài ngày ông lén bà trèo lên yên con ngựa sắt, mới khua được mấy vòng thì té sấp té ngửa. Xe cấp cứu hụ còi inh ỏi chở ông vào viện.

Bác sĩ chẩn đoán ông bị nứt xương hông. Cũng may mà đầu óc không việc gì. Hôm tôi đến nhà, ông nhất định lần tường lê bước chân cà nhắc dẫn tôi thăm phòng sách. Ông cười lắc rắc tiết lộ một kế hoạch rất chi tiết về 2 quyển tiếp theo của bộ sách mà ông sẽ gấp rút hoàn thành trong năm nay để bổ sung thêm hơn 200 di sản văn hóa thế giới vừa được UNESCO công nhận. Ngoài ra, ông còn muốn làm một quyển tự điển về danh lam thắng cảnh thế giới nữa.

Lúc về, tôi rỉ tai hỏi bà xem có bao giờ bà thử “thanh tra” số tài khoản ông kiếm được từ viết lách không. Bà lắc đầu: “Ông ấy chả giữ lại được một xu nào đâu. Lại đổ vào sách báo, tranh ảnh hết”. Sức lực của người cựu chiến binh từng nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 2, Huân chương Chiến công hạng 1 ấy bền bỉ đến kỳ lạ. Và lý do mà ông đưa ra để giải thích cho sự kiên trì hiếm thấy của mình chỉ là: “Già rồi, nếu không có niềm đam mê nào, quanh quẩn mãi trong nhà có nước mà… tự tử, phải làm chút gì đó để lại dấu ấn cho con cháu, cho cuộc đời này”.

Đoàn Mai Hương

Tin cùng chuyên mục