Người cứu sinh rùa biển

Người cứu sinh rùa biển

“Ở xã biển Vĩnh Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận) này mà hỏi ông Lê Nuôi thì không mấy ai biết, còn hỏi ông Mười Nuôi thì một ít người biết, nhưng nếu hỏi ông Mười “Đú” thì đến đứa trẻ cũng biết. Là bởi cả cuộc đời của Mười Nuôi gắn liền với con đú - cái tên mà bà con ở đây quen gọi để chỉ con rùa biển. Đúng là Mười “Đú” đã không tách đời mình khỏi con đú: trước giết đú để kiếm sống nay lấy việc cứu đú làm lẽ sống...”- Phó trưởng Công an xã Vĩnh Hải Nguyễn Văn Giỏi đã khái quát về công dân Lê Nuôi của địa phương mình như thế.

  • “Sát thủ” của rùa Bãi Thịt
Người cứu sinh rùa biển ảnh 1

Ông Lê Nuôi.

Gần 12 giờ, nắng như hắt lửa xuống làng chài Thái An, mái nhà của ông Mười càng nóng hơn bởi mái tôn thấp. Nhà vắng, những người hàng xóm nói dạo này ông thường ở luôn trên Trạm Bảo vệ rùa Bãi Thịt. Tôi đang định tìm đường lên trạm, bỗng đâu ông mang gùi đi về. “Kiếm được mấy con cá vụn, ở trạm lại cạn mắm muối, phải tranh thủ về lấy. Con đú đang lên đẻ mạnh, tui phải canh giữ ngày đêm...” - ông vừa quệt mồ hôi vừa nói rồi đẩy cửa vào nhà, liền tay làm mớ cá để kho mang lên trạm.

Không biết ông Mười “đú” có nhớ đúng tuổi mình khi nói ông chỉ 75 tuổi, nhưng nhìn khuôn mặt chằng những nét nhăn cùng đôi má tóp của ông ai cũng đoán ông đã hơn tám mươi mấy tuổi. “Cứu được con đú làm cái bụng mình vui, thấy khỏe ra. Tui đi liền từ nhà đến trạm từ trạm về nhà hơn 6 cây số vẫn chưa thấy mỏi cái chưn...”- ông nói rồi cười khà.

Nghèo khổ truyền đời, ông nói mình giống như đứa trẻ hoang của cái làng chài nghèo khó Thái An này. “6 tuổi tui đã biết uống rượu, mà uống bằng bát chớ không phải bằng ly bằng chén. Có lẽ rượu chè đã sớm đưa đàng cho tui đến với cái “nghề” bắt đú...”- ông nhắc lại. Mười hai tuổi, chưa thể và cũng có lẽ không muốn theo người ra khơi kéo lưới kiếm cơm, cậu thiếu niên Mười Nuôi trong cơn ngây rượu đã nhắm đến con đú nơi Bãi Thịt vì chúng chậm chạp, dễ bắt, lại có nhiều bởi ai cũng chê, phần vì giá rẻ, thịt ăn thấy ghê ghê, phần vì cho bắt đú xui xẻo.

“Hồi đầu tui giết đú là để có cái ăn cho đỡ bụng. Nhiều người chê thịt đú nhưng tui ăn riết thấy ngon miệng, lại khỏe người ra. Vậy là tui mạnh tay bắt đú, phần để ăn phần để bán. Rồi lại càng hăng bắt để mong được con đú có cái mai đầy hoa như con đồi mồi, bán được khá tiền hơn... Cho đến thời sau giải phóng đú còn nhiều, có đêm tui bắt đến mươi con. Về sau, cho đến ngày tui giải nghệ thì đú giảm lần, mỗi đêm bắt được chỉ một vài con... Mỗi con đú nặng chừng năm - sáu chục cân, có con lớn nặng gần cả trăm cân, nhưng khi nó lên bãi đẻ thì dễ bắt lắm, chỉ thủ thế lật nó lên, cần thì trói lại, đưa lên xe bò là xong...”- ông kể.

Vậy là sau gần 60 năm bắt đú, “sát thủ” Mười “đú” đã giết hại không biết bao nhiêu là rùa biển nếu chỉ tính đổ đồng mỗi ngày ông bắt chừng một vài con theo như ông nói! Mà như tài liệu khoa học cho biết, một con rùa con phải 30 năm mới đến tuổi sinh sản và chỉ có một trong hơn một ngàn con rùa con mới sống sót được tới lúc đó thì ông đúng là một trong những người đã tạo nên thảm trạng đưa loài rùa biển đến nguy cơ tuyệt chủng.

  • “Sống ngày nào lo cho con đú ngày đó!”
Người cứu sinh rùa biển ảnh 2

Ông Mười Nuôi đang chăm sóc rùa biển.

Vừa đến trạm, dưới nắng, Mười “Đú” đã vội ra khỏa cát, sửa lại lưới bảo vệ cho những ổ trứng rùa bên bãi bờ quạnh vắng. Kinh nghiệm của gần 60 năm săn bắt rùa đẻ giờ đã được ông vận dụng đầy hiệu quả cho việc bảo vệ chúng. “Tui nhìn con nước, nghe gió là có thể biết rùa có vô bãi đẻ hay không, nếu vô thì nhiều hay ít...” - ông nói và kể đêm ông phải dạo quanh khắp bãi để không bỏ lọt mắt một con đú nào lên đẻ hầu “khoanh ổ” canh giữ cho trứng nở.

Đú thường đẻ mạnh từ tháng giêng đến tháng 8, nhưng từ tháng 9 đến cuối năm vẫn có một số con đẻ “trái vụ”, có khi lại khá nhiều. Bởi vậy, việc bảo vệ đú gần như quanh năm suốt tháng. Không ngại cực nhọc trong việc canh cho đú đẻ trên bãi, ông lo nhất là rùa mẹ bị bắt trên đường vô bãi đẻ bởi ngư dân ở các tàu đánh cá ngoài tỉnh thường lảng vảng quanh bờ.

Gần 4 năm nay, khi coi Trạm Bảo vệ rùa Bãi Thịt là nhà và công việc của trạm là việc làm chính của mình, ông đã góp vào thành tích chung của trạm là bảo vệ an toàn cho những con rùa lên bãi đẻ, chăm sóc cho các ổ trứng nở thành hàng ngàn rùa con rồi đem thả ra biển. “Trước mình như đui mù, giờ được trên chỉ cho biết. Mười “đú” tui chừ sống ngày nào là lo cho con đú ngày đó!”- ông nói với tôi bên những ổ trứng đú vùi sâu dưới cát.

Tuy không bị ai ở đây ghét bỏ nhưng ông cứ cảm thấy mình như kẻ luôn mắc nợ với biển, với đời khi đã từng làm nghề bắt đú. Hai con có chồng xa, người vợ ra đi đã hai mốt cái giỗ, đêm đêm ông lại thui thủi nhóm lửa đun ấm trà khi ở bãi bắt đú về. “Nhiều lần tui muốn bỏ nghề nhưng cứ phân vân không biết mình sẽ làm gì để sống, ra biển lưới thuê thì già rồi, lưới chài bên bờ thì èo uột quá. Bởi vậy...”- ông kể lại “bước chuyển” của cuộc đời mình.

Giữa lúc ấy, nghe cán bộ ở Hạt kiểm lâm của Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) phát động việc lập trạm bảo vệ rùa Bãi Thịt, ông thấy mình như kẻ tìm được đường đi trong đêm tối. Vậy là không quản tuổi tác, ông tình nguyện vào trạm dù khoản thù lao mỗi tháng chỉ có hai trăm ngàn đồng. Nhìn ông đứng bên những ổ trứng rùa trên bờ biển, khuôn mặt gầy guộc nhăn nheo nhưng đôi mắt vẫn quắc sáng, tôi nghĩ ông giống một hộ pháp bảo vệ loài rùa biển.

HUỲNH VĂN MỸ
 

Tin cùng chuyên mục