
Năm 1986, cùng với làn sóng di dân tự do của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc, chị Lương Thị Ngỏi – dân tộc Nùng, quê ở xã Chí Thảo (Hà Quảng, Cao Bằng) cùng với 6 gia đình trong dòng tộc đã khăn gói đi tìm vùng “đất hứa”.

Chị Ngỏi làm cỏ cho cây chè.
Sau nhiều ngày kiếm tìm, họ đã đặt chân đến vùng đất B’Lá (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Những ngày đầu ở vùng đất mới, gia đình chị gần như tay trắng, cơm bữa đói bữa no, rau rừng là nguồn thực phẩm chính để nuôi sống gia đình.
Không quản ngại khó khăn, chị cùng chồng làm thuê, làm mướn nuôi con, đến khi xin được già làng cho “nhập làng”, chị bắt đầu trồng lúa cùng các loại cây ngắn ngày như ngô, khoai, đậu… trên mảnh đất được cấp. Dường như “đất cũ đãi người mới” nên khó khăn dần lùi lại phía sau, đời sống kinh tế gia đình dần ổn định.
Sau gần 20 năm chịu thương chịu khó, nay gia đình chị đã có của ăn, của để, nhà hiện có 3 sào đất đang trồng chè và 5 sào cà phê đang cho thu hoạch; 4 sào đất sình trồng bắp lai, rau, đậu, chưa kể gia đình còn nuôi thêm 3 con bò. Tổng thu nhập hàng năm trừ đi chi phí vẫn còn hơn vài chục triệu đồng, 4 đứa con đều được ăn học đàng hoàng.
Không những là một người đàn bà biết vượt khó, làm kinh tế giỏi, chị Ngỏi còn là người hoạt động xã hội rất tích cực. Năm 1985 (sau 2 năm chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam), chị bắt đầu tham gia công tác ở Hội Phụ nữ địa phương, đến năm 1999 chị được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã B’Lá. Đối với một xã vùng sâu, vùng xa có hơn 2.400 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85% - đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn thì công tác hội quả là không đơn giản.
Dẫu vậy, chị vẫn kiên trì cùng với chị em trong hội thường xuyên bám sát địa bàn, giúp bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi giống chè, cà phê, nuôi bò thịt nhằm giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Đến nay, toàn xã không còn hộ đói, chỉ còn lại 33 hộ nghèo (theo tiêu chí cũ). Ngoài việc giúp bà con làm kinh tế, chị luôn là người đi đầu trong công tác hòa giải những mối bất hòa trong các gia đình, thôn xóm nên đã được nhân dân tin yêu. Năm 2003, chị được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã B’Lá.
Với những nỗ lực về gương vượt khó, từng bước đi lên làm giàu chính đáng cũng như tham gia làm tốt công tác xã hội, chị Lương Thị Ngỏi đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và được chọn đi báo cáo điển hình tại Đại hội đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên lần thứ nhất.
Văn Phong - Võ Đình