Người dân đề phòng các loại tội phạm sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội

Ngày 5-10, Công an TP Thủ Đức, TPHCM đã phát đi thông báo cảnh báo người dân trên địa bàn đề phòng các loại tội phạm xâm phạm sở hữu sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội.
Công an bắt giữ 1 đối tượng phạm tội trước đó. Ảnh: C.T
Công an bắt giữ 1 đối tượng phạm tội trước đó. Ảnh: C.T

Công an TP Thủ Đức cho biết, từ ngày 1-10, TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước chuyển sang giai đoạn "bình thường mới". Đây cũng là thời điểm các loại tội phạm xâm phạm sở hữu như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp, cướp giật, cướp tài sản sẽ gia tăng hoạt động trở lại với thủ đoạn tinh vi, manh động, liều lĩnh hơn.

Công an TP Thủ Đức khuyến cáo người dân không lơ là, sơ hở, chủ quan mà luôn nâng cao cảnh giác, chủ động thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tội phạm.

Theo đó, người dân và hộ gia đình, cơ sở kinh doanh chủ động bảo quản, giữ gìn tài sản, không tạo sơ hở để kẻ gian lợi dụng trộm cắp. Chú ý gia cố trần, vách, cửa sổ, cửa chính, lỗ thông gió... chắc chắn; kiểm tra, đóng, khóa cửa cẩn thận trước khi đi ngủ hoặc vắng nhà.

Đối với chủ nhà trọ, phòng cho thuê phải có cổng rào chắc chắn, trang bị còi báo động, camera quan sát và ổ khóa điện tử; bố trí bảo vệ, người trông coi xe, tài sản và nhắc nhở những người thuê phòng có ý thức tự bảo quản tài sản. Đối với xe gắn máy, luôn chú ý trông coi cẩn thận, không để khuất tầm mắt...

Công an TPHCM ra quân tấn công trấn áp tội phạm, ổn định trật tự xã hội, phòng chống dịch Covid-19 sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách vào chiều ngày 30-9. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Người dân không mang theo nhiều tiền bạc, tài sản, đồ trang sức có giá trị và không sử dụng điện thoại di động khi đang lưu thông trên đường. Khi đi, đến nơi giao dịch ngân hàng, rút tiền qua thẻ ATM phải có biện pháp bảo vệ an toàn tài sản. Không chen lấn trước quầy giao dịch, cảnh giác đối tượng lạ đeo bám, cố ý va chạm để trộm cắp tài sản.

Đối với tội phạm dàn cảnh cướp như: hỏi thăm đường, va quẹt xe, gây gỗ, đánh nhau nhằm đánh lạc hướng để ra tay cướp giật tài sản thì người dân cần bình tĩnh ghi nhớ đặc điểm nhân dạng, loại xe, biển số xe của đối tượng và báo công an gần nhất để được hỗ trợ.

Còn đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc dẫn dụ bấm vào các phím số trên điện thoại.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, mật khẩu, mã OTP, thông tin thẻ qua tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Facebook messenger…) hoặc qua cuộc gọi của bất cứ ai; không chuyển khoản, nộp tiền mặt vào tài khoản của người không quen biết.

Trường hợp đã chuyển tiền đến tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, phải báo ngân hàng, công an gần nhất để được hỗ trợ điều tra, xử lý. Không tham gia các chương trình nhận thưởng qua mạng, yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền lớn, những món quà đắt tiền.

Từ nay đến cuối năm 2021, Công an TP Thủ Đức tiếp tục thực hiện cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đấu tranh, xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra hành chính, xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, tổ chức sử dụng, sử dụng trái phép chất ma túy.

Người dân khi phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn phạm tội, vi phạm pháp luật thì thông báo ngay cho công an phường nơi gần nhất hoặc Công an TP Thủ Đức (số điện thoại 02838.972.025), Đội Cảnh sát hình sự (số điện thoại 02838.966.109) để kịp thời điều tra, xử lý.

Tin cùng chuyên mục