Người đồng bào giữ lửa nghề truyền thống

Nằm dọc theo quốc lộ 20, cách thị trấn Di Linh 7km về hướng Tây Bắc, thôn Duệ (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên.

Ngoài các loại hình văn hóa phong phú gắn với đời sống sinh hoạt như cồng chiêng, kèn bầu, những làn điệu dân ca..., người dân còn giữ, truyền nghề đan lát, tạo ra các nông cụ hay các mặt hàng lưu niệm in đậm dấu ấn văn hóa bản địa.

Đến thăm làng nghề truyền thống đan lát thôn Duệ vào một ngày cuối tuần, khung cảnh đập vào mắt là hình ảnh nhiều bà con tập trung đan gùi truyền thống và một số sản phẩm khác như nong, nia, dụng cụ bắt cá.

Bà Ka Treoh, một người dân thôn Duệ, chia sẻ: “Các hoa văn, họa tiết trên gùi thường được đan xen các loại sợi len bông, chủ yếu được dùng là màu đỏ và màu đen, tượng trưng cho sự chở che của thần linh, mang lại no ấm, sức khỏe cho người sử dụng”.

Người dân thôn Duệ tranh thủ lúc nhàn rỗi đan lát để có thêm thu nhập, giữ lửa nghề truyền thống

Người dân thôn Duệ tranh thủ lúc nhàn rỗi đan lát để có thêm thu nhập, giữ lửa nghề truyền thống

Sống trong gia đình có hơn 20 năm làm nghề đan lát, bà Ka Thủy cho biết: “Trung bình cứ 2-3 ngày là có một sản phẩm, tùy vào kích thước và độ khó mà khách hàng yêu cầu. Nhờ vào nghề đan lát mà gia đình tôi đã nuôi được 3 đứa con học ở TPHCM và hiện 2 đứa đang theo học nghề đan cùng bố mẹ”.

Mặc dù hiện là một nghề phụ nhưng nghề đan lát vốn là nghề truyền thống nên toàn thôn Duệ cũng còn trên 50 hộ dân giữ lửa nghề. Cuối năm 2022, nghề đan lát ở thôn Duệ chính thức được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận làng nghề truyền thống, nhờ đó bà con nơi đây càng có thêm niềm tin để giữ nghề, truyền đam mê cho thế hệ con cháu.

Cũng giống như các làng nghề đan lát khác, làng nghề truyền thống đan lát thôn Duệ sử dụng nguyên liệu chính là tre, ngoài ra còn có mây và một số vật dụng khác. Loại tre được sử dụng để đan gùi, rổ, rá, các loại vật dụng gần gũi trong sinh hoạt gia đình và trong sản xuất nông nghiệp là một loại tre thân thẳng, mọc tự nhiên trong rừng (các hộ dân có sự mua bán, trao đổi, ký kết với công ty Lâm nghiệp Di Linh, Lâm nghiệp Tam Hiệp để vào rừng lấy tre đảm bảo theo quy định của pháp luật) hoặc được trồng trong vườn, mua ở các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

“Các sản phẩm được làm ra chủ yếu bằng cách truyền thống, sử dụng dụng cụ lao động hàng ngày, đơn giản, chưa có sử dụng các phương tiện máy móc để bổ trợ nên sản phẩm làm ra nhờ sự chịu khó, mày mò, nhiệt huyết, đam mê của các hộ làng nghề. Hiện nay có khoảng 50 người đã được tôi truyền dạy và biết đan một số công đoạn cơ bản”, chị Ka Ẹp, giáo viên dạy đan lát tại thôn Duệ, cho biết.

Cùng với sự giao thoa, tiếp xúc giữa các vùng miền, nhiều làng nghề mây tre đan dần mai một, tuy nhiên ở làng nghề truyền thống đan lát thôn Duệ, các sản phẩm của bà con vẫn tiếp tục phát triển và lưu truyền.

Do đã hình thành được chuỗi liên kết từ khâu tìm nguyên liệu đến tiêu thụ nên các sản phẩm của người dân nơi đây đã có thị trường ổn định, được tin tưởng, ủng hộ, lựa chọn bởi nhiều khách hàng, cơ sở kinh doanh đến từ Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng hay thậm chí xa hơn là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TPHCM.

Qua đó, việc phát triển ngành nghề đan lát truyền thống tại địa phương đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân và hơn hết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên.

Ông Vũ Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc, cho biết: “Vừa qua, làng nghề truyền thống đan lát thôn Duệ đã tiến hành ký kết biên bản bảo vệ môi trường làng nghề, song song với việc mở các lớp học truyền dạy, các chương trình hỗ trợ, đầu tư. Qua đây, UBND xã cũng đã tham mưu để cấp trên luôn sâu sát đến các hoạt động tại làng nghề, để bên cạnh gia tăng thu nhập về kinh tế cho bà con, giữ gìn nghề đan lát của cha ông thì địa phương còn có thể quảng bá được thương hiệu của mình. Làng nghề truyền thống thôn Duệ hôm nay đã sẵn sàng góp phần bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội”.

Tin cùng chuyên mục