“Người đưa đò” đặc biệt

“Người đưa đò” đặc biệt

Cô giáo Huỳnh Ngọc Băng Tuyết, Trường Giáo dục chuyên biệt Niềm Tin, quận Phú Nhuận

Nếu nghề giáo được ví như nghề chèo đò ngang thì những nhà giáo trong môi trường giáo dục trẻ khuyết tật được coi là những người đưa đò dọc, những chuyến đò đặc biệt dài lâu - chở hết thời tuổi thơ và cả xa hơn nữa cho những vị khách “khác biệt”. Càng đặc biệt hơn khi bản thân những người chèo đò ấy cũng có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, thậm chí là nghiệt ngã. Cô giáo Huỳnh Ngọc Băng Tuyết là một trong số người đặc biệt ấy…

        Thương quá các con

26 năm tuổi nghề, từ ngày đầu bước vào ngành sư phạm mầm non theo tâm nguyện được là mẹ của các bé, trong 8 năm qua, ở trường chuyên biệt - nơi con trẻ chịu bất hạnh và thiệt thòi nhất, tình mẹ trong cô ngày càng thấm đẫm. “Vui, buồn, lo toan chăm bẵm từng chút cho con trẻ, con trẻ đeo cô có khi còn hơn mẹ ruột” - lời nhận xét từ nhiều phụ huynh - có lẽ là phần thưởng cao nhất dành tặng cô.

Đến Trường Giáo dục chuyên biệt Niềm Tin (quận Phú Nhuận, TPHCM) thăm lớp Lá 1 do cô giáo Huỳnh Ngọc Băng Tuyết phụ trách, chúng tôi không khỏi bùi ngùi thương cảm các trẻ khuyết tật. Lớp Lá 1 có 12 cháu, tuổi từ 7 đến 16, bị mắc các chứng down, tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ... Nghe lời cô giáo, các cháu khoanh tay chào khách với dáng vẻ và lời nói ngọng nghịu. Phải chú ý lắm và qua “phiên dịch” của cô giáo, chúng tôi mới hiểu các bé muốn bày tỏ gì.

Các cháu nhận biết được tên mình khi nghe cô gọi, biết ngồi chụp hình cùng cô nhưng với điệu bộ ngây ngây, coi thật tội… Đây là em Nguyên Khang, 16 tuổi, bị down đã ở trường cả chục năm nay nhưng nhận thức chỉ ở mức 3 - 4 tuổi. Cậu bé bị ba bỏ rơi, ở với mẹ và bà ngoại. Bình thường thì ngơ ngơ vậy, nhưng khi trở chứng thì tự cào cấu vào mặt, đánh cả cô giáo. Được rèn ở trường từ lúc 6 tuổi, đến nay tuổi kỹ năng của cậu bé chỉ đạt khoảng 7 tuổi. Kia là bé Kim Hà, 7 tuổi, bị chậm phát triển trí tuệ, lại thêm bại xụi 2 tay. Về mặt trí tuệ, cháu chỉ bằng trẻ 7 - 8 tháng tuổi, không thể tự làm gì ngoài việc gần đây mới biết tự múc ăn. Hầu như không biểu hiện một chút cảm xúc nào, không nói, chỉ ngồi yên là em Thiên Vân, 12 tuổi. Cô Băng Tuyết cho biết, gia cảnh bé Vân tội lắm, có một anh trai bị nhũn não, mới mất. Nghe cô giáo kể về bệnh tật và gia cảnh của từng bé, chúng tôi trào lên cảm giác xót xa, ái ngại cho những số phận nhỏ nhoi, kém may mắn.

Cô Huỳnh Ngọc Băng Tuyết hướng dẫn các em chậm phát triển ở Trường Chuyên biệt Niềm Tin, quận Phú Nhuận chơi lắp ráp. Ảnh: Mai Hải

Cô Huỳnh Ngọc Băng Tuyết hướng dẫn các em chậm phát triển ở Trường Chuyên biệt Niềm Tin, quận Phú Nhuận chơi lắp ráp. Ảnh: Mai Hải

        Cô xin là mẹ

“Là giáo viên nuôi dạy trẻ khuyết tật ở các dạng trên, chúng tôi nằm lòng tâm niệm: phải tận tụy, kiên trì từng chút giúp trẻ nhận biết dần từ những điều đơn giản nhất, đặc biệt là phần kỹ năng để làm sao các cháu có thể tự phục vụ mình”, cô giáo Huỳnh Ngọc Băng Tuyết nhẹ nhàng chia sẻ. Chứng kiến hoạt động của cô trò trong gần một buổi sáng, chúng tôi cảm nhận phần nào sự vất vả, có phần mệt nhọc của cô giáo. Hết thảy mọi sinh hoạt của đám trẻ diễn ra với “nhịp điệu” không dễ nắm bắt. Người giáo viên phải “đo, đọc” từng trường hợp để ứng xử phù hợp và kịp thời nhất. Ví như với em Xuân Tiến, 13 tuổi, bị chứng động kinh, cô phải để mắt không ngơi lúc nào mỗi ngày, từ trong lớp tới nhà vệ sinh. Lỡ bất chợt cháu lên cơn co giật thì cô giáo là người “cứu tỉnh” cấp thời, mà việc đầu tiên phải làm là đưa khăn vào miệng bé, ngừa bé cắn lưỡi. Khi học trò chưa kịp nhận biết và tự lo những việc đơn giản nhất như tiêu, tiểu, rót nước, xúc cơm thì cô giáo phải làm “ôsin” tuyệt đối. Nhìn cô giáo tất bật chạy đầu này, đầu kia lo cho các cháu từng li, từng tí trong lớp học tươi rói, sáng bừng nhiều màu sắc cùng tập vở, học cụ trật tự ngăn nắp, chúng tôi thấm hiểu công sức và tình thương yêu dành cho trẻ ở “người đưa đò” sáng đẹp biết nhường nào.

Cô Băng Tuyết kể, hồi đầu mới từ mầm non chuyển qua, cô bị trẻ thụi vì cô chưa kịp hiểu trò là chúng bực tức, nổi khùng. Xót thương trẻ, cô tự nhủ phải kiên trì trụ vững tinh thần và vươn lên về chuyên môn. Ngoài việc học hỏi đồng nghiệp được đào tạo cơ bản về giáo dục chuyên biệt, tự mày mò tài liệu về “tật học”, dự các lớp huấn luyện nâng cao, cô kết hợp vận dụng kinh nghiệm từ thời dạy mầm non gần 20 năm. Tự tin ở bản thân, cô cũng củng cố niềm tin vào học trò: khiếm khuyết thế nào thì trẻ cũng học được, dù ít, dù nhiều, miễn là người thầy kiên trì, tận tụy, dành hết tình yêu thương cho con trẻ và cố gắng tìm kiếm những phương pháp tốt nhất để khai mở trí tuệ chúng.

Xác định việc rèn dạy kỹ năng sống cho các bé là quan trọng nhất, cô đề ra mục tiêu cho từng bé với yêu cầu từ thấp đến cao, phù hợp với khả năng nhận thức và sức khỏe từng cháu. Với những trường hợp chậm phát triển trí tuệ, lại rất yếu về thể chất như bé Kim Hà, cô mất cả năm trời mới ra kết quả: bé tự xúc ăn được. Nhiều bé, qua thời gian bền bỉ đã tự đi tiêu, tiểu, rửa ráy trước sự kiểm tra và… phụ giúp của cô. Nội các bài học lột vỏ trứng, cầm ly uống nước, rửa tay… cô, trò phải loay hoay rất nhiều lần các cháu mới thực hiện được. Các bài học nhận thức còn đặt cô giáo vào thế khó hơn gấp bội, buộc người dạy phải sáng tạo, vì mỗi trẻ mỗi khác. Như phân biệt cao thấp, dài ngắn… cô gắn vào những “giáo cụ” trực quan có màu sắc, hình thú vật để bé hào hứng, dễ phân biệt hơn. Cô còn dạy trò chơi kidsmart trên vi tính cho một số bé tự kỷ như Tuấn Anh giờ rất thuần thục. Bền bỉ, tận tâm, tận lực với tình yêu vô bờ, người “đưa đò” là cô đã góp sức “chở” một số học trò lên tới lớp 3, lớp 4 ở trung tâm dạy nghề. Những thành quả đó càng làm sáng niềm tin nơi cô: tương lai của trẻ khuyết tật sẽ ngày càng tốt đẹp hơn khi có thêm nhiều sự chăm lo cho các cháu từ cộng đồng, xã hội.

Nghe đồng nghiệp kể về gia cảnh của cô giáo Băng Tuyết, chúng tôi càng cảm phục nghị lực vượt khó và tấm lòng thơm thảo, thủy chung, hiếu thuận của cô. Năm 2000, tai họa ập xuống gia đình cô khi người chồng bị tai nạn giao thông. Từ đó, ông mất trí nhớ, bỏ nhà đi lạc nhiều ngày, đến nay vẫn chưa thể phục hồi. Cùng gia đình hai bên vượt qua cảnh khó khăn, nhà cửa chật chội, thu nhập hạn hẹp, con còn nhỏ dại, cô gắng gỏi bám lớp tới cùng vì các bé tật nguyền. Thời gian biểu của cô chia hai: ban ngày làm hết trách nhiệm chức nghiệp, vì các con ở trường; ban tối vì gia đình riêng đầy ắp thương yêu...

THƯ NAM

Thông tin liên quan

>> Cô giáo Phan Thị Kim Tuyến, Trường Tiểu học An Lạc 1, quận Bình Tân: Dạy học là hạnh phúc đời người

>> Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lệ, Khối trưởng khối 4, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình: Thắm đậm niềm tin yêu học sinh  

Tin cùng chuyên mục