Người đưa trái ngọt về rừng U Minh

 “Chiến tích” chống mặn
Người đưa trái ngọt về rừng U Minh

Sau khi xuất ngũ, ông Quách Thanh Sử (Mười Sử, ở ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) về địa phương tham gia sản xuất như bao người khác. Đất đai rộng nhưng điều kiện khắc nghiệt khiến ông không khỏi băn khoăn. Bằng bản tính cần cù và sự sáng tạo trong lao động, ông đã chinh phục vùng đất khó; đồng thời là một trong những người đầu tiên đưa trái ngọt về rừng U Minh trồng thành công.

Vào khoảng cuối những năm 90 của thế kỷ trước, người dân địa phương trên lâm phần rừng tràm U Minh hạ còn trung thành với cây lúa mùa. Trên những mảnh đất nhiều phèn, ít phù sa ấy mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa, mà cây lúa cũng lây lất chẳng thể phát triển bình thường. Ông Mười Sử là người tiên phong chuyển đổi từ cây lúa sang trồng cây ăn trái…

Quyết tâm chuyển đổi

Ông Mười Sử bắt tay thực hiện chuyển đổi 2ha đất trong điều kiện máy móc không có, nên mọi công đoạn liếp trồng cây ăn trái phải làm thủ công. Ông nhớ lại, vùng đất này là vùng trũng, nhiều phèn… để lên liếp trồng cây ăn trái phải làm bờ cao, tránh mùa mưa ngập lụt; đào kênh mương phải xuống 4-5 lớp đất mới có bờ liếp trồng cây. Cứ thế, ông kiên trì đào mương lên liếp, hết kênh mương này, đến ao đìa khác được hình thành. Để rồi sau vài năm cần cù chăm sóc, hết bờ liếp nọ cây xanh lá, đến bờ liếp kia cho hoa lợi. Cây sinh cành đẻ nhánh kết trái ngọt, dưới ao cá đồng cứ đặc như bèo…

Ông Mười Sử bên vườn cây sum sê trái

Hồi đó, ở khu vực này chưa ai trồng cây nhãn, nhưng ông Mười Sử lại dám đầu tư hẳn một vườn nhãn quy mô. “Tui nhớ đợt đầu thu hoạch nhãn không được bao nhiêu, nhưng năm thứ hai sức của cây nhãn tơ cho trái rất nhiều, nên gia đình ông phải đưa lên tận thành phố Cà Mau bán. Bao nhiêu cũng hết, nhãn trồng ở vùng đất phèn không to, bóng, đẹp mã như vùng khác; nhưng chất lượng tuyệt hảo, trái ngọt hơn…, vì vậy nhiều người rất mê. Cũng nhờ đó mà kinh tế gia đình ông được cải thiện. Trong khi vườn nhãn của gia đình ông đang thời thịnh, bà con thi nhau học hỏi làm theo thì năm 2005, đùng một cái, nước mặn về đồng ngọt, bà con lấy nước mặn vào chuyển đổi qua làm mô hình lúa - tôm. Vùng ngọt hóa bị mặn xâm nhập trầm trọng, nhiễm sâu vào những mảnh đất cho trái ngọt. Những người bạn làm vườn với ông cũng đành ngậm ngùi phải chuyển qua nuôi tôm. Thành quả khổ cực ngày nào đang thu lợi của ông Mười Sử, bỗng chốc đứng trước nguy cơ tan biến. Người lính chiến trên mặt trận sản xuất không chịu thua, nhất quyết tìm cách giữ “chiến tích” của mình.

 “Chiến tích” chống mặn

Sau thời gian suy nghĩ, ông Mười Sử đã tìm cách chống “giặc mặn” mà mọi người phải thán phục. Khi bà con chặt cây ăn trái, ban đất trồng lúa nuôi tôm thì ông Mười Sử thuê người nhanh chóng đào hệ thống ao xung quanh vườn nhà mình, kê liếp lớn, nhằm làm “ao cách mặn”. Trong những ao bao quanh, ông Mười để mực nước bằng hoặc cao hơn các vuông tôm bên cạnh, còn những ao nước ngọt ở trong được bơm nước cây nước (giếng khoan) xuống, để đảm bảo mực nước cao hơn những ao cách mặn. Theo ông Mười Sử, làm ao cách mặn sẽ ngăn được nước mặn tràn vào; đồng thời đảm bảo giữ được đất ngọt giữa vùng mặn.

Hiện tại, trong diện tích vườn 2ha của gia đình, ông Mười Sử làm rất nhiều mô hình. Trong đó, có vườn nhãn 400 gốc mà ở cả vùng U Minh này không ai có, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Những gốc nhãn đã già cỗi được ông thay bằng những cây vú sữa sum sê trái đan xen trong vườn, hàng năm cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Để tận dụng tối đa những khu đất trống, ông Mười Sử trồng dây thiên lý khắp mảnh vườn, mỗi năm có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng. Dưới ao nước ngọt, ông thả nuôi cá sặc rằn, ao cách mặn ông nuôi cá bống tượng. Tính sơ sơ, trong tổng mô hình nhà mình, ông thu mỗi năm khoảng nửa tỷ đồng, trừ chi phí ông còn khoảng 300 triệu đồng. Một số tiền đáng mơ ước đối với người dân sống dưới tán rừng U Minh…

KHÁNH HƯNG

Tin cùng chuyên mục