
Vài năm trở lại đây, xuyên Việt là hành trình được nhiều người trẻ lựa chọn trong những kỳ nghỉ dài ngày. Với nhiều người, chuyến đi chỉ để thỏa chí khám phá văn hóa, lịch sử… những vùng đất mới. Nhưng có một chàng trai quê Đà Lạt nhiều lần đi dọc đất nước, chỉ vì yêu cỏ và hoa…
Lúc nhỏ, Trần Viết Quân sống trong một con hẻm nhỏ trên đường Võ Trường Toản, phường 8, TP Đà Lạt. Mỗi khi nghỉ học, dịp cuối tuần, Quân thường rong ruổi tới các trang trại trồng hoa trên đồi Du Sinh, gần thác Cam Ly. Ở các trang trại này có hàng trăm loài hoa như lan, hồng, cúc… dọc theo những sườn đồi, trong những mái nhà phủ bạt trắng... “Bấy nhiêu loài hoa đã là nhiều nhất chưa? Nơi khác có hoa không?...”. Những thắc mắc từ lúc thơ bé đã thôi thúc Quân lao vào hành trình đi tìm hiểu các loài hoa mới, rồi xây dựng “thiên đường hoa” trên internet…
Đeo đuổi niềm đam mê
Năm 2004, khi mới tròn 20 tuổi, bước vào năm nhất Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, Trần Viết Quân cùng 3 người bạn đồng hương cùng học tại TPHCM bắt đầu tranh thủ ngày nghỉ để đi khắp nơi tìm hiểu về hoa. Vào dịp cuối tuần, 4 chàng trai lại vượt gần 400km, trên 2 chiếc xe gắn máy từ TPHCM về Đà Lạt. Tới các trang trại trồng hoa, Quân cùng các bạn chụp hình, ghi chép đầy đủ các thông tin về tên gọi tiếng Việt, tiếng Anh của hoa; giống, loài; cách chăm sóc; mùa ra hoa; thời gian hoa tàn... để làm tư liệu. Quân kể: “Lăn lộn ở trang trại từ sáng tới tối mịt, có khi chúng tôi phải xin chủ nhà cơm nước rồi ngủ lại bên cạnh các luống hoa. Những lúc mưa gió, chẳng đứa nào lo cho bản thân, chỉ lo máy ảnh ướt và sợ nhất là trên đường về gặp trời mưa, tài liệu ướt hết”.

Trần Viết Quân tại một trang trại trồng hoa tại Đà Lạt
Sau hàng trăm chuyến ngược xuôi TPHCM - Đà Lạt bằng xe máy, xe đò với cả kho tư liệu đầy ắp trong chiếc máy tính cũ kỹ, nhóm bắt đầu nghĩ tới việc tìm hoa ở ĐBSCL, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ - những nơi gần, thuận tiện đi lại, ít tốn kinh phí. Việc đầu tiên trước khi đi tới nơi “lạ” là tìm hiểu thông tin hoa trên internet, sách báo, các từ điển chuyên ngành về nông nghiệp, cẩm nang du lịch... rồi cả nhóm mới khăn gói lên đường.
Trong nhật ký hành trình, Quân viết: “Tới An Giang, Đồng Tháp lần này, ấn tượng nhất là vẻ đẹp của điên điển vàng. Màu vàng rực khắp nơi, trong vườn, bờ ruộng... xen lẫn cả những cánh lục bình tím ngắt. Ở đây, người ta còn dùng bông điên điển nấu canh, làm bánh xèo, kho cá, làm thuốc...”. Nói về hoa bát tiên ở Đông Nam bộ và miền Trung, Quân ghi: “Bát tiên: Thấy cả ở hoa trang Nhà Bè, cả ở Bình Thuận, Đà Nẵng. Hoa này đẹp thật, chưa thấy bao giờ. Người ta nói Đà Lạt không có vì nó chỉ mọc ở xứ nóng thôi...”. Khi nhóm “tiến quân” ra Đà Nẵng rồi trở vào là Quân và các bạn tốt nghiệp đại học.
Vừa nhận được tấm bằng, Quân đi làm cho một công ty chuyên về công nghệ thông tin được vài tháng. Nghỉ tết, việc đầu tiên Quân làm là gom góp tiền, tìm thông tin và lên đường ra miền Bắc, tới Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình tìm hoa.
“Thiên đường hoa” ra đời
Suốt gần 4 năm lặn lội, qua biết bao hành trình tới nỗi “nhiều không nhớ nổi”, tìm trên web, đọc sách... Quân và nhóm bạn đã có được kho dữ liệu về hình ảnh, tên gọi, cách trồng của 1.000 loài hoa trên khắp đất nước. Cuối năm 2007, Quân tiếp tục biên tập, số hóa thông tin riêng cho từng loài hoa. Quá trình thực hiện gồm nhiều công đoạn như tìm kiếm tên của các loài hoa, thông tin liên quan, nhờ những chuyên gia nông nghiệp tư vấn để có tư liệu tốt nhất. Tư liệu đã được số hóa, chờ ngày đưa lên web.
Quân chia sẻ: “Khi đã sưu tập đủ thông tin về 1.000 loài hoa, chúng tôi chọn rất nhiều tên miền khác nhau để đặt cho website của mình. Khi thì hoadalat.com, mimosa.vn, hoabonmua.com. Nhưng khi đọc thông tin Vietnamnet là tờ báo điện tử hàng đầu Việt nam một phần lý do vì tên miền có phát âm tiếng Anh nên được nhiều kiều bào và du học sinh đọc nên chúng tôi chọn tên miền www.vnflower.vn - một website cho cả người nước ngoài, kiều bào, du học sinh để quảng bá về hoa Việt. Chúng tôi lựa chọn tên miền .vn vì cho rằng dù tên miền có âm hưởng tiếng Anh nhưng đuôi .vn để mọi người biết rằng trang web này ở Việt Nam, của người Việt Nam lập ra”.
www.vnflower.vn ra mắt, chạy thử từ giữa năm 2009. Đến tháng 3-2010, số loài hoa đã được cập nhật khá đầy đủ, với các mục: Hoa và cuộc sống, Góc nhà vườn, Thư viện ảnh, Nghệ thuật cắm hoa, Mùa hoa... tạo nên một “thiên đường hoa” đầy màu sắc. Đặc biệt, thông tin về mỗi loài hoa được biên tập kỹ lưỡng gồm: tên khoa học, tên thường gọi, miêu tả, ý nghĩa, công dụng, cách trồng, phân bố. Ngoài ra còn cho phép người dùng thêm bớt hoặc sửa chữa thông tin, cùng Quân đóng góp phát triển website đa dạng và phong phú hơn.
Vì www.vnflower.vn, Trần Viết Quân đã phải nghỉ việc ở Công ty CP Dịch vụ trực tuyến FPT để tập trung biên tập dữ liệu về các loài hoa, đưa hoa lên internet. Nói về quyết định của mình, anh cười: “Tôi còn trẻ nên sẽ quyết tâm đeo đuổi ước mơ từ thuở thơ bé của mình. Nghĩ đi nghĩ lại, nếu mình dựng nên một “thiên đường hoa Việt” cũng ý nghĩa lắm chứ. Mỗi người có một tình yêu, một đam mê. Với tôi, niềm đam mê đó là hoa và tuyên truyền về một “thiên đường hoa” cho nhiều người khác. Tôi sẽ đeo đuổi niềm đam mê này đến cùng”.
Nhật ký hành trình ở Tây Bắc, Quân ghi: “Tây Bắc, nhiều hoa dại. Hoa trong rừng, li ti có, khổng lồ có, đủ các màu sắc... Đẹp nhất là đào ở Sa Pa, hoa to, màu hồng phai, nở bung cả các sườn đồi. Các con đèo cua khuỷu tay, rất sợ, nhưng sắc đào lẫn với hoa mơ trắng hòa quyện đẹp thật. Phải chụp nhiều hoa đào trong sương, sương đọng trên hoa...
Mệt quá, gần hết tiền rồi. Thôi kệ, ai cũng có một mối tình. Phải biết chấp nhận, đánh đổi... để có nó!”.
KIÊN GIANG