Nếu như hầu hết nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) năm 2008 là trẻ nhỏ thì nạn nhân điển hình của vụ thảm họa động đất – sống thần kinh hoàng vừa xảy ra ở Nhật Bản là người cao tuổi. Có những nạn nhân xấu số đã ra đi vĩnh viễn. Tuy nhiên, những người già được cho là may mắn còn sống sót lại đang trải qua những thời khắc đau thương nhất trong cuộc đời.
Người cao tuổi chính là đối tượng được quan tâm nhiều nhất của lực lượng cứu hộ và giới chức Nhật Bản. Tất cả các nỗ lực cứu hộ và cứu trợ trong những ngày qua đều tập trung vào đối tượng này. Tuy nhiên, nhiều tổ chức cứu trợ cho biết điều đáng tiếc là thời gian sơ tán quá ít, người già không kịp chạy đến nơi an toàn. Họ đã không kịp chạy thoát dù nghe được cảnh báo sóng thần. Mặc dù chính phủ Nhật đã có những “kế hoạch tác chiến” tốt, bao gồm cả các kế hoạch cho người già, nhưng đáng buồn là kế hoạch này cũng chưa đủ.
Ông Hiromitsu Shinkawa, 60 tuổi, ở Minamisoma, đã may mắn được cứu sống sau 2 ngày lênh đênh trên biển. Nhưng mãi mãi người đàn ông này không thể quên hình ảnh ngọn thủy triều hung hãn đã cuốn phăng ngôi nhà của mình cùng với người vợ thân yêu. Cụ bà Sai Abe, 70 tuổi, ở Iwate cũng bị thủy triều cuốn đi nhưng may mắn được cứu sống. Bà hiện đang được điều trị tại bệnh viện sau khi bị sốt cao. Khâm phục hơn là một cụ bà 83 tuổi đã thoát khỏi sóng thần nhờ đã kịp leo lên xe đạp phóng đi.
Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế vừa đưa ra cảnh báo: “Về lâu dài, người già còn sẽ bị chấn thương tâm lý. Mất gia đình, không người chăm sóc và các mối quan hệ cộng đồng có thể đẩy người già vào thế không còn chỗ nương thân nào. Họ mang cảm giác bị bỏ rơi, bị phân biệt đối xử và có thể dẫn đến trầm cảm…”. Khi người ta trẻ, người ta có thể có nhiều “năng lượng” để vượt qua một thảm họa hoặc một thử thách nào đó. Nhưng đối với già, sự tuyệt vọng đang chờ họ.
Nhật Bản có gần 1/4 dân số ở vào tuổi 65 trở lên và tự hào là quốc gia có tuổi thọ bình quân cao nhất thế giới. Nhưng “niềm tự hào” này đang đặt ra nhiều thử thách cho “xứ sở Mặt trời mọc”. Báo chí thế giới những ngày qua đã đặt vấn đề mà giới chuyên gia tâm lý đang lo ngại: “Liệu Nhật Bản có đối mặt với một cuộc khủng hoảng tâm thần không?”. Câu trả lời nằm trong các chiến lược xây dựng và tái thiết của chính phủ trong thời kỳ hậu thảm họa, trong đó người cao tuổi sẽ là đối tượng cần được tính đến một cách thấu đáo.
HẠNH CHI