Nguy cơ khủng hoảng an ninh ngoại giao

Ngày 22-5, Chính phủ Israel đã ra lệnh siết chặt an ninh tại tất cả cơ sở ngoại giao của nước này trên toàn cầu sau vụ tấn công khiến 2 nhân viên Đại sứ quán Israel tại Mỹ thiệt mạng.

Căng thẳng leo thang

Hai nhân viên Đại sứ quán Israel bị bắn tử vong tối 21-5 (giờ địa phương) khi rời khỏi một sự kiện tại Bảo tàng Do Thái Capital ở trung tâm Washington D.C. Nghi phạm là Elias Rodriguez, 30 tuổi, cư trú tại Chicago, bị bắt giữ ngay tại hiện trường. Theo các nhân chứng và lực lượng chức năng, nghi phạm đã hô vang khẩu hiệu ủng hộ Palestine trước khi nổ súng.

Vụ việc đang được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) điều tra như một tội ác thù hận và hành vi khủng bố. Đây là một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất nhắm vào nhân viên ngoại giao Israel tại Mỹ trong nhiều năm qua.

W8c.jpg
Hiện trường hai nhân viên đại sứ quán Israel bị bắn gần Bảo tàng Do Thái Capital ở Washington, Mỹ. Ảnh: Times of Israel

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên án vụ tấn công, gọi đây là “hành động khủng bố kinh hoàng” và chỉ thị tăng cường các biện pháp an ninh tại mọi cơ sở ngoại giao của Israel trên thế giới. Ông cũng nhấn mạnh rằng Israel “sẽ không khoan nhượng” với những hành vi nhắm vào công dân và đại diện ngoại giao của nước này.

Tổng thống Donald Trump lên án vụ nổ súng là “hành vi thù hận tàn bạo” và khẳng định: “Không có chỗ cho chủ nghĩa bài Do Thái và bạo lực cực đoan tại nước Mỹ”. Ngoại trưởng Marco Rubio cam kết sẽ buộc những kẻ đứng sau phải chịu trách nhiệm, còn Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi cho biết văn phòng của bà sẽ trực tiếp truy tố vụ án.

Biểu tình thành bạo lực

Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự “Chiến xa Gideon” do Israel phát động tại Dải Gaza đang khiến tình hình khu vực đặc biệt căng thẳng. Từ đầu tháng 5-2025, Israel đã mở rộng tấn công vào Rafah - khu vực tập trung hàng chục ngàn dân thường và bị coi là căn cứ cuối cùng của Hamas.

Trước đó chỉ vài giờ, quân đội Israel cũng bị cáo buộc nổ súng cảnh cáo vào một đoàn ngoại giao nước ngoài đang thăm thành phố Jenin thuộc khu Bờ Tây. Trong đoàn có đại diện của các nước châu Âu, Mỹ Latinh và Canada. Dù không có thương vong, vụ việc đã gây phản ứng dữ dội. Liên hợp quốc, cùng Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Canada và Brazil đã triệu tập Đại sứ Israel để yêu cầu giải thích. Phát ngôn viên LHQ tuyên bố: Các nhà ngoại giao không bao giờ được phép là mục tiêu.

Giới quan sát quốc tế cho rằng, chính các chiến dịch quân sự dồn dập của Israel đang làm gia tăng làn sóng bài Do Thái và các hành vi trả đũa trên khắp thế giới. Tiến sĩ Henry Rosenbaum, chuyên gia an ninh Trung Đông tại Viện Brookings (Mỹ) nhận định: “Vụ nổ súng tại Washington không thể tách rời khỏi bối cảnh khu vực. Khi Israel mở rộng tấn công, những nhóm cực đoan ở nước ngoài có thể lợi dụng để thực hiện hành vi trả thù”.

Các chuyên gia cảnh báo làn sóng phản đối Israel đang vượt ra khỏi khuôn khổ biểu tình chính trị và tiệm cận ranh giới bạo lực. Trong báo cáo mới công bố, Trung tâm Nghiên cứu An ninh quốc tế tại London nhấn mạnh: “Thời điểm hiện tại là nguy hiểm. Khi niềm tin vào các giải pháp ngoại giao sụp đổ, các nhóm cực đoan sẽ tận dụng khoảng trống đó”.

Trước áp lực quốc tế, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 21-5 đã để ngỏ khả năng chấp nhận một “lệnh ngừng bắn tạm thời” tại Dải Gaza. Tuy nhiên, với 4 điều kiện được Thủ tướng Netanyahu đưa ra để chấm dứt chiến dịch quân sự: trả tự do toàn bộ con tin, loại bỏ hoàn toàn ban lãnh đạo Hamas, giải giáp Hamas và thực thi kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump, triển vọng ngừng bắn vẫn còn rất xa.

Tin cùng chuyên mục