Suốt hàng chục năm nay, ông đã miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác và góp phần vào khôi phục, bảo tồn, phát triển hát sắc bùa - một di sản văn hóa dân gian độc đáo trong ngày Tết Nguyên đán cổ truyền ở huyện Kỳ Anh.
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, tại nhiều làng quê ở huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) lại rộn ràng với những làn điệu hát sắc bùa mượt mà, chân chất, với ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” (cầu mong cho một năm mới quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống an vui hạnh phúc)… Và khi nhắc đến hát sắc bùa, người dân huyện Kỳ Anh vẫn thường nói đến công lao đóng góp rất lớn của nghệ nhân dân gian Hoàng Xuân Lựu.
Ngay từ nhỏ, ông Lựu đã có tố chất hát sắc bùa, đặc biệt là nhờ được các thế hệ trong gia đình nuôi dưỡng, trau dồi kỹ năng nên ông sớm trở thành một trong những người hát, biểu diễn sắc bùa nổi tiếng nhất nhì ở huyện Kỳ Anh. Lớn lên, lúc làm công nhân Nhà máy gang thép Thái Nguyên, lúc công tác trong ngành đường sắt hay trong quân ngũ…, nhưng dù ở đâu, làm việc gì, ông Lựu cũng luôn xem hát sắc bùa như là một phần máu thịt.
Từ năm 1980 đến nay, ông đã tìm tòi, nghiên cứu, sáng tác thành công hàng trăm câu hát, bài hát sắc bùa về nhiều chủ đề lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới; mừng Đảng, mừng xuân; ca ngợi sự đổi mới của quê hương, đất nước; ca ngợi Đảng, Bác Hồ... Ngoài ra, ông còn tự bỏ tiền túi hàng chục triệu đồng mua sắm đạo cụ, trang phục để phục vụ cho đội hát sắc bùa của địa phương trực tiếp hướng dẫn, đào tạo cho nhiều thế hệ con cháu, người dân trên địa bàn huyện Kỳ Anh trở thành những “diễn viên” hát sắc bùa chuyên nghiệp và tổ chức biểu diễn ở nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Huế, Hà Nội...
Theo ông Lựu, một đội hát sắc bùa nếu không múa sẽ có 7-9 người, trong đó có người cầm trịch (gọi là hát cái), người đánh trống, người đánh cồng, người đánh thanh la, người đánh tam vông, người đánh thanh tiền...; nếu có múa sẽ từ 12-15 người… Các thành viên đội hát sắc bùa nhỏ nhất là 14-15 tuổi, cao nhất là trên 90 tuổi và đều tự nguyện tham gia không có lương bổng, không có chế độ hỗ trợ nào. Thông thường tại mỗi thôn xóm trong xã có 1-2 đội hát sắc bùa, tập trung luyện tập 10-15 ngày từ tháng Chạp và bắt đầu biểu diễn vào đêm giao thừa cho đến rằm tháng Giêng. Các đội hát sắc bùa với trang phục truyền thống và đạo cụ sẽ đi đến tận từng nhà dân trong thôn xóm để hát, múa chúc mừng năm mới. Bố cục mỗi bài hát sắc bùa có 2 phần, gồm phần trịch và phần sắc. Phần trịch là người cầm trịch (nhạc trưởng) lĩnh xướng hát trước, cả đội sẽ trợ giọng hát 2 chữ sau. Phần sắc là cả đội cùng hát theo. Mỗi bài hát sắc bùa có nhiều làn điệu được sáng tác tự do, nhưng phải luôn đảm bảo kết câu thường là thể lục bát và tùy vào từng chủ đề hoàn cảnh cụ thể khác nhau.
Ông Lựu cho biết, ở huyện Kỳ Anh không phải ai cũng đảm đương được vị trí người cầm trịch. Bởi ngoài chất giọng tốt, khỏe, thanh thoát, người này còn phải biết điều phối, lúc nào thì nên hát cao lúc nào thì nên trầm xuống. Khó khăn của hát sắc bùa là khâu tập luyện vì phải mất nhiều thời gian, kinh phí mua sắm đạo cụ, trang phục, đặc biệt là phải tìm được người vừa có đam mê vừa có chất giọng hát hay…
“Mặc dù hiện nay có nhiều thể loại âm nhạc phát triển thịnh hành, tuy nhiên hát sắc bùa vẫn luôn được người dân huyện Kỳ Anh giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Các thế hệ người dân xem đó là một nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương, một số trường học trên địa bàn cũng đã bắt đầu tổ chức tiết học ngoại khóa về hát sắc bùa, đồng thời mời tôi cùng đội hát sắc bùa đến trực tiếp luyện tập cho học sinh… Vì thế, trong tương lai sẽ không lo lắng hát sắc bùa bị mai một”, ông Lựu chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Kỳ Anh, cho biết, qua những công lao với nghệ thuật hát sắc bùa của địa phương, nghệ nhân dân gian Hoàng Xuân Lựu là tấm gương sáng điển hình được các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, rất kính trọng, nể phục.