Người giữ thang âm đại ngàn

Người giữ thang âm đại ngàn

Chúng tôi tìm đến nhà của Rơ Chăm Tih, người miệt mài truyền đam mê âm nhạc Tây Nguyên vào một buổi chiều tháng 3. Mùa này, Tây Nguyên không còn những rặng cúc quỳ dại nở rực, rừng cao su cũng vào mùa rụng lá, song ngồi tại xưởng chế tác nhạc cụ của Rơ Chăm Tih và bạn bè, để lắng nghe tiếng trầm trầm, thánh thót của đàn T’rưng, đàn Goong… thì không có cảm nhận nào về Tây Nguyên thật hơn thế.

  • Bắt tre, nứa cất tiếng

Sinh ra và lớn lên tại làng Jút, xã IaDêr, huyện Iagrai, Gia Lai, từ năm lên 10, Rơ Châm Tih đã bắt đầu nhen nhóm tình yêu với những thang âm của núi rừng Tây Nguyên và cho tới tận bây giờ khi anh bước vào tuổi 40, đã là chủ của một gia đình nhỏ thì niềm đam mê ấy ngày càng mạnh mẽ hơn.

Rơ Chăm Tih đang hướng dẫn cách làm nhạc cụ dân tộc.

Rơ Chăm Tih đang hướng dẫn cách làm nhạc cụ dân tộc.

Xoay xoay trên tay một ống nứa nhỏ lựa chỗ để đặt mũi dao rạch những đường đầu tiên của chiếc đàn T’rưng, Rơ Chăm Tih tâm sự: “Khi còn bé, trong lúc bè bạn còn mải mê với bao trò chơi thú vị tôi chỉ quanh quẩn bên ông già mù chuyên làm nhạc cụ trong buôn. Mỗi ngày bên ông, được tận mắt xem già đẽo, vót ống nứa, thử thang âm, tôi đã học được cách bắt những thanh tre nứa vô tri cất tiếng”. Sau đó Rơ Chăm Tih đi bộ đội, lấy vợ, sinh con.

Có những lúc tưởng chừng gánh nặng gia đình đã gắn chặt Tih với nương rẫy song tiếng rộn ràng của mùa hội mừng lúa mới đã kéo anh trở về với âm nhạc. Không chỉ cồng chiêng, Rơ Chăm Tih còn chơi điêu luyện nhiều loại nhạc cụ mang âm hưởng của núi rừng đại ngàn như đàn Ting ning, Krong put, T’rưng… Anh đã có mặt ở nhiều liên hoan từ cấp huyện, đến tỉnh và ngay cả trong hội thi nhạc cụ dân tộc toàn quốc, Rơ Chăm Tih cũng đều đoạt được vị trí cao nhất.

Rơ Chăm Tih kể, đầu tiên, anh chỉ làm một đàn cho mình nhưng sau mỗi lần xem anh biểu diễn, nhiều người cứ muốn tìm mua các nhạc cụ. Anh thấy đây là cơ hội để giới thiệu văn hóa Tây Nguyên, nên làm thêm nhiều cái. Tiếng lành đồn xa, nhiều nghệ sĩ trong tỉnh muốn có cây đàn hay cho riêng mình liền tìm đến anh. Hợp tác với những người bạn cùng buôn Plei Choet, xưởng nhạc cụ dân tộc đầu tiên của Rơ Chăm Tih đã ra đời.

“Ở Tây Nguyên, người giỏi làm đàn không mấy ai giỏi chơi đàn và ngược lại. Chỉ có một Rơ Chăm Tih chơi đàn cũng nhuần nhuyễn như lúc đẽo, vạt, cắt, tỉa ống nứa vậy”, chị Nguyễn Bích Vân, Trưởng phòng Di sản Sở VH-TT tỉnh Gia Lai nói. Có lẽ, chính đam mê của họ đã kéo nhiều người đến với xưởng hơn. Từ những người bạn lớn tuổi đến những cô bé, cậu bé đang ở tuổi cắp sách đến trường đều được đón nhận và truyền dạy kỹ thuật tỉ mỉ của người vót âm thanh của núi rừng.

  • Thỏa niềm đam mê

Ban đầu xưởng chế tác của Rơ Chăm Tih chỉ có vài người bạn thân. Họ vừa là ông chủ, vừa là nhân công. Dần dà, nơi đây đã trở thành nơi đi về quen thuộc của những người say mê nhạc cụ truyền thống. “Để làm được một nhạc cụ, rất khó và rất lâu. Phải lên tận rừng Yaly cách làng hơn 50km, ở đó cả tuần để tìm lồ ô. Cây lồ ô làm được đàn phải là cây đã có 2 em (tức 2 chiếc măng bên cạnh), khoảng 3 năm tuổi, vì già quá sẽ bị nứt, còn non quá sẽ bị héo.

Trước kia, chuẩn bị nguyên liệu để làm đàn phải mất tới 4 tháng vì khi đã tìm được cây lồ ô mang về, phải ngâm bùn 3 tháng nhưng giờ công đoạn đơn giản hơn chút chỉ cần hong khô 3 nắng rồi luộc, lại sấy khô”, Tih say mê kể. Khi đã làm xong nhạc cụ, lại phải hun trên gác bếp, hoặc luộc để chống mối mọt. Cẩn thận và kỹ lưỡng nên mỗi tháng xưởng của anh chỉ làm được trên dưới 100 chiếc đàn T’rưng. Mỗi chiếc đàn T’rưng lớn để biểu diễn giá bán chỉ 500.000 đồng, với loại có gắn thêm mic để dùng trên sân khấu hiện đại, được giới trẻ yêu thích cũng chỉ có giá 800.000 đồng. “Thu nhập từ việc bán nhạc cụ không nhiều nhưng đủ để mọi người trang trải cuộc sống hàng ngày và thỏa niềm đam mê được tạo nên âm thanh của núi rừng”, Rơ Chăm Tih tâm sự. Sắp tới anh sẽ mở lớp vừa dạy các em làm nhạc cụ, vừa dạy các em chơi đàn. Và khi đó, những thang âm hùng vĩ của đồng bào sẽ được truyền nối và vang mãi giữa đại ngàn Tây Nguyên. 

THU HÀ

Tin cùng chuyên mục