Người lao động phấn khởi

Đảm bảo đời sống cho người lao động
Người lao động phấn khởi

Doanh nghiệp dệt may thưởng tết cao

Kết thúc năm 2013 - một năm mà hoạt động sản xuất, xuất khẩu (XK) của ngành dệt may gặp không ít khó khăn, XK trong những tháng cuối năm có sự trầm lắng, sụt giảm. Tuy nhiên, kế hoạch chăm lo Tết Giáp Ngọ 2014, lương thưởng cho người lao động tại nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may lại mang đến niềm vui lớn cho người lao động, khi nhiều DN công bố mức thưởng bằng, thậm chí cao hơn so với mức thưởng của năm 2013, bình quân khoảng 8 - 12 triệu đồng/người.

Công ty CP May Sài Gòn 3 thưởng tết tương đương 2 tháng lương cho công nhân. Ảnh: MỸ HẠNH

Công ty CP May Sài Gòn 3 thưởng tết tương đương 2 tháng lương cho công nhân. Ảnh: MỸ HẠNH

Đảm bảo đời sống cho người lao động

Dệt may là một trong những ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam nhưng lại là ngành bị cho là phụ thuộc gia công, giá trị gia tăng mang lại thấp. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh tích cực thì dệt may là ngành giải quyết được việc làm cho nhiều lao động. Và mức lương thưởng cuối năm vừa được các DN dệt may công bố cho thấy, lao động ngành may đã sống được với đồng lương của chính mình, lao động dệt may không còn bị cho là lao động rẻ mạt nữa. Tập đoàn Dệt may Việt Nam còn có hướng xây dựng mức lương để một lao động dệt may có thể nuôi được thêm 1,5 người.

Hiện nay, mức lương mà DN dệt may lớn tại TPHCM trả cho lao động khoảng 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng, nếu tính cả thu nhập sẽ cao hơn. Còn ở các DN nhỏ, mức lương hàng tháng của lao động cũng phải trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Năm nay, nhiều DN công bố mức thưởng tết bình quân theo lương (thu nhập cao hơn) khoảng 8 - 12 triệu đồng, có nơi cao hơn thì lao động của nhiều ngành nghề, thậm chí công chức hoặc lao động “chất xám” ở nhiều ngành khác cũng phải ghen tỵ! Ở các DN dệt may nhỏ, công nhân vẫn được đảm bảo mức thưởng tết 1 tháng lương 13. Do mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng lên trong năm 2014 nên mức thưởng theo lương cũng sẽ tăng, cao hơn chút ít so với năm 2013.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, cho biết, dù hoạt động sản xuất, XK của DN trong những tháng cuối năm không sôi nổi như mong đợi, DN có khó khăn nhưng đời sống của người lao động phải được chăm lo đủ. Đó là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của DN. Năm nay, May Sài Gòn 3 thưởng tết 2 tháng lương cho người lao động, hiện mức lương bình quân của DN là 4,5 triệu đồng/tháng, mức thu nhập khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức thưởng thấp nhất của người lao động khoảng 9 triệu đồng/người. Do thời gian nghỉ tết kéo dài khoảng nửa tháng nên DN cũng sẽ có chính sách bù nửa tháng lương trong tháng 2-2014, để người lao động vẫn có được một khoảng lương tương đối trong tháng sau tết, mức hỗ trợ này khoảng 2 triệu đồng/người. Ngoài ra, DN hỗ trợ 50% chi phí tàu xe cho lao động về quê đón tết.

Công ty CP SX-TM May Sài Gòn cho biết, DN cũng có chính sách chăm lo tốt nhất cho người lao động, với mức thưởng tết bằng với năm 2013 (tương đương 10 triệu đồng/người), cùng với chính sách hỗ trợ lương cho người lao động, dù nghỉ tết 15 ngày nhưng người lao động vẫn có lương. Nhiều DN, đơn vị trong hệ thống Tập đoàn Dệt May Việt Nam như Công ty May Tiền Tiến, Đồng Tiến, Phong Phú, Tổng Công ty Việt Thắng-CTCP, Việt Tiến… cho biết mức thưởng tết dành cho người lao động trong Tết Giáp Ngọ 2014 cũng ở mức khá cao khoảng 8 - 12 triệu đồng/người.

Dấu hiệu tích cực cho xuất khẩu năm 2014

Tình hình sản xuất, XK dệt may trong những tháng cuối năm 2013 ở nhiều DN dệt may có dấu hiệu giảm sút so với thời điểm “bùng nổ” nhận đơn hàng ở đầu năm 2013. Việc chậm này cũng là một sự điều tiết của thị trường. Theo nhiều DN dệt may tại TPHCM, so với cùng thời điểm vào cuối năm 2012 thì kế hoạch đặt hàng hiện nay cho 6 tháng đầu năm sau không sôi động bằng. Tuy nhiên, xét về tổng quan của ngành thì hoạt động sản xuất, XK dệt may vẫn trên đà thuận lợi. Năm 2012, XK dệt may đạt 17,2 tỷ USD. Trong 11 tháng năm 2013, XK dệt may đã đạt 16,44 tỷ USD, tăng trưởng 19,7%. Như vậy, XK dệt may 2013 cũng sẽ về đích theo mục tiêu tăng trưởng 10% - 12% đã đưa ra.

Theo Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM, vào thời điểm này của năm 2012, phần lớn DN dệt may đã có đơn hàng thực hiện đến quí 2-2013, nhiều DN có đơn hàng đến tháng 7 và 8-2013. Nhưng hiện nay, đơn hàng sản xuất tại nhiều DN chỉ mới có đến tháng 4 và 5-2014. Theo các DN dệt may, đây có thể xem là một xu hướng mới trong đặt hàng của các nhà nhập khẩu nước ngoài dành cho các đối tác thân quen, hợp tác lâu năm, thời gian đàm phán đặt hàng được rút ngắn, đơn hàng sản xuất cũng phải nhanh hơn. Tại một số DN tình hình sản xuất cho năm 2014 đang diễn ra trong thuận lợi. Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex) cho biết, năm 2013 DN gặp chút khó khăn trong sản xuất, đơn hàng làm cho mùa xuân-hè 2013 có giảm. Nhưng kế hoạch sản xuất cho mùa xuân hè 2014 của DN đã đầy, DN đang phải tăng tốc để bù cho thời gian phải nghỉ tết sắp tới. Hiện nay, Garmex đã có kế hoạch sản xuất cho cả năm 2014 với các đối tác lâu năm. Từ năm 2014, DN sẽ chính thức sản xuất, bán hàng ODM (tự thiết kế, may, chào bán) cho 2 khách hàng mới tại Mỹ với đơn hàng ODM trị giá khoảng 500.000 USD.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường cung ứng hàng dệt may cho thế giới hiện đang ở châu Á, quanh quẩn trong các nước XK chính như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Việt Nam, Campuchia… Hàng may mặc là một trong những hàng tiêu dùng thiết yếu, doanh thu tiêu dùng cho may mặc trên thế giới vẫn ngày một tăng… Xu hướng chuyển dịch, giảm sản xuất từ thị trường Trung Quốc - nơi chiếm phân nửa thị phần cung ứng dệt may cho thế giới và hàng loạt cơ hội lớn trong các hiệp định kinh tế, dệt may Việt Nam vẫn sẽ là điểm lựa chọn ưu tiên của các nhà nhập khẩu. Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh cho rằng, các nhà nhập khẩu nước ngoài đã quan ngại và đơn hàng cho các sản phẩm may mặc từ khách hàng nước ngoài sẽ giảm 30% do tình trạng bất ổn tại đất nước này. Hiện các nhà nhập khẩu nước ngoài đã bắt đầu di chuyển đơn hàng tới các nước khác như Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia và Trung Quốc để sản xuất. Đây cũng là một dấu hiệu tích cực cho thị trường Việt Nam trong năm 2014.

HÀ NHAI

Tin cùng chuyên mục