Người mê khám phá nhạc dân tộc Việt

Ít ai biết rằng, Junichi Usui - một người Nhật Bản, đã qua Việt Nam tìm việc làm chỉ với mục đích để được học một số bộ môn âm nhạc truyền thống của Việt Nam, đó là đàn bầu, guitar phím lõm, ca trù…

Buổi học đàn guitar phím lõm của Junichi với NSƯT - thạc sĩ Huỳnh Khải
Buổi học đàn guitar phím lõm của Junichi với NSƯT - thạc sĩ Huỳnh Khải

1. Với tuổi đời đã ngoài 40 cùng vốn liếng gần như cả tuổi trẻ cống hiến cho âm nhạc, mặc dù anh có một cuộc sống không chút liên quan gì đến âm nhạc cả. Quê hương anh, quận Nerima thuộc thành phố Tokyo là vùng đất nổi tiếng về củ cải trắng. Junichi là con một, cha mẹ anh muốn con học một ngành gì đó thực tế. Junichi đã học công nghệ thông tin theo nguyện vọng của gia đình cùng một số chuyên ngành khác. Anh có bằng cử nhân Ngữ văn (chuyên ngành Triết học và Tôn giáo) tại Trường Đại học Waseda, Tokyo, dù bộ môn thực sự khiến anh đam mê lại là âm nhạc.

Mối lương duyên giữa anh và nghệ thuật, theo như lời anh kể, có lẽ bắt đầu từ mẫu giáo. Khi đó, trường của Junichi liên kết với một trường nhạc chuyên nghiệp để dạy nhạc cho trẻ. Junichi không biết đó có phải là cái nôi âm nhạc đầu tiên tác động đến tâm thức của anh hay không? Thế nhưng, cho dù học bất cứ cấp bậc, văn bằng gì, cậu bé Junichi vẫn nuôi trong mình niềm đam mê âm nhạc suốt từ thơ ấu đến trưởng thành.

2. Là một người đa tài với khả năng sử dụng rất nhiều nhạc cụ truyền thống, Junichi tiết lộ, anh và âm nhạc dân tộc tìm đến nhau hết sức tình cờ. Vì đam mê nên cứ có cơ hội là anh tự học và chơi nhạc. Anh tìm đến các trung tâm âm nhạc để học và tập luyện thông qua việc tham gia biểu diễn trong các nhóm nhạc địa phương. Khi còn là thanh niên, anh từng chơi nhạc rock, nhưng khi có dịp tiếp xúc với một số nhạc cụ truyền thống, anh chợt phát hiện mình thực sự thích thể loại này.

“Tính ngẫu hứng, thử thách cao của âm nhạc dân gian đã kích thích tôi”, Junichi nói. Anh bắt đầu với nhã nhạc cung đình Nhật Bản - học cách chơi một nhạc cụ có tên là sho. 15 năm học nhạc truyền thống Nhật Bản dường như chưa đủ thỏa mãn Junichi. Anh muốn được tìm đến những chân trời mới...

“Ngoài âm nhạc, điều ấn tượng đối với tôi về đất nước Việt Nam đó chính là ẩm thực. Tôi rất thích ẩm thực đường phố, từ khi đến đây, tôi chỉ toàn ăn thức ăn đường phố...”

Junichi Usui

Khao khát được mở rộng tầm hiểu biết khiến Junichi “lấn sân” sang âm nhạc dân tộc của các quốc gia khác. Để thử sức, Junichi bắt đầu từ việc học giai điệu, rồi anh đi sâu hơn trong khám phá thế giới âm nhạc dân gian các quốc gia khác bằng việc học nhạc khí và bộ gõ. Anh học nhạc cụ truyền thống gendang của Indonesia; đến với xứ sở kim chi học bộ gõ samulnori; rồi đến Ấn Độ, Malaysia... 15 năm học nhạc cụ dân gian fiddle của Ireland, 10 năm học guitar điện tử... Ở các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia..., mỗi nơi anh dành ra từ 2 đến 4 tháng để khám phá âm nhạc bản địa. Thời điểm hiện tại, Junichi đang dừng chân ở Việt Nam để học guitar phím lõm, đàn bầu và học tiếng Việt để có thể học ca trù.

3. Junichi kể, cơ duyên đến với âm nhạc dân gian Việt Nam bắt đầu từ một người bạn Hàn Quốc rất mê nhã nhạc Nhật Bản. Năm 2015, trong lúc tìm kiếm thông tin cho bạn về những hoạt động nhã nhạc, Junichi tình cờ phát hiện tại Nhật Bản đang diễn ra Hội nghị của hiệu trưởng các trường âm nhạc ở châu Á, trong đó có bàn về nhã nhạc cung đình của các quốc gia. Họ cùng nhau tới dự. Tại đó, Junichi đã gặp nghệ sĩ Mai Thanh Sơn - Trưởng phòng Đối ngoại Nhạc viện TPHCM - người giờ đây đang giúp anh kết nối với các thầy cô dạy âm nhạc truyền thống của Việt Nam để anh theo học.

Tháng 9-2017, Junichi bắt đầu những trải nghiệm về âm nhạc Việt và anh quyết định dùng chuyên ngành IT của mình để mưu sinh tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ cho đam mê âm nhạc. Junichi học guitar phím lõm với NSƯT - thạc sĩ Huỳnh Khải và đàn bầu với NSND Phương Bảo. Mới chỉ hai tháng, song Junichi đã có thể đàn hơn một chục bài bản, như Inh lả ơi, Lý cây bông, Lý qua cầu, Lý Mỹ Hưng, Khúc ca hoa chúc...; anh cũng đang học tiếng Việt để có thể sớm học ca trù. Junichi cho biết, anh cũng đã đến cái nôi của nhã nhạc cung đình Huế, đến Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đã được thưởng thức nhã nhạc và ca Huế.

Ban đầu chúng tôi đã thắc mắc, phải chăng lý do Junichi chọn học đàn bầu, guitar phím lõm, ca trù, xuất phát từ sự công nhận của UNESCO về các loại hình âm nhạc truyền thống này của Việt Nam (đờn ca tài tử, ca trù) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng anh cho biết, không hẳn là vậy.

“Âm điệu trong âm nhạc dân gian Việt Nam rất đặc biệt, nó khác với nhiều nước trong khu vực; điểm rung nhấn trong nhạc Việt đầy cảm xúc, tiết tấu rõ ràng. Tôi không quan tâm đến kỹ thuật hiện đại của các loại nhạc cụ, điều tôi quan tâm là loại nhạc cụ ấy, dù chơi rất đơn giản nhưng nó tạo được sự tinh tế và không gian màu sắc đầy cảm xúc. Đó chính là điều tôi thích ở âm nhạc Việt Nam. Đàn bầu chỉ có một dây, nhưng giai điệu rất tuyệt, guitar phím lõm cũng vậy…”, Junichi nói về những cảm nhận đối với âm nhạc dân tộc Việt. Riêng với ca trù, anh tò mò muốn khám phá những giai điệu dường như có đôi chút tương đồng với thể loại ca folk - âm nhạc dân gian của phía Bắc Esashi Oiwaki (Nhật Bản).

Năm nay là năm đầu tiên Junichi chứng kiến một cái tết cổ truyền của Việt Nam. Anh đã được những người bạn, người thầy dạy nhạc ở TPHCM hứa sẽ đưa đi tìm hiểu về văn hóa tết Việt.

Tin cùng chuyên mục