Người mở đường...

Người mở đường...

Chặt cây, phá núi. Đó là công việc gian nan, đầy bất trắc của người đi mở đường. Với dân thể thao mà nhất là dân làm bóng đá chuyên nghiệp, việc mày mò chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để tìm cho được hướng đi đích thực và hiệu quả cũng gian nan không kém. Đó là chuyện của người “cầm đèn chạy trước ôtô”.

Người mở đường... ảnh 1

Cơn địa chấn đối với bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ khi “bầu” Đức đưa tiền đạo số 1 Đông Nam Á Kiatisak về với đội bóng hạng Nhất Gia Lai.

Xuân về Tết đến,SGGP thể thao xin được gởi đến bạn đọc dăm ba câu chuyện về bầu Đức- người đi mở đường của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.…

1- Cận tết Âm lịch của 5 năm về trước, bầu Đức gạt qua một bên chuyện cơm áo gạo tiền của hơn 4.000 công nhân, bay sang Bangkok, “ăn chực nằm chờ” ở khách sạn chỉ để mong có được chữ ký của danh thủ số 1 bóng đá Đông Nam Á lúc bấy giờ - danh thủ Kiatisak Senamuang. Thông tin Hoàng Anh Gia Lai muốn có bằng được chữ ký của Zico Thái được loan tải nhanh chóng trên các nhật báo.

Bên cạnh thông tin ấy là lời bình luận xách mé rằng: “Hoàng Anh là gì? Gia Lai ở đâu mà muốn có Zico trong đội hình”. Bộc trực và cũng khá nóng tính, nghe dịch lại, bầu Đức nổi nóng và tuyên bố: “Muốn biết Hoàng Anh là gì, Gia Lai ở đâu? Hãy chờ đấy. Bằng mọi giá, tôi sẽ đưa Kiatisak về phố núi”. Nào chỉ riêng báo chí Thái, ngay cả một số báo thể thao trong nước cũng tỏ ra ngờ vực, thậm chí xỏ xiên trước thông tin bầu Đức sang mời Kiatisak về Pleiku đá bóng.

Ngày ấy, mãi chúi đầu vào việc cưới xin, Zico Thái chẳng màng đến cả chục bức fax gởi đến từ Việt Nam. Cũng phải thôi, trước việc hệ trọng của đời người (và cũng đang chán ngán bóng đá sau lúc thất bại trong lần sang Anh thử việc), ai còn hơi sức đâu để ý đến lời mời từ một đội bóng vô danh ở tận phố núi bên Việt Nam.

Lần lựa mãi, cuối cùng thì Kiatisak và người đại diện của mình đành bỏ ra một buổi để tiếp chuyện khách phương xa. Khép lại cuộc trò chuyện là sự ngỡ ngàng của chủ nhà khi mọi yêu cầu về lương, thưởng, xe cộ, vé máy bay, phí chuyển nhượng v.v... của Zico Thái đều được đáp ứng. Thậm chí khi tất cả rời khỏi phòng họp, phí chuyển nhượng và 6 tháng lương tạm ứng nằm sẵn trong tài khoản của anh cùng CLB cũ!

Kể lại chuyện cũ, bầu Đức nói: “Chỉ có chữ nhẫn mới giúp tôi hoàn tất phi vụ chuyển nhượng Kiatisak cùng những sự thành công tiếp theo trên sân cỏ. Ngày ấy, nếu không có sự nhẫn nhịn, tôi đã xách va-ly về nước vì không chịu được sự thờ ơ của lãnh đạo và Kiatisak.

Và cũng từ chữ nhẫn, tôi mới ngộ ra rằng nóng nảy không là điều tốt...”. Những chiến thắng như chẻ tre, những chiếc cúp vàng lũ lượt kéo nhau “đậu” trong phòng truyền thống Hoàng Anh Gia Lai. Thế nhưng ít ai biết rằng bầu Đức phải nuốt giận vào lòng như thế nào để có được những danh hiệu ấy khi chân ướt chân ráo đến với bóng đá chuyên nghiệp.

2- Ngày 20-8-2006, V-League hạ màn. Khả năng vô địch của Bình Dương (gặp Hoàng Anh Gia Lai trận cuối) không thật nhiều, nhưng đông đảo nhà báo thể thao cả nước tụ hội về phố núi để ghi lại hình ảnh khoảnh khắc Zico Thái cùng Tawan và Dusit nói lời chia tay. Một cuộc chia tay thật đẹp, cảm động và đong đầy sự trân trọng mà trước đó chưa từng diễn ra trên sân cỏ nước nhà.

Người mở đường... ảnh 2

Bầu Đức và đoàn tiền trạm HAGL được ban lãnh đạo CLB Arsenal đón tiếp trọng thị, đặt nền móng cho sự hợp tác toàn diện giữa Arsenal - HAGL sau này.

Nhìn những gì mà bầu Đức dành cho các công thần Kiatisak, Hữu Đang, Tawan, Dusit, Chukiat, nhiều người chợt chạnh lòng về sự ra đi trong thầm lặng của những danh thủ: Minh Chiến, Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Hoàng Bửu, Văn Cường, Minh Hiếu...

Tiếc cho những tài năng không gặp thời và không phải là “lính” của bầu Đức. Khung cảnh hoành tráng của cuộc đón rước Kiatisak, Chukiat về phố núi 5 năm trước, chợt như tái hiện vào chiều hè hôm ấy. Cái cách mà bầu Đức làm nở mày, nở mặt nhóm công thần chẳng khác nào ngụ ý gởi đến lớp cầu thủ kế cận rằng: “Hãy đến, hãy chơi trung thực, hết mình rồi sẽ được tưởng thưởng tương xứng”.

3- Bầu Đức lại chơi trội, lại có dịp đánh bóng thương hiệu của mình nữa rồi. Lời bình luận ấy xuất hiện ngay sau lúc thông tin Hoàng Anh Gia Lai sang Anh để đặt mối quan hệ với Tottenham, Arsenal, Chelsea. Dù đã chuẩn bị khá chu đáo (băng ghi hình, video clip, hình ảnh CLB bóng đá, khách sạn, resort, các xí nghiệp sản xuất...) và liên hệ chặt chẽ với đối tác hàng tháng trước lúc khởi hành, song bầu Đức và đoàn tùy tùng khá nhụt chí trước lời bình phẩm ấy.

Gạt qua một bên sự đàm tiếu, họ lên đường để rồi ngỡ ngàng trước sự đón tiếp trọng thị của các đối tác lừng danh trên sân cỏ châu Âu và thế giới. Không chỉ mở rộng vòng tay chào đón, “giáo sư” Arsene Wenger còn gợi ý về một sự hợp tác toàn diện giữa Arsenal và Hoàng Anh Gia Lai trong việc xây dựng Học viện bóng đá trẻ, quảng bá hình ảnh của đôi bên trên sân cỏ, mời và xếp lịch để cựu vô địch V-League sang London đá tập huấn 3 trận.

Mọi chuyện tiến triển tốt đẹp hơn cả mong đợi. Thêm một “chân lý” nữa được ông bầu này rút ra sau chuyến đi nói trên: “Không có chuyện gì khó và không thể. Hãy gõ, cửa sẽ mở !”. Một bước ngoặt đáng nhớ đã mở ra sau chuyến đi nói trên, Hoàng Anh Gia Lai trở thành CLB đầu tiên và những người làm bóng đá Việt Nam đầu tiên, đặt được nền móng và xây dựng được mối quan hệ với bóng đá Anh.

4- Xem xong bài báo viết về Học viện đào tạo tài năng trẻ ở Thái Lan do Arsenal bảo trợ, bầu Đức quyết định bỏ ngang cuộc họp Tổng Giám đốc doanh nghiệp APEC, mua vé bay sang Thái Lan để “mục sở thị” về cách làm bóng đá trẻ khá lạ lẫm. Ngồi xem các cầu thủ trẻ Thái Lan và Bờ Biển Ngà tâng bóng với đôi chân trần chẳng khác nào một nghệ sĩ xiếc, bầu Đức như bị hớp hồn bởi khả năng của họ. Liền đó là câu hỏi: “Họ làm được, tại sao ta không làm được? Không làm thì biết đến bao giờ bóng đá Việt Nam mới vượt qua người Thái?”.

Mười ngày sau chuyến viếng thăm đột xuất ấy, bầu Đức đã mời được hai đại diện của Học viện bóng đá Arsenal JMG Thái Lan sang tận phố núi để…khảo sát và bàn việc xây dựng một Học viện tương tự. Mọi thỏa thuận và hợp đồng liên kết được đôi bên thông qua chóng vánh. 5/300 hecta cao su được bầu Đức chỉ định đốn hạ sớm để lấy chỗ xây dựng Học viện theo đúng mọi yêu cầu của đối tác.

Nhìn những cây cao su đang độ cho mũ sung mãn, tôi chợt hỏi ông bầu đầy nhiệt huyết này rằng: “Đốn bỏ mấy hecta cao su, anh mất đi hàng tỷ bạc tiền bán mũ cao su trong một năm. Liệu rằng hiệu quả của việc đào tạo trẻ có bù được khoản tiền ấy?”. Không chút ngần ngừ, bầu Đức đáp ngay: “Trồng cây đã khó. “Trồng người” còn khó hơn.

Tôi thật sự “ghiền” cách đào tạo của họ nên quyết tâm làm cho bằng được. Không một phép toán nào có thể tính được trong việc “trồng người” đâu. Không làm thì lấy đâu ra cầu thủ cho tương lai? Không làm thì biết đến bao giờ bóng đá Việt Nam mới sánh vai với bè bạn năm châu bốn bễ? Phải mạnh dạn thôi, không thể tính lời lãi ở đây được”.

Chục năm trước, khi đổ ra hàng núi tiền để trồng 300 hecta cao su, bầu Đức từng bị cho là người điên khi đem tiền chôn xuống đất. Chục năm sau, khi đốn bỏ cao su, chấp nhận mất hàng tỷ đồng một năm để quay sang “trồng người”, hẳn là ông sẽ bị gọi là người điên thêm một lần nữa. Nhưng “người điên” ấy làm việc với cái lý, nỗi đam mê và lòng khát khao đến cháy bỏng của riêng mình. Giá mà trong làng bóng đá chuyên nghiệp nước nhà, có thêm được nhiều “người điên” như thế...

SĨ HUYÊN

Tin cùng chuyên mục